VPBank là một trong những ngân hàng được tham gia cho vay gói 30.000 tỷ đợt này - Ảnh: Hoài Nam

VPBank là một trong những ngân hàng được tham gia cho vay gói 30.000 tỷ đợt này - Ảnh: Hoài Nam

Thêm 8 ngân hàng giải ngân, dư nợ gói 30.000 tỷ đồng có tăng mạnh?

(ĐTCK) Không chỉ nới rộng đối tượng được vay vốn gói 30.000 tỷ đồng, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép thêm 8 ngân hàng thương mại được tham gia cho vay gói vốn này, nâng tổng số nhà băng được phép cho vay gói hỗ trợ nhà lãi suất 5%/năm lên 13 đơn vị.

Cụ thể, 8 đơn vị mới bao gồm Eximbank, BaoVietBank, SCB, PvComBank, TPBank, OCB, VPBank, SeABank, thay vì chỉ có BIDV, Vietcombank, MHB, Agribank được phép giải ngân trước đó. Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội được triển khai từ tháng 6/2013 theo Nghị quyết 02 và Nghị quyết 61 của Chính phủ với mục đích hỗ trợ người thu nhập thấp vay mua nhà ở giá rẻ. Lãi suất cho vay áp dụng cho chương trình này tối đa là 5%/năm, thời hạn cho vay tối đa là 15 năm đối với khách hàng cá nhân.

Tính đến 15/12/2014, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tổng số tiền đã cam kết cho vay là 9.417 tỷ đồng, đạt 31,39%; hiện đã giải ngân được 4.882 tỷ đồng, đạt 16,27%.

Trả lời Đầu tư Bất động sản về việc được tham gia giải ngân gói vốn 30.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, đây sẽ là cơ hội cho Ngân hàng trong việc đẩy mạnh vốn cho cá nhân vay mua nhà. Do đó, cùng lúc các ngân hàng có thể tài trợ cho các chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội khi tham gia vay gói 30.000 tỷ đồng, cũng như hỗ trợ vốn cho khách hàng cá nhân vay mua nhà. Nhưng theo ông Tùng, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân còn tùy thuộc vào diễn biến thị trường bất động sản trong năm 2015, cũng như nhu cầu về nhà ở có mức giá phù hợp có gặp được cung hay không.

Thực tế, thủ tục giải ngân vẫn là câu chuyện lớn của gói hỗ trợ tín dụng này. BIDV đã nhiều lần làm việc với trực tiếp với chủ đầu tư, văn phòng chứng thực tài sản đảm bảo tại địa phương để cùng tìm giải pháp cho khách hàng, nhưng theo lãnh đạo BIDV, vẫn chưa có kết quả khả thi. Đáng chú ý là đối với những trường hợp khách hàng là lao động tự do, người có thu nhập trung bình thấp, không chứng minh được khả năng trả nợ thì các ngân hàng không thể cấp vốn cho vay. Bởi các NHTM luôn phải đặt điều kiện về an toàn vốn và khả năng thu hồi nợ lên hàng đầu, dù đây là các đối tượng hướng đến của gói 30.000 tỷ đồng.

Mặt khác, nguồn cung về nhà ở xã hội, cũng như nhà ở thương mại có mức giá trên dưới 1 tỷ đồng/căn không phải là nhiều, nên khách hàng muốn tham gia vay cũng rất khó.

Số liệu từ Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, tính đến 31/12/2014, trên địa bàn TP. HCM đã cho vay 1.890 tỷ đồng đối với 3.200 khách hàng, trong đó cho 2 DN vay gần 500 tỷ đồng từ gói vốn hỗ trợ này.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho rằng, được tham gia giải ngân gói vốn 30.000 tỷ đồng là điều kiện khá tốt cho ngân hàng trong việc đẩy tín dụng cá nhân mua nhà. Nhưng điều đó không có nghĩa là kỳ vọng dư nợ tín dụng nhà ở tăng vọt trong năm 2015, khi tâm lý khách hàng vẫn muốn lãi suất cũng như giá bất động sản tiếp tục giảm. Mặt khác, so với thời cao điểm, giá cả địa ốc có giảm nhưng các dự án có giá căn hộ trên dưới 1 tỷ đồng cũng không nhiều, đó là chưa nói đến việc chứng minh nguồn thu nhập trả nợ của khách hàng khó khăn khi thu nhập giảm.

Agribank Chi nhánh TP. HCM cũng cho rằng, không ít hồ sơ vay vốn của cá nhân không đáp ứng đủ điều kiện vay. Còn với DN lại càng khó khăn, vì đòi hỏi phải có quỹ đất được cấp triển khai dự án nhà ở xã hội…, cộng với nhiều thủ tục phức tạp khác. Vì thế, đến nay tổng vốn Agribank Chi nhánh TP. HCM giải ngân cho DN từ gói 30.000 tỷ đồng còn hạn chế và chủ yếu là giải ngân cho khách hàng cá nhân mua nhà.

Phó giám đốc Vietcombank Chi nhánh TP. HCM, ông Huỳnh Song Hào cho biết, chủ trương của Ngân hàng là đẩy mạnh vốn cho khách hàng cá nhân, kể cả với gói 30.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 80%. Đó cũng là lý do để Vietcombank tìm kiếm những dự án có mức giá căn hộ phù hợp, chỉ khoảng 1 tỷ đồng/căn trở xuống để tài trợ vốn lãi suất 5%/năm theo chủ trương trên.

Vietcombank đã phối hợp Nam Long gỡ vướng cho khách hàng vay mua căn hộ của dự án Ehome do Nam Long làm chủ đầu tư, với kỳ vọng đẩy mạnh giải ngân chương trình 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do việc chứng minh khả năng trả nợ của nhiều khách hàng vẫn không đáp ứng được điều kiện tín dụng, nhất là khả năng trả nợ của nhiều cá nhân yếu nên khó giải ngân.

Trong khi đó, thời hạn để kết thúc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng là vào ngày 1/6/2016. Như vậy, thời gian giải ngân gói tín dụng trên đã đi hơn một nữa. Nhưng câu chuyện mấu chốt không phải là có tiêu hết tiền không, mà là gói vốn này có mang lại tác động tích cực đến thị trường bất động sản như rất nhiều kỳ vọng trước đó hay không khi vẫn có rất nhiều phàn nàn từ phía người đi vay.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan