Thế trận của NTP và BMP

Thế trận của NTP và BMP

(ĐTCK) Thị trường vật liệu xây dựng vẫn khó khăn, nhưng "song mã" Nhựa Bình Minh (BMP) và Thiếu niên Tiền Phong (NTP) vẫn đạt được mức tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, thế trận của 2 công ty này hiện nay ra sao?

Thế trận của NTP và BMP ảnh 1

Thế trận

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên về kết quả kinh doanh của 2 công ty ở 2 miền Nam, Bắc này, đó là lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ trong 9 tháng đầu năm 2013 đều tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu báo cáo riêng của 2 công ty qua từng quý, về doanh thu thì NTP luôn ở “chiếu trên”, nhưng về lợi nhuận thì chính BMP mới là bên nắm thế trận.

Vì sao có hiện tượng này trong khi tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần của 2 công ty này không có sự chênh lệch đáng kể? Chi phí bán hàng của NTP khá cao.

Trong khi tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu tính chung 9 tháng đầu năm của BMP chỉ có chưa đến 3,3% thì con số này đối với NTP lên đến xấp xỉ 16%.

 NTP đang chi hoa hồng khá cao cho các đại lý nhằm ngăn chặn sự xâm chiếm thị phần của đối thủ, đồng thời cố gắng giành thị phần cho mình.

Cách đây khoảng 2 tháng, NTP đã ra thông báo cho các đại lý về việc nâng mức chiết khấu đối với sản phẩm ống nhựa HDPE lên đến 30% ở thị trường phía Bắc và áp dụng mức 15% ở thị trường phía Nam. Điều này đã khiến BMP gặp khó ngay ở phía Nam, chứ chưa nói đến chuyện tiến ra Bắc, vì mức chiết khấu chung của BMP chỉ có 15%.

Bên cạnh đó, NTP đi vay ngân hàng nên phải chịu chi phí lãi vay, trong khi BMP hầu như không có nợ vay.

Báo cáo tài chính của BMP có ghi nhận khoản vay ngắn hạn hơn 10 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9/2013, nhưng thực chất đây cũng là khoản tiền thế chân của các đại lý, chứ không phải là vay ngân hàng.

Đến cuối tháng 9/2013, BMP đã hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu và 88% kế hoạch lợi nhuận năm, trong khi các con số này đối với NTP lần lượt là 82% và 75%.

 

Diễn biến sắp tới ra sao?

BMP gặp phải một bất lợi lớn khi mà vừa qua cơ quan thuế đã ra quyết định truy thu và xử phạt thuế với tổng số tiền lên đến 117 tỷ đồng.

 Đến thời điểm này, BMP đã nộp phần truy thu xấp xỉ 75 tỷ đồng và đang xin tạm hoãn nộp tiền phạt. BMP khẳng định không vi phạm nghĩa vụ thuế, mà do các văn bản của cơ quan thuế bất nhất, cách hướng dẫn của Tổng Cục thuế và Cục Thuế TP. HCM cũng khác nhau.

Việc BMP phải nộp những khoản tiền này sẽ ảnh hưởng ngay đến dòng tiền của Công ty trong quý IV, cũng như lợi nhuận sau thuế quý IV và cả năm 2013.

Bên cạnh đó, vừa qua, BMP còn bị một đại lý thiếu nợ và không có khả năng thanh toán số tiền lên đến 35 tỷ đồng. Khoản nợ này bị quá hạn từ tháng 6/2013.

 Đây là 1 trong 5 đại lý lớn của BMP, được BMP cấp cho hạn mức gần 40 tỷ đồng. BMP dự kiến sẽ trích dự phòng 30%, tức khoảng 10,5 tỷ đồng cho số nợ này trong năm nay. Như vậy, lợi nhuận quý IV của BMP cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Việc đầu tư của BMP vào CTCP Nhựa Đà Nẵng (DPC) không suôn sẻ. BMP đã quyết định dừng mua thêm cổ phiếu DPC, vì sau khi tham quan và đánh giá lại thì BMP nhận thấy nhà xưởng, danh mục sản phẩm, hệ thống phân phối… của DPC không được như BMP kỳ vọng.

Trước đây, BMP từng nuôi ý định đầu tư vào DPC, muốn DPC trở thành một cứ điểm sản xuất tại khu vực miền Trung nhằm giảm chi phí vận chuyển, đồng thời qua đó chiếm thị phần các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…

Về phía NTP, việc duy trì các khoản nợ vay trên 30% vốn chủ sở hữu có thể được xem là một lợi thế cho công ty nhựa miền Bắc này, khi mà lãi suất đang trong xu hướng giảm.

Nhờ số tiền vay này mà NTP có thể mạnh dạn tăng mức chiết khấu cho các khách hàng lên cao hơn các đối thủ cạnh tranh, qua đó một mặt có thể gia tăng thị phần, mặt khác ngăn cản sự bành trướng của đối thủ.

Ngoài ra, Nhà máy NTP miền Trung với công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm vừa được khánh thành tại Khu công nghiệp Nam Cấm, tỉnh Nghệ An trong tháng 9 vừa qua.

Theo chính sách của tỉnh Nghệ An, NTP miền Trung được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

NTP đặt kế hoạch doanh thu đối với nhà máy này trong năm 2014 là 311 tỷ đồng và từ năm 2016 trở đi là 500 tỷ đồng. Hiện nhà máy mới vận hành hơn 20% công suất thiết kế, theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC) thì nhà máy này chưa có đóng góp gì nhiều trong năm nay, mà vào năm sau.