Thế nào là bất động sản cao cấp?

Thế nào là bất động sản cao cấp?

(ĐTCK) Một trong những thông tin đáng chú ý vừa được CBRE chia sẻ với Đầu tư Bất động sản là sự trở lại “khá hoành tráng” của dòng bất động sản cao cấp trong nửa đầu năm 2015 và đặc biệt là quý II vừa qua.

Cụ thể, trong quý II, Hà Nội có tổng cộng 5.137 căn hộ được mở bán mới từ 19 dự án, tăng 19% so với cùng kỳ. Trong đó, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, căn hộ cao cấp chiếm tỷ lệ khoảng 30% tổng số căn mở bán mới. Số căn hộ cao cấp đưa ra thị trường tăng gấp 3 lần so với quý trước với 1.518 căn.

Trong 5 tháng đầu năm, chuyển nhượng căn hộ cao cấp chiếm 22% tổng số giao dịch, trong khi cùng kỳ 2014 là 18% và 2013 chỉ có 6%.

Tại sao lại có hiện tượng này, khi chỉ mới đây không lâu, các dự án đất nền, biệt thự, chung cư được liệt vào dạng cao cấp là các phân khúc có số lượng tồn kho lớn nhất, khó bán nhất trên thị trường nhà ở? 

Lý giải câu hỏi này, bà Nguyễn Hoài An, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn thị trường CBRE, cho rằng, nguyên nhân là tỷ lệ sinh lời về mặt cho thuê trên giá trị tài sản ở phân khúc cao cấp lớn hơn, nên nhiều nhà đầu tư chuộng hơn.

Cùng với đó, với những chính sách kích cầu từ chủ đầu tư, hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng và nhu cầu về nhà ở ngày càng cao, đã góp phần đẩy mạnh giao dịch nhà đất. Đây cũng là thời cơ vàng để bất động sản cao cấp vực dậy và tạo nên những đột phá trên thị trường.

Trong khi đó, ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE nhìn nhận rộng hơn ở khía cạnh kinh tế vĩ mô khi cho rằng, nền tảng kinh tế Việt Nam tiếp tục con đường phục hồi, nhiều hiệp định thương mại đã và sắp được ký kết, cùng với một số cú huých chính sách tăng cầu bất động sản cao cấp vừa có hiệu lực.  “Đó là những cơ sở quan trọng để không chỉ người dân trong nước, mà cả người nước ngoài và các nhà đầu tư bỏ tiền vào bất động sản cao cấp”, ông Richard Leech bình luận.

Chỉ nhìn vào quận Thanh Xuân, nơi đang được coi là “điểm nóng” của phân khúc cao cấp cũng thấy rõ sức cầu đang khá tốt, thúc đẩy nhiều chủ đầu tư nỗ lực tăng cung.

Với nhiều ưu điểm về giao thông, về hạ tầng, Thanh Xuân đang tọa lạc hàng chục dự án được thị trường đánh giá là cao cấp như Mandarin Garden, Hapulico complex, HUD Tower, Hei Tower … và có cả tên tuổi mới Imperia Garden, dự án mang thương hiệu Imperia từng thành công tại TP. HCM với dự án cao cấp Imperia An Phú (quận 2, TP. HCM).

Đại diện chủ đầu tư Imperia Garden, Công ty HBI cho biết, dù ra mắt thị trường địa ốc thủ đô cách đây không lâu, nhưng Imperia Garden đang khá hút khách bởi vị trí nằm gần tuyến đường tàu điện và đường cao tốc trên cao, thuận tiện cho kết nối giao thông.

Để “xứng danh” cao cấp, chủ đầu tư này đã mời gọi nhiều đối tác uy tín trong lĩnh vực bất động sản trong và ngoài nước để thực hiện công tác thiết kế công trình, quy hoạch dự án, quy hoạch cảnh quan, thi công… tại dự án này.

Tất nhiên, khách hàng của căn hộ cao cấp thường rất kỹ tính nên việc chủ đầu tư chăm chút cho dự án cũng là chuyện thường. Nhưng xét đến cùng, dự án có thực sự cao cấp, xứng với “đồng tiền bát gạo” của người mua hay không từ trước đến nay hầu như chỉ phụ thuộc vào… thiện chí của chủ đầu tư. Đã không ít dự án được quảng bá cao cấp với những cái tên tây rất kêu, nhưng sau khi hoàn thiện đã “dính”  rất nhiều kiện cáo của khách hàng, mà Hyundai HillState là một ví dụ.

Nguyên nhân, một phần quan trọng là trên thực tế tại Việt Nam, kể cả cơ quan chức năng cũng như thông lệ thị trường chưa có một khái niệm được thống nhất thế nào là bất động sản cao cấp. Ngay một chuyên gia bất động sản như bà Nguyễn Hoài An cũng thừa nhận rằng, thị trường chỉ nhìn hàng cao cấp ở góc độ… giá khá cao cấp.

Việc thiếu một định nghĩa chuẩn có thể gây nên hệ lụy hơn nhiều người tưởng. Đó là tình trạng bơm thổi, quảng cáo quá đà để thu hút người mua; tranh cãi về chất lượng, giá cả từng hạng mục sau khi dự án hoàn thiện…

Vì vậy, nên chăng cơ quan quản lý cần ban hành một “chuẩn cao cấp” trên thị trường địa ốc, thay vì chỉ phụ thuộc vào sự tự nguyện của các chủ đầu tư?

Nhưng chuyện đó chắc còn dài. Còn trước mắt, nếu con số về lượng tiêu thụ căn hộ cao cấp được các tổ chức tư vấn, các chủ đầu tư đưa ra là chính xác thì cứ vui cái đã. Bởi cùng với mặt bằng bán lẻ, phân khúc nhà ở cao cấp với mức giá rất cao của nó từng được coi là mảng “chậm tiến” nhất của một thị trường đang dần hồi phục.

Nay, khi người có nhu cầu và cả nhà đầu tư đã mạnh dạn mở hầu bao rộng hơn, thì các phân khúc còn lại của thị trường hẳn sẽ được… thơm lây!

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan