Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá, có 3 điểm thuận lợi để Việt Nam thu hút nhà đầu tư Hoa Kỳ trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và công nghệ cao: một là, chính sách của Đảng và Chính phủ Việt Nam ủng hộ nhà đầu tư; hai là, Hoa Kỳ có mối quan hệ hợp tác thương mại lớn với Việt Nam; ba là, nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng. Trong đó, nhân lực là yếu tố then chốt trong sự phát triển của bất kỳ lĩnh vực nào.
“Với lĩnh vực công nghệ cao nói chung, trí tuệ nhân tạo và bán dẫn nói riêng, Việt Nam có nguồn lực lao động trẻ tiềm năng với 240 trường đại học, trong đó có gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo về kỹ thuật, công nghệ. Trong 20 năm qua, Việt Nam tạo ra 100.000 lập trình viên, hàng triệu người làm công nghệ thông tin. Việt Nam có nhiều doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử, trí tuệ nhân tạo như FPT, Viettel, VNPT… Đây là minh chứng quan trọng cho thấy nguồn lực chắc chắn là thế mạnh quan trọng của nước ta”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh.
Hai năm gần đây, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho chuỗi sản xuất chip toàn cầu, với khoản đầu tư hàng tỷ USD từ các công ty Mỹ và Hàn Quốc; Amkor Technology đã khánh thành nhà máy tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD; Hana Micron Vina khánh thành dự án nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Bắc Giang, với vốn đăng ký đầu tư gần 600 triệu USD; Samsung có kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam…
Việt Nam còn là điểm đến tìm kiếm nhân sự cho nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đang cần nguồn nhân lực ngành bán dẫn. Hồi tháng 5/2024, đoàn làm việc của 19 doanh nghiệp, đại học Đài Loan (Trung Quốc) đến Việt Nam để phỏng vấn sinh viên cho chương trình cao học hoặc thực tập với nhiều hỗ trợ. Cùng lúc đó, nhiều trường đại học, cơ sở đào tạo tại Việt Nam đã mở chuyên ngành đào tạo về bán dẫn hoặc mở khóa học chuyển đổi từ các ngành có liên quan như Đại học FPT, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội và TP.HCM, Đại học Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ, Đại học Phenikaa, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội… Trong đó, Đại học FPT có sinh viên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn và xem xét cấp học bổng lên đến 100% chương trình học cho sinh viên chuyên ngành này.
Trao đổi về cơ hội cho nhân sự ngành bán dẫn Việt Nam, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang chứng kiến xu hướng thay đổi mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, mở ra các cơ hội lớn chưa từng có cho Việt Nam. Trong bối cảnh đó, FPT là doanh nghiệp đi đầu, tập trung vào thiết kế, đóng gói, kiểm thử và đào tạo nhân sự chất lượng cao.
“Chúng tôi mong muốn các bạn trẻ Việt Nam dấn thân vào chuỗi bán dẫn toàn cầu, tạo nên những kỳ tích mới”, ông Khoa nói.
Toạ đàm “Tăng cường hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo” được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp với Tập đoàn FPT và Tập đoàn đầu tư Rosen Partner (Hoa Kỳ). Sự kiện có sự tham dự của các tập đoàn công nghệ, tổ chức hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn và AI tại Hoa Kỳ như AMD, Google, Intel, Marvell, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (Semi)...