Yêu cầu về “kho” kiến thức
Câu cửa miệng quen thuộc của cánh phóng viên là làm báo đã khó, làm báo kinh tế còn khó hơn, bởi kinh tế vốn là lĩnh vực gắn với sự khô khan, phức tạp và tính chuyên sâu của mỗi vấn đề.
Tài chính - chứng khoán là một mảng của kinh tế, nhưng bao trùm thông tin của tất cả các ngành, lĩnh vực, bởi hầu như ngành nghề nào cũng có đại diện doanh nghiệp trên sàn chứng khoán và nhiều lĩnh vực có sự liên quan mật thiết.
Chẳng hạn, viết về một cổ phiếu thép niêm yết đòi hỏi sự hiểu biết doanh nghiệp nói riêng, ngành thép nói chung, khả năng phân tích các chỉ số tài chính, nhận diện và đánh giá các yếu tố tác động như biến động giá nguyên nhiên liệu, triển vọng cung - cầu bao gồm hoạt động đầu tư công, tình hình thị trường xây dựng, động thái của các nước xuất nhập khẩu thép lớn, diễn biến tỷ giá, lãi suất... Với bài viết liên quan đến tranh chấp, sai phạm, kiện tụng, phóng viên cần có thêm kiến thức về pháp luật.
Không chỉ nắm bắt thông tin trong nước, phóng viên cũng cần sát sao với các sự kiện quốc tế xảy ra hàng ngày.
Hãng thông tấn Reuters từng ví von: “Mỹ hắt hơi thì thế giới cảm lạnh”. Theo đó, mỗi động thái của nền kinh tế lớn nhất thế giới này đều mang lại những tác động đến kinh tế toàn cầu. Chẳng hạn, trước mỗi cuộc họp về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), thế giới gần như “nín thở” theo dõi, bởi bất luận Fed đưa ra quyết định như thế nào thì thị trường chứng khoán toàn cầu đều có những phản ứng nhất định.
Hay chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine khiến giá nhiều loại hàng hóa và nguyên nhiên liệu tăng cao, nguồn cung - cầu và chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng..., qua đó tác động đến thị trường trong nước nói chung, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp liên quan nói riêng, đồng thời khiến thị trường chứng khoán biến động.
Chính vì sự bao trùm thông tin rộng lớn trong báo chí mà cố nhà báo lão thành Hữu Thọ từng nói: “Vấn đề nào bây giờ thì cũng là sự tổng hợp nhiều kiến thức của nhiều vấn đề. Biết nhiều thì nghiên cứu vấn đề mới sâu sắc và viết bài thêm hay”.
Lọc thông tin khi đối thoại với doanh nghiệp
Bên cạnh những tin tức vĩ mô và thị trường, thông tin từ các báo cáo tài chính, từ website doanh nghiệp..., phóng viên cần đối thoại với doanh nghiệp để khai thác thông tin nhằm cung cấp cho nhà đầu tư.
Trong cuộc đối thoại với doanh nghiệp, nếu phóng viên không có kiến thức sâu rộng cùng khả năng sàng lọc thông tin thì rất dễ sa đà vào câu chuyện mà doanh nghiệp tô vẽ. Khi không có sự kiểm chứng thông tin rõ ràng, bài báo có thể bị lạm dụng vào mục đích quảng cáo của doanh nghiệp, không loại trừ khả năng trở thành công cụ tiếp tay cho hành vi thao túng thị trường chứng khoán của những đối tượng có mục đích trục lợi.
Thẳng thắn mà nói, không phải lúc nào báo chí cũng làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong làng báo với rất nhiều cơ quan báo chí và người hành nghề, khó có thể tránh khỏi có “con sâu làm rầu nồi canh”, do cả vô tình và cố ý. Chẳng hạn, bài viết phản ánh chưa đúng sự thật, thiếu công tâm, cố tình “bới lông tìm vết” dẫn đến đưa ra thông tin chưa chính xác, mang lại tác động tiêu cực cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, báo chí đã phát hiện, phanh phui không ít trường hợp doanh nghiệp hoạt động sai phạm, từ đó cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính phát triển. Đối với thị trường chứng khoán, nhờ vạch trần bức tranh màu hồng không có thật, báo chí đã góp phần giúp nhà đầu tư loại dần những cổ phiếu kém chất lượng và bổ sung những mã tốt vào danh mục.
Với những cây bút có tâm, có tầm, khi đã viết bài phản ánh hiện tượng tiêu cực sẽ nêu đúng người, đúng tội, làm đến nơi đến chốn để đối tượng bị phản ánh phải “tâm phục, khẩu phục”.
Liên tục rèn luyện và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm
Báo chí kinh tế, tài chính, chứng khoán được coi là ngành vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nghệ thuật. Khoa học thể hiện ở chỗ, nhà báo biết xử lý, tính toán số liệu và phân tích vấn đề. Nhưng làm cách nào để truyền tải được những thông tin phức tạp đó đến với người đọc lại là nghệ thuật của người cầm bút.
Báo chí viết về kinh tế hiện không còn chỗ cho sự dễ dãi, thiếu chuyên nghiệp. Với những độc giả có mục đích cập nhật tin tức hàng ngày, yêu cầu về chất lượng thông tin, cách hành văn có thể không quá khắt khe, người viết chỉ cần đảm bảo yêu cầu cơ bản về tính thời sự, chính xác và dễ hiểu.
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên mọi mặt trận từ mạng xã hội, các tờ báo kinh tế, tài chính, chứng khoán càng phải đem đến cho độc giả những thông tin chuyên sâu, chất lượng cao.
Nhưng không ít độc giả là những chuyên gia, doanh nhân, nhà đầu tư am hiểu thị trường, dày dặn kinh nghiệm, thì bất kỳ sơ suất nào trong việc lập luận, phân tích hay xử lý số liệu cũng dễ dàng phô bày sự non nớt của người viết. Do đó, cái chất của người làm báo phải toát lên được sự am hiểu nhiều lĩnh vực.
Nhà báo buộc phải có khả năng diễn đạt tốt để phục vụ các đối tượng bạn đọc khác nhau, mặt khác là sở hữu vốn kiến thức sâu rộng để thực hiện những bài viết chất lượng cao, sâu sắc và đa chiều.
Tuy nhiên, trong việc đào tạo chuyên ngành báo chí trên giảng đường đại học hiện chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu cho báo chí lĩnh vực kinh tế, mà chủ yếu là đào tạo nghiệp vụ. Điều này cũng phần nào lý giải thực tế số lượng cử nhân báo chí ra trường trở thành những phóng viên kinh tế từ ban đầu thường rất ít, mà sau quá trình rèn luyện, tích lũy kiến thức và chuyên môn nghiệp vụ mới tự tin để bước vào lĩnh vực này.
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên mọi mặt trận từ mạng xã hội, các tờ báo kinh tế, tài chính, chứng khoán càng phải đem đến cho độc giả những thông tin chuyên biệt, chuyên sâu, thể hiện vai trò định hướng thông tin, đồng thời đảm bảo tính hấp dẫn, chất lượng cao để đồng hành cùng độc giả, nhà đầu tư và thị trường.