Thế khó của Venezuela nếu đối đầu kinh tế với Mỹ

Khủng hoảng kinh tế kéo dài khiến việc Venezuela ngừng xuất khẩu dầu hoặc có các hành động nhằm tấn công kinh tế Mỹ chẳng khác nào tự hại mình.
Tổng thống Venezuela - Nicolas Maduro và vợ. Ảnh:Reuters

Tổng thống Venezuela - Nicolas Maduro và vợ. Ảnh:Reuters

Căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Venezuela đang leo thang rất nhanh trong vài ngày qua, khi Washington công nhận tư cách tổng thống lâm thời của lãnh đạo phe đối lập Venezuela - Juan Guaido. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro sau đó tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Mỹ. Việc này làm dấy lên lo ngại Mỹ có thể áp các lệnh trừng phạt lên dầu thô Venezuela.

Venezuela là quốc gia có dự trữ dầu thô hàng đầu thế giới. Các nhà máy lọc dầu của Mỹ tại tại Gulf Coast (vùng duyên hải Vịnh Mexico) vẫn phải dựa vào nguồn cung từ Venezuela để hoạt động. Đến đầu năm nay, mỗi ngày, Mỹ nhập khoảng 500.000 thùng dầu thô từ quốc gia này. "Dầu của Venezuela rất cần thiết cho hoạt động sản xuất dầu diesel tại Mỹ", John Kilduff tại công ty đầu tư Again Capital cho biết.

Mỹ đến nay đã áp nhiều lệnh trừng phạt lên Venezuela, nhưng vẫn chưa ngừng nhập khẩu dầu từ quốc gia này. Họ cũng chưa cắt xuất khẩu chất pha loãng dầu có xuất xứ Mỹ sang Venezuela. Vì vậy, rõ ràng ông Maduro nắm trong tay công cụ có thể đẩy lùi sức ép từ Mỹ - dầu thô. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế kéo dài nhiều năm nay khiến họ gần như không thể sử dụng vũ khí này.

"75% lượng dầu xuất khẩu đem lại tiền mặt cho Venezuela là sang Mỹ", Scott Modell – Giám đốc Rapidan Energy nhận định. Các công ty nhập khẩu chính dầu thô từ Venezuela là Citgo, Valero Energy và Chevron, Reuters cho biết.

Dòng người xếp hàng trước cửa siêu thị cạnh dãy ôtô chờ mua xăng tại San Cristobal. Ảnh: Reuters 

Dù Venezuela cũng xuất khẩu khá nhiều dầu thô sang các đồng minh chính, như Nga và Trung Quốc, gần như toàn bộ lợi nhuận đều được dùng để trả nợ cho hai nước này. "Họ không thu được tiền mặt từ việc này, mà Venezuela lại đang cực kỳ cần tiền", Modell cho biết.

Thiếu ngoại tệ đã khiến Venezuela không thể nhập khẩu nhu yếu phẩm từ nhiều năm qua. Không chỉ thiếu lương thực, dược phẩm, người dân Venezuela nhiều khi còn không có điện, gas và nước sinh hoạt. Họ thậm chí thiếu cả xăng – thứ lẽ ra phải rất dư thừa tại quốc gia có dự trữ dầu lớn nhất thế giới, do sản xuất dầu thô và sản lượng xăng tại các nhà máy lọc dầu đi xuống. Đây là những hậu quả sau 5 năm Venezuela chìm vào khủng hoảng kinh tế.

Trên Washington Post, Shannon O’Neil – chuyên gia nghiên cứu khu vực Mỹ Latin tại Council on Foreign Relations nhận định ngừng xuất khẩu dầu hoặc thực hiện các hành động khác nhằm tấn công kinh tế Mỹ chẳng khác nào "tự hại mình". Và dù nó cũng khiến Mỹ thiệt hại phần nào, Venezuela mới là nước chịu hậu quả lớn hơn.

Thị trường dầu dường như cũng đồng tình với quan điểm này. Giá dầu thô hôm qua tăng phiên thứ hai liên tiếp, nhưng nhóm cổ phiếu lọc dầu của Mỹ gần như không chịu ảnh hưởng. Phillips 66 đã không dùng dầu thô Venezuela sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt tài chính lên Venezuela là hãng dầu quốc doanh nước này – PDVSA tháng 8/2017. Marathon Petroleum và Motiva Enterprise cũng giảm hơn nửa nguồn cung từ Venezuela trong giai đoạn đó, Bloombergcho biết.

Công ty duy nhất có thể chịu tác động mạnh là Citgo – nhà máy lọc dầu đặt tại Mỹ, nhưng lại do PDVSA nắm cổ phần lớn từ năm 1990. Từ lâu, công ty này đã hoạt động như một thực thể độc lập, và chỉ chuyển về PDVSA phần cổ tức, thay vì doanh thu.

Tuy vậy, cấu trúc sở hữu của Citgo đến nay vẫn là nguồn cơn căng thẳng giữa Mỹ và Venezuela. Tháng 8/2017, chính quyền Tổng thống Mỹ - Donald Trump ký sắc lệnh chặn việc chuyển cổ tức cho PDVSA. Các lệnh trừng phạt lên giới chức Venezuela cũng càng đặt Citgo vào tình thế nguy hiểm.

PDVSA đã lấy gần nửa cổ phần trong Citgo để thế chấp cho khoản vay 1,5 tỷ USD của chính phủ Venezuela từ đại gia dầu mỏ Nga – Rosneft năm 2016. Modell cho biết nội bộ Mỹ vẫn còn tranh cãi chuyện chính phủ có nên tiếp quản công ty này hay không. Một số phản đối, vì cho rằng Citgo nên được coi là tài sản cho Venezuela thời hậu Maduro, nhằm giúp nước này vực dậy nền kinh tế dựa vào dầu mỏ. "Số khác thì coi đây là nguồn doanh thu cho Maduro", Modell nói.

Mỹ đang tìm cách chuyển tài sản của chính quyền ông Maduro cho phe đối lập Venezuela. "Tôi cho rằng đã đến lúc thực hiện các động thái pháp lý", Moises Rendon tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận xét, "Khi việc đó xảy ra, Maduro thực sự sẽ chẳng còn mấy lựa chọn".

Tin bài liên quan