Tìm điểm cân bằng
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 20/9/2021, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,28% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 7,48%), tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 7,17% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,99%). Số liệu cho thấy, tiền gửi của các tổ chức kinh tế và cá nhân vào hệ thống ngân hàng đang chững lại.
Bà Thúy Hồng, ở phố Thái Thịnh, Hà Nội chia sẻ: “Tôi nghĩ, tiền gửi tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng chững lại từ lâu rồi. Bản thân tôi là người chung thủy với việc gửi tiết kiệm vào ngân hàng nhiều năm do lãi suất tốt, an toàn, nhưng cũng đã dần rút tiền ra được gần năm nay và chuyển sang kênh đầu tư trái phiếu”.
Cuối tuần qua, cầm khoản lãi gần 200 triệu đồng trong vòng 4 tháng khi đầu tư hơn 6 tỷ đồng vào trái phiếu, mua thông qua công ty chứng khoán, bà Hồng đã “vét” nốt khoản tiền tiết kiệm còn lại tại ngân hàng để chuyển cho công ty chứng khoán nhằm mua thêm trái phiếu.
Câu chuyện này được ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ: “Sau khi dịch Covid-19 từng bước được khống chế, doanh nghiệp cũng như ngân hàng quay trở lại hoạt động và lúc đó nhu cầu vốn sẽ tăng. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sẽ rút tiền tại ngân hàng để tiến hành các giao dịch thanh toán, dẫn tới nguồn tiền của các tổ chức tín dụng có sự xáo trộn”.
Những câu chuyện trên được nhiều ý kiến cho rằng sẽ chưa dẫn đến tình trạng căng thẳng, bởi lãi suất điều hành vẫn đang duy trì ở mức thấp và Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống.
Doanh nghiệp mà khó khăn thì ngân hàng cũng khó khăn, chỉ là cái khó của ngân hàng đến sau doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nói: “Khi nền kinh tế chậm lại, chúng ta cần thêm nguồn vốn, cụ thể là tín dụng, nhưng cần có sự cân bằng giữa việc hạn chế tăng trưởng tín dụng để đảm bảo các chính sách thận trọng và cần phải tăng trưởng tín dụng để thực hiện các mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế”.
Hiện tại, ngân hàng khó có thể cạnh tranh lãi suất huy động với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, trong khi phải sẵn sàng nguồn vốn cho doanh nghiệp vay khi các địa phương đang dần “mở cửa” trở lại sau giai đoạn giãn cách nhằm phòng chống dịch Covid-19.
“Một nguồn tiền của hệ thống đến từ việc cho vay thì ở thời điểm hiện tại, bên cạnh khách hàng vẫn trả nợ ngân hàng bình thường, có khách hàng không có khả năng chi trả nhưng có nhu cầu khoanh nợ, vay tiếp để phục hồi hoạt động và có dòng tiền quay lại trả ngân hàng. Tuy nhiên, chưa có quy định về vấn đề này nên ngân hàng không thể thực hiện”, giám đốc nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) nêu quan điểm: “Tạm gọi doanh nghiệp là trâu đi cày, khi trâu ốm thì người bảo cho ăn cỏ, người bảo cho đắp chăn, nhưng chỉ cho đắp chăn chứ không ai cho ăn cỏ. Câu chuyện của doanh nghiệp cũng là chuyện của ngân hàng, ngân hàng kinh doanh tiền và doanh nghiệp vay để đi cày thì cũng để trả lãi ngân hàng. Sản phẩm của ngân hàng là tiền, doanh nghiệp vay để tạo ra sản phẩm của mình, có chuyện thì cần phải xúm vào giải quyết”.
Theo đó, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ngành ngân hàng cần có giải pháp khoanh nợ cho doanh nghiệp, đồng thời tiếp sức cho doanh nghiệp bằng tín dụng nhằm duy trì hoạt động, tạo ra doanh thu để trả nợ và lãi vay.
“Đối với doanh nghiệp, oxy là dòng tiền. Chúng ta cứ bàn cho bao nhiêu lượng oxy, trong khi doanh nghiệp đang ngắc ngoải thì tôi xin nói thật là hãy lắp cho doanh nghiệp cái máy thở đã rồi bàn tính tiếp”, ông Kỳ nói.
Không thể hạ chuẩn tín dụng
Thừa nhận các doanh nghiệp cần được ngành ngân hàng hỗ trợ, chia sẻ khó khăn, nhưng ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, nếu doanh nghiệp nhìn vào việc một số ngân hàng hiện vẫn có lợi nhuận cao so với trước thì cần có cái nhìn cặn kẽ, thấu đáo hơn. Ví dụ, tại sao ngân hàng có lãi cao, lợi nhuận đó có bền vững không? Lợi nhuận của doanh nghiệp khác ngân hàng ở chỗ, doanh nghiệp có doanh thu theo tháng, nhưng ngân hàng phải đợi lấy lãi mới có doanh thu. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp mà khó khăn thì ngân hàng cũng khó khăn, chỉ là cái khó của ngân hàng đến sau doanh nghiệp.
“Tình hình kinh tế như hiện nay thì nợ bình thường còn khó thu hồi, vậy nên nợ xấu làm sao thu được? Ngân hàng muốn chia sẻ, nhưng vi phạm luật thì ai chịu trách nhiệm? Ngân hàng không thể vượt quy định và các điều kiện, thủ tục cần phải theo đúng quy chế”, ông Hùng đặt vấn đề.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB nói: “Doanh nghiệp có khả năng sản xuất, nhưng không có khả năng để đi vay, vậy cần có cơ chế để cho vay, chứ không thể ép các ngân hàng phải cho vay. Các ngân hàng không thể hạ tiêu chuẩn tín dụng để cho vay, bởi bản thân họ cũng là doanh nghiệp”.
Một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho hay, ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng để cho vay, bởi sau này dễ bị thanh tra, xử lý. Trong khi đó, không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng quay lại hoạt động, thậm chí có doanh nghiệp không thể cứu được. Do đó, càng thúc đẩy cho vay, càng nhiều nợ xấu.
Ông Andrew Jeffries nhận xét, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện những giải pháp để hỗ trợ việc duy trì nguồn tín dụng và đưa ra các chương trình, giãn, hoãn nợ, cho phép các ngân hàng tiếp tục cho doanh nghiệp vay thêm. Nhưng rõ ràng, các ngân hàng cũng sẽ thận trọng, bởi khi cho vay, doanh nghiệp phải đảm bảo được khả năng trả nợ trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
“Cơ hội đảm bảo khả năng trả nợ của các doanh nghiệp ngày càng khó khăn”, ông Andrew Jeffries nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Minh Cường nhìn nhận, hệ thống ngân hàng đã làm gần như hết sức mình. Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành, giá vốn đã giảm, các ngân hàng hạ lãi suất cho vay…, dự kiến lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ giảm 1 tỷ USD trong năm 2021. Nhìn chung, chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng đã “gồng” lên rất nhiều, dù bên cạnh đó vẫn còn chính sách tài khoá.
“Dường như chúng ta đang dựa quá nhiều vào hệ thống ngân hàng, kể cả trước, trong và thậm chí cả sau dịch Covid-19, khi 60% tín dụng của nền kinh tế đến từ ngân hàng. Câu hỏi đặt ra là ngoài ngân hàng còn có nguồn vốn nào khác và đã được huy động hết chưa? Câu hỏi cần có lời giải đáp để giải toả sức ép cho hệ thống ngân hàng”, ông Cường nói.
Về vấn đề này, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nêu trên nêu quan điểm: “Có nhiều vấn đề cần giải quyết cấp bách hơn câu chuyện nguồn vốn, đó là nguyên liệu, nguồn nhân lực, vận chuyển giữa các địa phương. Hay như thị trường mở lại hoạt động, nhưng đặt giả thiết nếu có ca mắc Covid-19 mới, doanh nghiệp có phải đóng cửa không? Nếu buộc phải đóng cửa thì bao nhiêu doanh nghiệp sẵn sàng chi phí cho việc phòng dịch?”.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 31/8/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng, với dư nợ 227.009 tỷ đồng; lũy kế giá trị nợ được cơ cấu kể từ 23/1/2020 khoảng 520.000 tỷ đồng.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng, với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới có lãi suất thấp hơn so với trước dịch lũy kế từ 23/1/2020 đến nay là 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng; tổng số tiền lãi miễn, giảm, hạ lãi suất cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng từ 15/7/2021 đến 31/8/2021 là 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.