Các doanh nghiệp phân bón đang chịu tác động của việc giá dầu, giá khí neo cao

Các doanh nghiệp phân bón đang chịu tác động của việc giá dầu, giá khí neo cao

Thế khó của doanh nghiệp phân bón

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cho dù giá đầu vào tăng mạnh, đẩy giá thành sản xuất tăng, doanh nghiệp phân bón khó có thể tăng giá đầu ra tương ứng vì có thể gây khó khăn rất lớn cho ngành sản xuất nông nghiệp.

Giá đầu vào neo cao

Diễn biến thị trường dầu lửa thế giới cho thấy, căng thẳng địa chính trị, lạm phát... neo giá dầu thô ở mức trên 80 USD/thùng. Mức giá cao đã duy trì suốt 3 năm trở lại đây và theo dự báo của nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế uy tín, giá dầu thô có thể tiếp tục xu hướng tăng và chạm mốc 90 - 100 USD/thùng.

Giá LNG tại châu Âu, châu Mỹ và châu Á hạ nhiệt so với các năm trước nhưng vẫn neo ở mức cao trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chững lại và sản xuất toàn cầu suy giảm.

Có thể thấy, giá dầu, giá khí neo cao đang đe dọa nhiều ngành như phát điện, hộ tiêu thụ công nghiệp, hóa chất, thép, phân bón, thực phẩm… Nguồn cung khí đốt hữu hạn mà nhu cầu thì cao và tăng đột biến đang khiến các doanh nghiệp phân đạm sử dụng nguyên liệu khí trong nước chịu tác động.

Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nhanh khiến chi phí sản xuất tại nhiều doanh nghiệp phân bón tăng theo, ngoài ra còn phát sinh hàng loạt chi phí liên quan, từ bốc dỡ hàng lên tàu; thuê vận chuyển, bốc dỡ, tìm kiếm kho bãi, làm hàng khó khăn do tình trạng thiếu nhân công tại các kho cảng gây nên. Ngay cả khi tìm được các đơn hàng xuất khẩu, việc tổ chức, triển khai đơn hàng với đối tác cũng gặp trở ngại, từ khâu tìm thuê nhân công làm hàng, tìm kiếm đơn vị vận chuyển từ nhà máy lên cảng khu vực TP.HCM.

Bên cạnh đó, với việc giá cước vận tải trong nước tăng do tác động từ thị trường thế giới cũng khiến chi phí logistics của đơn vị sản xuất - kinh doanh phân đạm tăng theo. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự như các doanh nghiệp khác, nhất là các doanh nghiệp thiên về định hướng xuất khẩu như thủy sản, dệt may, nông sản…

Dù giá nông sản, lúa gạo năm qua có tăng nhưng người nông dân hiện hữu mối lo giá phân bón tiếp tục tăng theo đà tăng của giá phân bón thế giới. Đây cũng là mối trăn trở của các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh phân bón, bởi nếu giá phân bón tăng quá cao sẽ ảnh hưởng tới đầu ra của doanh nghiệp. Khi ấy, bà con nông dân sẽ có khuynh hướng giảm mức bón phân để tiết giảm chi phí đầu vào. Chưa kể, nguy cơ tiềm ẩn khác là một số tổ chức, cá nhân tranh thủ cơ hội này sản xuất, cung cấp phân bón giả, kém chất lượng để tận dụng tâm lý của người nông dân thích các sản phẩm giá rẻ vô hình trung gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người nông dân.

Tiến thoái lưỡng nan

Các doanh nghiệp phân bón thường ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan: tăng giá cao quá sẽ ảnh hưởng đến người nông dân; không tăng giá sẽ không phù hợp với cơ chế thị trường và không đúng với quy chế hoạt động của công ty cổ phần (ảnh hưởng đến lợi ích cổ đông). Chưa kể, phân bón là mặt hàng thuộc đối tượng bình ổn giá theo quy định của Nhà nước.

Giá urê trên thị trường thế giới đang có những biến động rất nhanh trong thời gian qua do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố: khủng hoảng khí đốt tại châu Âu; giá dầu, giá khí tăng mạnh khiến giá nguyên liệu sản xuất urê tăng cao hơn so với thời gian trước; nguồn cung thắt chặt từ các nước xuất khẩu lớn ở Trung Quốc, Trung Đông, Baltic; giá cước vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng đến giá bán urê tới người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu.

Trong điều kiện hội nhập và liên thông giữa các thị trường hàng hóa trên thế giới hiện nay, bất kỳ diễn biến nào từ thế giới đều tác động đến thị trường trong nước, trong đó có ngành hàng phân bón. Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau và một số doanh nghiệp phân bón khác đều là những doanh nghiệp có vốn chi phối của Nhà nước nên việc quản trị, điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh luôn phải tuân thủ các quy định liên quan nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động, cụ thể là việc định giá bán phải theo sát giá thị trường thế giới và khu vực.

Đơn cử, giá bán urê của các đơn vị, theo thông lệ, được xác định trên cơ sở giá FOB bình quân của một số thị trường chủ chốt, có ảnh hưởng lớn cộng với hệ số điều chỉnh giá nội địa. Trong trường hợp hệ số điều chỉnh giá không phù hợp, các đơn vị đều báo cáo, giải trình với đại diện chủ sở hữu và các cơ quan chủ quản liên quan.

Cụ thể, giá bán urê được tính theo công thức: giá FOB 4 thị trường + r (hệ số điều tiết nội địa) + C (các chi phí nội địa) nhưng hiện nay, giá bán urê của doanh nghiệp trong nước chỉ gần tương đương giá FOB bình quân các thị trường quốc tế.

Có thể thấy khá rõ là sản xuất trong nước đang là chìa khóa để cân bằng lại giá phân bón, tránh tình trạng giá tăng phi mã như một số mặt hàng khác. Theo chia sẻ của một doanh nghiệp phân phối phân bón, giá FOB nếu muốn nhập về bán ở Việt Nam thành giá CIF thì cần cộng thêm 45 - 50 USD, chưa kể lợi nhuận của nhà nhập khẩu. Do đó, nếu không có doanh nghiệp sản xuất urê trong nước làm đối trọng, nông dân sẽ phải mua giá urê tối thiểu bằng giá FOB + 50 USD + lợi nhuận nhà nhập khẩu.

Biết là tăng giá bán có thể tác động lớn đến sản xuất của người nông dân và nông nghiệp, tuy nhiên, theo các quy định hiện hành, doanh nghiệp sản xuất phân bón rất khó bán thấp hơn FOB bình quân của thị trường khu vực. Bởi vậy, giá thế giới tiếp tục tăng đồng nghĩa với các doanh nghiệp buộc phải tăng giá. Chỉ có điều biên độ tăng cao hay thấp còn phụ thuộc vào khả năng co kéo của các doanh nghiệp cũng như tác động của các chính sách vĩ mô.

Ở chiều ngược lại, khi giá FOB thế giới giảm, doanh nghiệp nội dù chưa giảm được chi phí đầu vào, giá đầu ra lỗ vẫn phải chịu. Đó là quy luật kinh tế thị trường, tình huống này thấy rất rõ trong khoảng đầu năm 2020.

Thực tế thị trường cho thấy vai trò quan trọng của các doanh nghiệp phân bón chiếm thị phần lớn. Một mặt, họ phải kiểm soát chi phí đầu vào đang tăng rất cao, một mặt phải kiểm soát giá bán mới mong đồng hành được với người nông dân, cũng như góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Tin bài liên quan