Hiệu quả không thể phủ nhận
Một ngày đầu tháng 4, người viết vào thăm một nhà máy sản xuất sơn công nghiệp tại Đồng Nai. Nhà máy quy mô khá lớn, nhưng đến nay chỉ hoạt động chừng 30% công suất. Phần lớn diện tích kho bãi đang để kinh doanh dịch vụ kho bãi, vì không có đơn hàng đặt để chứa kho.
Trao đổi với phóng viên, phó tổng giám đốc công ty này cho biết, trước kia, công ty hoạt động như 1 chi nhánh của một hãng sơn ngoài Hải Phòng tại khu vực phía Nam, để thuận tiện về sau, chi nhánh này được tách ra thành 1 công ty riêng. Tuy nhiên, việc kinh doanh khá khó khăn vì cạnh tranh và công ty không có tên tuổi.
Trong giai đoạn thị trường bùng nổ, đặc biệt thời kỳ năm 2007-2009, khi các tập đoàn nhà nước bung ra đầu tư ở các lĩnh vực khác nhau, doanh nghiệp này nhận được vốn góp từ một công ty thành viên của một tập đoàn kinh tế lớn. Từ đây, mọi chuyện thay đổi khá nhiều khi cái tên của công ty sơn này được gắn kèm thêm thương hiệu của tập đoàn.
“Nếu trước kia chúng tôi không có đơn hàng mấy, chủ yếu làm thương mại cho các hãng, thì từ khi gắn với tên của tập đoàn, nhà máy đã nâng công suất hoạt động lên được 30% công suất thiết kế”, vị này nói.
Nhờ “mác” thành viên của tập đoàn, các dòng sản phẩm của công ty, đặc biệt là sơn công nghiệp chống ăn mòn nước biển áp dụng cho các ngành vận tải biển, khai thác dầu khí, các công trình giao thông ngoài trời…, đã tiêu thụ tốt hơn hẳn. Dẫu vẫn bị cạnh tranh khốc liệt bởi các hãng lớn, nhưng nhờ giá thấp, chất lượng tương đương và đặc biệt là có mác “cùng họ” giúp công ty “dễ thở” hơn.
Một ví dụ trên cho thấy, thương hiệu rõ ràng có sức ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, thậm chí, quyết định đến khả năng sống còn của doanh nghiệp như trường hợp hãng sơn trên. Tất nhiên, đó phải là những thương hiệu có đủ sức mạnh và có uy tín trên thị trường, chứ không phải là một thương hiệu mà nghe tới, ai cũng ngơ ngác.
Góp cổ phần trực tiếp thì cấm, nhưng… lách bằng mua thì được!
Những ngày này, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, chủ tịch một doanh nghiệp ngành dân dụng tỏ ra khá đau đầu với bài toán định giá thương hiệu của công ty mình.
Hoạt động trong lĩnh vực hàng gia dụng, nhưng với chủ trương đầu tư lâu dài và trong các năm trước, công ty chủ yếu góp vốn bởi những người trong gia đình. Điều này dẫn tới tình trạng trong nhiều năm liên tiếp, công ty ghi nhận vốn ở mức thấp, toàn bộ lợi nhuận được dồn hết cho đầu tư thương hiệu.
Dù quy mô vốn chủ sở hữu chỉ 60 tỷ đồng, nhưng mỗi năm, tổng chi phí bán hàng, làm thương hiệu của doanh nghiệp lên tới gần 600 tỷ đồng. Điều này dẫn tới lợi nhuận trong quá khứ ở mức rất thấp, nhưng bù lại, doanh nghiệp sở hữu một thương hiệu khá ấn tượng trên thị trường.
Vấn đề phát sinh khi công ty muốn sử dụng thương hiệu của mình để góp vốn kinh doanh với các đối tác lớn khác và huy động vốn trên thị trường đại chúng. Với quy mô vốn hạch toán nhỏ, cộng với lợi nhuận khiêm tốn trong nhiều năm do tăng chi cho marketing và quảng bá thương hiệu, định giá cổ phiếu của công ty rất khó ở mức cao.
Và vì thế, dù không thể phủ nhận tác động của thương hiệu lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng với quy định hiện hành, đây lại là nghiệp vụ không được phép thực hiện. Đó là lý do hàng loạt doanh nghiệp họ Sông Đà trong quá khứ, dù đã có góp vốn bằng thương hiệu Sông Đà, nhưng sau đó liên tục bị kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ.
Để khắc phục tình trạng này, một số doanh nghiệp đã lựa chọn hình thức phát hành và mua lại công ty, trong đó giá trị doanh nghiệp thực hiện mua lại có tính đến giá trị thương hiệu. Xét về bản chất của doanh nghiệp hình thành sau thương vụ mua thì không khác biệt, do giá trị vốn chủ sở hữu vẫn phản ánh phần giá trị thương hiệu của phía cổ đông góp vốn, nhưng chỉ có nghiệp vụ mua lại được phép định giá phần giá trị thương hiệu.
Việc tồn tại khác biệt giữa 2 cách ứng xử và ý nghĩa thực tế của thương hiệu đã khiến doanh nghiệp phải tìm cách lách luật, đi vòng. Vậy, quy định pháp lý hiện hành cần thay đổi để hướng tới việc phản ánh thực tế của thị trường, tránh những cách xử lý không chính thống cho doanh nghiệp.