Thế hệ trưởng thành cảm thấy cuộc sống bất ổn, thiếu an toàn hơn

Thế hệ trưởng thành cảm thấy cuộc sống bất ổn, thiếu an toàn hơn

(ĐTCK) Mất việc làm được nhiều người cho là sự kiện gây tổn thất nặng nề nhất về tài chính, tiếp đến là thương tật, mắc bệnh hiểm nghèo, ly hôn, về hưu, có con, mua nhà...

Từ cuộc khảo sát với sự tham gia của hơn 12.000 người ở 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, Báo cáo mới nhất trong chuỗi nghiên cứu “Năng lực bảo vệ” do HSBC phát hành đã nêu ra những sự kiện gây tổn thất nhất về mặt tài chính trong cuộc sống của con người.

Cụ thể, mất việc làm là sự kiện gây tổn thất nặng nề nhất về tài chính khi có 85% những người đã từng thất nghiệp đồng ý rằng, đây là sự kiện gây tổn thất nhất về tài chính.

Tiếp đến là bị thương tật, mắc bệnh hiểm nghèo (78%); bị tai nạn nghiêm trọng (76%); Ly hôn/ly thân (75%); khoảng thời gian tạm dừng làm việc/kỳ nghỉ dài (74%); cha mẹ qua đời (57%); mất người thân/bạn thân (55%); về hưu (54%); có con (50%); mua nhà (46%).

Qua tìm hiểu những sự kiện chính tác động đến cuộc sống của con người và các hành vi tài chính của họ, báo cáo cũng chỉ ra rằng, khi đối mặt với những khó khăn về tiền bạc, con người có xu hướng cắt giảm chi tiêu (52%); sắp xếp lại thứ tự các chi tiêu ưu tiên (48%); bắt đầu tiết kiệm nhiều hơn (42%); rút tiền tiết kiệm (37%); lập tài khoản tiết kiệm mới (26%); mua một sản phẩm bảo hiểm (22%); vay nợ (21%); tìm kiếm trợ giúp tài chính từ người thân (18%); đầu tư (cổ phiếu, trái phiếu) (18%); gia tăng giá trị của gói bảo hiểm hiện tại (13%).

"Thế hệ những người trưởng thành hiện tại cảm thấy rằng mình đang trải nghiệm một cuộc sống tiện nghi hơn những người đi trước và có được nhiều lựa chọn và cơ hội để hài lòng với cuộc sống. Tuy nhiên, cũng cảm thấy bất ổn, thiếu an toàn hơn"

- Ông Sabbir Ahmed, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tải sản - HSBC Việt Nam.

Cuộc khảo sát cũng đặt câu hỏi cho những người tham gia rằng, điều gì họ ước đã làm khác đi khi nhìn lại cách họ xử lý một khó khăn về tài chính trong quá khứ. Hơn phân nửa số người (54%) ước rằng, giá như họ bắt đầu tiết kiệm nhiều hơn, hơn 1/3 (37%) cho rằng, giá như họ biết cắt giảm chi tiêu và một tỷ lệ tương đương (34%) ước rằng họ có thể sắp xếp lại các ưu tiên về chi tiêu.

Ngoài ra, cuộc khảo sát cũng yêu cầu những người tham gia so sánh cuộc sống hiện tại của họ với thế hệ đi trước và thế hệ tiếp theo. Báo cáo cho thấy, so với thế hệ cha mẹ của họ, đa số những người được khảo sát nghĩ rằng họ đang có nhiều sự lựa chọn hơn trong cuộc sống (60%), nhưng cũng có tới 51% cho rằng, họ phải đương đầu với nhiều rủi ro về tài chính hơn. Ngoài ra, cũng có nhiều người cho rằng, họ đang chịu nhiều áp lực về tài chính hơn (49%) và đối mặt với một tương lai bất ổn hơn (48%)...

Khi dự đoán về cuộc sống tương lai, những người tham gia khảo sát tin rằng thế hệ con cái của họ sẽ chị nhiều áp lực về tài chính hơn (58%), đối mặt với một tương lai bất ổn hơn (56%), nhưng cũng có nhiều sự lựa chọn hơn (56%).

Ông Sabbir Ahmed, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tải sản, Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, chúng ta đang thấy rằng, chất lượng sống ngày càng được cải thiện đáng kể nhờ vào những tiến bộ khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, những tiến bộ này cũng dẫn đến xu hướng già hóa dân số và cảm giác rằng việc làm, cùng những phúc lợi xã hội như lương hưu trở nên ít đảm bảo hơn bao giờ hết.

“Nhìn chung, thế hệ những người trưởng thành hiện tại cảm thấy rằng mình đang trải nghiệm một cuộc sống tiện nghi hơn những người đi trước và có được nhiều lựa chọn và cơ hội để hài lòng với cuộc sống. Nhưng đồng thời, cũng cảm thấy bất ổn, thiếu an toàn và dự đoán rằng những xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra với thế hệ kế tiếp. Sự bất an này cho thấy, tầm quan trọng của việc lên kế hoạch từ sớm để chúng ta có thể an tâm hơn trong mỗi giai đoạn của cuộc đời”, ông Sabbir Ahmed nhấn mạnh.

Thế hệ trưởng thành cảm thấy cuộc sống bất ổn, thiếu an toàn hơn ảnh 1

Lên kế hoạch từ sớm để chúng ta có thể an tâm hơn trong mỗi giai đoạn của cuộc đời 

Báo cáo của HSBC cũng đưa ra lời khuyên thiết thực về 4 bước lập kế hoạch tài chính giúp chúng ta chuẩn bị tốt cho tương lai

Lập kế hoạch cho những sự kiện sẽ thay đổi cuộc đời bạn

Những nhu cầu tài chính của cá nhân sẽ thay đổi theo mỗi giai đoạn của cuộc đời. Do đó, hãy chắc rằng bạn có một kế hoạch tài chính có thể đáp ứng những nhu cầu đó và thường xuyên đánh giá lại kế hoạch để đảm bảo bạn có thể đạt được những mục tiêu kỳ vọng.

Sẵn sàng cho những sự kiện ngoài dự đoán

Phải bảo vệ những mục tiêu tương lai của bạn khỏi những sự kiện không mong muốn. Khi lập kế hoạch cần dự trù đến những tác động tài chính do những sự cố liên quan đến công việc và cá nhân và xem xét mức tài chính cần thiết đảm bảo rằng bạn có thể đương đầu nếu những sự cố đó xảy ra.

Có một chiến lược cân bằng

Một kế hoạch tài chính toàn diện nên bao gồm bảo hiểm. Kế hoạch tài chính của bạn cần phải tính đến khả năng chi trả cho các chi phí bảo hiểm, chi tiêu, tiết kiệm và trả nợ. Khi cần thiết, nên tìm đến sự tư vấn của các chuyên gia tài chính.

Lên kế hoạch cho thế hệ tương lai

Cân nhắc làm sao để kế hoạch tài chính của bạn có thể giúp đảm bảo tương lai cho con cái. Hãy chia sẻ những kinh nghiệm quản lý tiền bạc của mình với con và động viên chúng thực tập lập kế hoạch tài chính cho chính chúng.

Tin bài liên quan