Hôm thứ Sáu (6/9), Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của EU (C3S) cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay của Bắc bán cầu là mức cao nhất từng được ghi nhận.
Các tháng mùa hè này có nhiệt độ cao hơn 0,69 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020. Con số này vượt qua kỷ lục trước đó từ tháng 6 đến tháng 8 năm ngoái, cao hơn 0,66 độ C so với mức cơ sở trung bình.
Samantha Burgess, Phó giám đốc của C3S cho biết, thế giới đã trải qua tháng 6 và tháng 8 nóng nhất, ngày nóng nhất và mùa hè Bắc bán cầu nóng nhất từng được ghi nhận.
“Chuỗi nhiệt độ kỷ lục này đang làm tăng khả năng năm 2024 là năm nóng nhất… Các sự kiện cực đoan liên quan đến nhiệt độ chứng kiến vào mùa hè này sẽ chỉ trở nên dữ dội hơn, với hậu quả tàn khốc hơn đối với con người và hành tinh trừ khi chúng ta hành động khẩn cấp để giảm phát thải khí nhà kính”, bà cho biết thêm.
Nhiệt độ cực cao có khả năng xảy ra nhiều hơn do khủng hoảng khí hậu, động lực chính là việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Các nhà khoa học đã nhiều lần kêu gọi cắt giảm nhanh chóng lượng khí thải nhà kính để ngăn chặn nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng.
Theo các cơ quan khí tượng, Úc, Nhật Bản, một số vùng của Trung Quốc và Na Uy đều trải qua tháng 8 nóng nhất trong lịch sử.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng đây là kỷ lục nhiệt độ toàn cầu mới nhất bị phá vỡ nhưng sẽ không phải là kỷ lục cuối cùng, vì con người vẫn tiếp tục khai thác nhiên liệu hóa thạch làm nóng hành tinh và đẩy nhiệt độ toàn cầu lên cao.
Celeste Saulo, Giám đốc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết: "Rõ ràng là nhiệt độ đang tăng..., cao hơn mức chúng ta mong muốn… Nhiệt độ tăng cao sẽ kích hoạt báo động đỏ toàn cầu… Các ngưỡng nhiệt độ liên tục bị phá vỡ".
Theo C3S, trong vòng 12 tháng từ tháng 9/2023 đến tháng 8/2024 là thời kỳ nóng nhất được ghi nhận trong bất kỳ giai đoạn nào kéo dài cả năm và ấm hơn 1,64 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Có một số yếu tố khiến nhiệt độ toàn cầu dao động, bao gồm các hiện tượng khí hậu tự nhiên như El Nino cũng như các yếu tố do con người gây ra như đốt nhiên liệu hóa thạch, đây là động lực chính gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu.
Hiện tượng El Nino góp phần thúc đẩy nhiệt độ kỷ lục của năm ngoái và đã kết thúc vào tháng 6, nhưng các nhà khoa học cho biết tác động của chúng sẽ không dừng lại ngay lập tức.
“Kỷ lục nhiệt độ toàn cầu vào mùa hè năm nay được dự đoán là do nhiệt độ còn kéo dài từ sự kiện El Nino đang lắng xuống, làm tăng thêm tình trạng nóng lên liên tục do khí thải nhà kính từ các hoạt động của con người”, Richard Allan, giáo sư khoa học khí hậu tại Đại học Reading cho biết.
Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng thế giới cần hạn chế nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp để ngăn chặn những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu.
“Các hiện tượng cực đoan liên quan đến nhiệt độ xảy ra vào mùa hè năm nay sẽ ngày càng trở nên dữ dội hơn, gây ra hậu quả tàn khốc hơn cho con người và hành tinh nếu chúng ta không hành động khẩn cấp để giảm phát thải khí nhà kính”, bà Samantha Burgess cho biết.