Hành vi thao túng giá chứng khoán có thể đe dọa nghiêm trọng đến thị trường - Ảnh: Reuters

Hành vi thao túng giá chứng khoán có thể đe dọa nghiêm trọng đến thị trường - Ảnh: Reuters

Thế giới mạnh tay xử thao túng chứng khoán

Bên cạnh các biện pháp chế tài, chính phủ các nước đang áp dụng các công cụ kiểm soát và ngăn chặn tình trạng thao túng giá chứng khoán.

>> “Đội lái” chùn tay sau vụ bắt Chủ tịch Dược Viễn Đông

>> UBCK sẽ phối hợp làm rõ hành vi thao túng TTCK

>> Tầm diệt nạn thao túng chứng khoán

 

Theo tạp chí Tài Kinh, Trung Quốc đã mở phiên tòa xét xử vụ thao túng giá chứng khoán đầu tiên của nước này hồi tháng 10. Theo đó, bị cáo Vương Kiến Trung đối mặt với bản án tối đa là 5 năm tù giam và khoản tiền phạt 625 triệu nhân dân tệ (93,7 triệu USD) nếu bị tuyên có tội.

 

Kết quả điều tra cho thấy trong thời gian làm Giám đốc Công ty tư vấn và đầu tư Thu Phương Bắc Kinh, Vương đã mở 9 tài khoản dưới các tên khác nhau trong giai đoạn 2006-2008 để thao túng giá cổ phiếu. Tổng cộng ông này bỏ túi đến 125 triệu nhân dân tệ (18,68 triệu USD).

 

Theo bản cáo trạng, Vương đã 55 lần thực hiện hành vi làm giá trong 2 năm 2007 và 2008. Bị cáo đã giao dịch tổng cộng 38 loại chứng khoán trong giai đoạn đó, bao gồm cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc và Công ty viễn thông China Unicom. Vương bị bắt vào tháng 1.2009.

 

Vụ xét xử trên là minh chứng mới nhất cho thấy Trung Quốc kiên quyết đối phó tình trạng giao dịch nội gián và thao túng thị trường với mục tiêu ngăn ngừa hình thành nguy cơ bong bóng chứng khoán. Trong đó, hành vi làm giá được cho là một trong những chiêu thức nguy hiểm nhất, có khả năng gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường và các nhà đầu tư.

 

Hành vi thao túng thị trường là hành vi của nhà đầu tư cá nhân hoặc các tổ chức thực hiện các giao dịch khiến những nhà đầu tư khác hiểu sai lệch về thị trường, tạo ra cung - cầu giả tạo hay việc cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua - bán để thao túng giá cổ phiếu.

 

Những chiêu mới nhất

 

Bên cạnh các chiêu làm giá “kinh điển”, được các nhà đầu tư biết đến rộng rãi dưới các tên như “hút”, “xả”, “đè”, “đẩy”… một trong những chiêu được áp dụng mới nhất mang dấu ấn đặc trưng của thời đại số hóa là “ăn cắp tài khoản trực tuyến, bơm và đẩy”.

 

Với chiêu thức này, đầu tiên bọn tội phạm sẽ tìm cách chiếm đoạt tài khoản trên mạng của các nhà môi giới chứng khoán. Sau đó, chúng dùng tài khoản vừa ăn cắp được để đặt lệnh mua một khối lượng lớn chứng khoán chọn lọc nhằm nâng giá thị trường của chứng khoán đó. Kế đến, bán ra cùng một loại chứng khoán vừa được làm giá và thu lợi khổng lồ.

 

Cuối tháng 3/2010, Ủy ban Hối đoái và Chứng khoán Mỹ (SEC) đã đóng băng tài sản của Broco sau khi phát hiện công ty này áp dụng chiêu chức “ăn cắp tài khoản trực tuyến, bơm và đẩy”.  Theo Reuters, công ty này đã chiếm đoạt tài khoản cá nhân của nhiều nhà môi giới chứng khoán trên internet và từ đó thao túng giá của hơn 38 cổ phiếu được niêm yết trên Nasdaq và Sở Giao dịch chứng khoán New York trong thời gian từ tháng 8 – 12/2009. Trong một vài trường hợp, giá chứng khoán dao động hơn 20%. Có lần Broco gom tới 141.500 USD chỉ trong vòng 15 phút, theo SEC.

 

Sau đó 1 tháng, bị cáo Jaisankar Marimuthu, người Ấn Độ, đã lãnh án 81 tháng tù giam vì tội chiếm đoạt tài khoản trực tuyến của các nhà môi giới chứng khoán để thao túng giá thị trường. Bên cạnh đó, Marimuthu buộc phải phạt gần 2,5 triệu USD để đền bù cho hơn 90 nạn nhân và 7 công ty môi giới.

 

Chính phủ các nước đang nỗ lực đưa ra các biện pháp tăng cường kiểm soát và theo dõi thị trường chứng khoán. Một trong những cách này là trao thêm quyền cho những tổ chức quản lý thị trường chứng khoán, như Ủy ban Chứng khoán quốc gia.

 

Bên cạnh đó, kể từ sau cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu, một số nước áp dụng biện pháp cấm bán khống vô căn cứ các cổ phiếu, trái phiếu, trong đó có Úc, Ấn Độ, Hà Lan, Nhật Bản, Thụy Sĩ và gần đây nhất là Đức. Vào ngày 18.5.2010, Đức ban hành lệnh cấm bán khống đối với 10 loại cổ phiếu, trái phiếu và bảo hiểm tín dụng.

 

Bán khống vô căn cứ là một thủ thuật, theo đó lệnh bán khống được đặt trước khi nhà đầu tư thực sự mua được cổ phiếu đó. Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã ký thông qua Đạo luật Cải cách tài chính phố Wall và Bảo vệ người tiêu dùng, gọi tắt là Dodd-Frank.

Theo đó, Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai sẽ cấm một số công cụ hủy lệnh giao dịch chứng khoán, gồm “spoofing” (đặt lệnh mua nhưng hủy ngay trước khi thực hiện); “quote stuffing” (đổ một khối lượng lớn lệnh đặt mua vào thị trường trong thời gian cực ngắn và hủy lệnh đó ngay tức thời).