Quá trình làm “phẳng” thế giới là quá trình toàn cầu hóa mà WTO hay đồng euro là những thành quả điển hình của quá trình này.
Tuy nhiên, hai cuộc khủng hoảng tài chính liên tiếp gần đây (khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008 và khủng hoảng nợ công châu Âu hiện nay) cho thấy những thách thức rất lớn của quá trình toàn cầu hóa - những phần “không phẳng” của nền kinh tế thế giới.
Nguồn lực kinh tế, trong đó đặc biệt là nguồn lực tài chính, đã được tạo điều kiện và thực tế đã luân chuyển tốt hơn, thông suốt hơn giữa các doanh nghiệp, các ngành nghề trong mỗi nền kinh tế, cũng như giữa các quốc gia, khu vực trên toàn thế giới. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận hoặc biết tận dụng cơ hội này.
Kết quả là khâu phân phối lại giá trị gia tăng trong phạm vi mỗi quốc gia và trên phạm vi toàn cầu không “phẳng” như khâu phân bổ nguồn lực ban đầu và trở thành vấn đề của chu trình tái sản xuất tiếp theo.
Nếu Karl Max được chứng kiến điều này, có lẽ ông sẽ gọi đó là biểu hiện của mâu thuẫn giữa toàn cầu hóa và sự phân hóa về thu nhập. Và có lẽ, các cuộc khủng hoảng gần đây và hiện nay là để giải quyết mâu thuẫn này.
Từ trước khi một trong những “nhân vật của năm” - theo bình chọn của T?p chí Time (Mỹ) - xuất hiện tại Phố Wall, nhiều chuyên gia kinh tế - xã hội của Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về mức độ phân hóa giàu - nghèo chưa từng có trong lịch sử nước này. Con số 99%, xuất hiện trên rất nhiều biểu ngữ của người tham gia cuộc biểu tình “Chiếm Phố Wall”, là tỷ lệ dân số Mỹ nắm giữ 1% tài sản của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Tình trạng phân hóa thu nhập trong nội bộ nước Mỹ là một trong những hậu quả của toàn cầu hóa và cũng là một trong những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008.
Toàn cầu hóa là cơ hội béo bở cho các công ty xuyên quốc gia (phần lớn của Mỹ), nó không chỉ mang đến cho các công ty này những thị trường khổng lồ mới để tiêu thụ hàng hóa, mà còn giới thiệu những nguồn cung lao động… giá rẻ bất ngờ.
Rõ ràng, đó chỉ là những cơ hội chưa từng có với các ông chủ doanh nghiệp, chứ không phải là thứ dành cho người lao động. Việc làm của họ đã bị các ông chủ doanh nghiệp chuyển ra nước ngoài.
Tính đến tháng 11/2011, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn ở mức rất cao, 8,6%, tương đương 12,7 triệu người. Đây đang là một trong những lực ma sát lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ trong quá trình hồi phục tăng trưởng sau khủng hoảng.
Thất nghiệp đồng nghĩa với thu nhập giảm, nhưng thậm chí, người lao động Mỹ còn mất nốt cơ hội được hưởng thêm phần thu nhập từ phân phối lại, do nhiều công ty Mỹ tìm cách gửi túi tiền của mình ở các “thiên đường thuế”.
Sự phân hóa thu nhập chính là một trong những nhân tố cơ sở gây nên cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008. Cuộc khủng hoảng này còn được gọi là khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn, xuất phát từ làn sóng cho vay mua nhà với những điều kiện dễ dãi.
Dễ dãi là bởi, phần vì lượng tiền dư thừa được huy động (chủ yếu từ 1% người giàu nhất) vào các tổ chức tín dụng đang có nhu cầu cho vay ra, phần vì số đông người dân có nhu cầu về nhà ở nhưng thu nhập không đủ mua nhà. Rủi ro gốc của hoạt động cho vay này là khả năng thanh toán của người mua nhà, nhưng nó đã bị nhân lên nhiều lần bởi quá trình gây sốt bất động sản, với chất xúc tác là hoạt động chứng khoán hóa các khoản cho vay dưới chuẩn này.
Như vậy, sự phân hóa về thu nhập đã trở thành “thế năng” để thặng dư tiết kiệm ở tầng lớp giàu có chảy (trong quan hệ tín dụng) quá mạnh vào vùng trũng về thu nhập và gây nên những hệ lụy như kể trên. Cần thấy rằng, hoạt động chứng khoán hóa khoản cho vay như vừa đề cập là một biểu hiện của độ phẳng về mặt tài chính của nền kinh tế Mỹ.
Chỉ một nền tài chính đạt tới độ thông suốt nhất định giữa các phân khúc của thị trường mới cho phép công cụ đó hoạt động. Đây là một vế của mâu thuẫn giữa “phẳng” và “không phẳng” - giữa tính xã hội hóa của hoạt động tài chính và sự phân hóa về thu nhập.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở châu Âu, nơi có đồng tiền chung euro, chỉ khác ở chỗ, người đi vay “dưới chuẩn” trực tiếp không phải là các hộ gia đình, mà là một số chính phủ của Khu vực đồng euro.
Việc các chính phủ đi vay bị các tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn đánh tụt mức xếp hạng là bằng chứng cho tính chất “dưới chuẩn” của các khoản đi vay này. Người cho vay dễ dãi ở đây là các nước có thu nhập cao của Khu vực đồng euro.
Thực tế, tại một số nước phát triển thuộc châu Âu, đặc biệt là các nước Bắc Âu, trong đó có Đức, thặng dư tiết kiệm so với đầu tư trong nước khiến nhu cầu đầu tư ra nước ngoài tăng lên. Và khi muốn đầu tư ra nước ngoài thì không ở đâu tiện như các nước trong cùng một khối tiền tệ.
Đích đến của các luồng vốn dôi dư nói trên là các chính phủ Nam Âu, nơi có nhu cầu vay rất lớn do thu nhập không đủ đáp ứng nhu cầu chi tiêu. Rủi ro gốc của các khoản cho vay này là khả năng trả nợ của các chính phủ đi vay.
Rủi ro này lẽ ra đã không tăng lên nếu việc đi vay không bị lạm dụng bởi cơ chế vay dễ dàng và lãi vay thấp. Khi khối lượng vay trở nên quá lớn so với nguồn thu ngân sách, các chính phủ như Hy Lạp, Ai Len, Bồ Đào Nha hay Ý tiến gần đến bờ vực vỡ nợ và hình thành nên cuộc khủng hoảng nợ công của Khu vực đồng euro hiện nay. Một lần nữa, mâu thuẫn giữa tính xã hội hóa của hoạt động tài chính và sự phân hóa về thu nhập chi phối nền kinh tế châu Âu.
Và mâu thuẫn giữa “phẳng” và “không phẳng” cũng đang hiện diện ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Cái “phẳng” ở đây là cơ chế thị trường của nền kinh tế, còn cái “không phẳng” là sự khiếm khuyết của thị trường đất đai, sự phân hóa về thu nhập và cơ hội tiếp cận nguồn tài sản này.
Biểu hiện của mâu thuẫn này khi lên cao là tình trạng “đóng băng” của thị trường bất động sản hiện nay. Ở đó, bất động sản dư cung do giá cao hơn khả năng thanh toán của số đông người có nhu cầu.
Khiếm khuyết của thị trường đất đai là việc định giá quyền sử dụng đất ở thị trường sơ cấp (người bán là Nhà nước) không hoàn toàn theo cơ chế thị trường, cụ thể là giá quyền sử dụng đất được ấn định thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường.
Thêm nữa, do cơ hội tiếp cận nguồn đất đai này không đồng đều, khiến cho những người tiếp cận được có thể thu về khoản lợi nhuận siêu ngạch. Cơ chế thị trường của nền kinh tế là điều kiện để các khoản lợi nhuận siêu ngạch này được thực hiện. Cơ hội thu lợi nhuận siêu ngạch được nhân lên trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ sôi động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế và đô thị hóa nông thôn.
Lợi nhuận siêu ngạch trở thành mục tiêu và động lực để các nhóm lợi ích ào ạt tham gia, đầu tư và đầu cơ. Ở phân khúc sơ cấp của thị trường nhà đất, cầu nhanh chóng vượt cung, đẩy giá nhà tăng chóng mặt, ngày càng vượt xa khả năng thanh toán của người có nhu cầu sử dụng (trên thị trường thứ cấp). Và khi cung không gặp cầu, mất thanh khoản là lẽ đương nhiên.
Như vậy, có thể thấy, từ các cuộc khủng hoảng tài chính ở các nền kinh tế lớn trên thế giới, đến cú “sốc” trên thị trường bất động sản của Việt Nam, đều có nguyên nhân sâu xa là mâu thuẫn giữa tính xã hội hóa của kinh tế thị trường và sự phân hóa về thu nhập và cơ hội giữa các tầng lớp, cộng đồng dân cư. Có lẽ, người ta nên quan tâm đến khía cạnh này nhiều hơn nữa khi nghĩ cách và thực hiện chống chọi với các cuộc khủng hoảng, các cú sốc về kinh tế, tài chính.
Kinh tế Mỹ chưa thể vượt ra khỏi vũng lầy trì trệ do tỷ lệ thất nghiệp cao, dù đã nhiều lần kích thích bằng bơm tiền. Khủng hoảng nợ châu Âu chưa nhìn thấy lối ra do dân Đức và một số nước Bắc Âu chưa sẵn sàng “trả nợ đậy” cho láng giềng.
Trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế sau khủng hoảng, lãnh đạo và quan chức của các nước trên có lẽ đã quá chú trọng đến việc lập lại trật tự ở lĩnh vực cao siêu là thị trường tài chính, mà ít quan tâm đến lực lượng kinh tế trực tiếp và chủ yếu là người lao động.
Một nhà kinh tế đoạt giải Nobel từng nói rằng, cách cơ bản nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay là nâng tiền lương, tiền công cho người lao động. Còn Stephen King, kinh tế trưởng của HSBC thì cảnh báo, thất bại của Hiệp ước EU mới do nó không xử lý được vấn đề chênh lệch tiết kiệm (thực chất là chênh lệch về thu nhập) giữa các nước trong Khu vực đồng euro.
Có lẽ Trung Quốc, quốc gia không dính líu trực tiếp đến các cuộc khủng hoảng của phương Tây lại đang tỏ ra phòng xa bằng cách làm như những gợi ý trên. Từ cuối năm qua đến đầu năm nay, bất chấp phản đối của các nhà xuất khẩu, chính quyền các tỉnh Trung Quốc liên tục nâng lương tối thiểu.