“Ngân sách này chủ yếu dành cho thương vụ mua lại chuỗi điện máy và chuỗi cửa hàng dược phẩm.
Quá trình đàm phán vừa hoàn tất, nên chỉ cần cổ đông đồng ý là lập tức triển khai và có thể hoàn thành ngay trong những tháng cuối năm”, ông Nguyễn Đức Tài cho biết thêm.
Về số tiền cho hoạt động M&A lần này, MWG dự kiến huy động vốn vay trung hạn để không lấy ngân sách từ khoản lợi nhuận chưa phân phối của cổ đông.
Hướng đi thứ nhất, MWG sẽ đi tìm kiếm các đơn vị bán lẻ mà có am hiểu về sản phẩm, ví dụ chuỗi dược phẩm có 5 - 15 shop. Họ hiểu về ngành nhưng không có cách biến nó thành 500 shop. MWG có thể mua lại 100% chuỗi này rồi mở rộng, phát triển trên toàn Việt Nam.
Hướng đi thứ hai, MWG mua 20 - 40% chuỗi sản phẩm khác, MWG nhìn vào đội ngũ để mua chứ không quan tâm tới số lượng cửa hàng. Vài năm sau, MWG sẽ mua đứt 100%, sau đó mở rộng.
MWG sẽ không chi quá 500 tỷ cho mục tiêu M&A này, nếu chi quá sẽ xin ý kiến cổ đông.
Theo một số nguồn tin, MWG sắp thực hiện thương vụ M&A chuỗi điện máy với Thế Giới Di Động có trụ sở ở phía Bắc.
Về chuỗi điện tử, trong khi chuỗi Điện máy xanh hiện vẫn chưa chiếm lĩnh được thị trường miền Bắc, thì đối tác lại có khoảng 40 cửa hàng phủ rộng khắp.
“Khả năng cao là chúng tôi sẽ không thay đổi nhận diện thương hiệu của đối tác trong ngắn hạn từ 12 đến 18 tháng”, đại diện Thế Giới Di Động tiết lộ chiến lược phát triển sau khi thương vụ mua bán hoàn tất.
Đối với chuỗi cửa hàng dược phẩm, ông Tài từng cho biết thay vì mất 2-3 năm hiểu về mô hình chuỗi cửa hàng bán dược phẩm thì công ty sẽ tìm kiếm đơn vị chuyên về mảng sản phẩm đó để tiến hành M&A.
Trong đó, đặc biệt ưu tiên những đơn vị đang sở hữu 10-15 cửa hàng và đến thời điểm chín muồi sẽ mở rộng chuỗi lên đến 500 cửa hàng.