Theo kế hoạch, Công ty cổ phần Thế Giới Di Động sẽ niêm yết gần 63 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị 5.000 tỷ đồng. Mã chứng khoán dự kiến là MWG và giá dự kiến chào sàn là 85.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi niêm yết, Công ty sẽ có tên gọi mới là Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động.
Khi được hỏi về định hướng của Thế Giới Di Động, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cho biết, Công ty chỉ hoạt động trong một lĩnh vực duy nhất là bán lẻ các thiết bị công nghệ, chứ không đầu tư vào các lĩnh vực hay ngành, nghề nào khác.
Định hướng này cũng có nhiều nét tương đồng với một doanh nghiệp đang niêm yết là Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh (mã TAG, sàn HNX). Công ty này chuyên sâu trong lĩnh vực bán lẻ điện máy và thiết bị công nghệ số.
Tuy vậy, Thế Giới Di Động và Trần Anh cũng có những điểm khác nhau. Thế mạnh của Trần Anh là các dòng sản phẩm liên quan đến máy tính và thiết bị máy tính, còn Thế Giới Di Động tỏ ra có lợi thế ở các mặt hàng thiết bị di động. Ngoài ra, tuy cùng là doanh nghiệp bán lẻ điện máy, nhưng hệ thống phân phối của 2 công ty này lại có những lợi thế khác nhau về vùng, miền.
Trong khi Trần Anh phát triển hệ thống bán hàng theo mô hình siêu thị điện máy, với 10 siêu thị điện máy tập trung toàn bộ trên địa bàn Hà Nội, thì Thế Giới Di Động khá vượt trội về độ “phủ sóng” với hơn 250 cửa hàng, siêu thị trên phạm vi cả nước.
Xét về quy mô, Thế Giới Di Động vượt trội hơn hẳn Trần Anh. Cụ thể, Thế Giới Di Động có vốn điều lệ hơn 627 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 800 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của Trần Anh chỉ là 194 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là 289 tỷ đồng.
Quy mô tổng tài sản của Thế Giới Di Động tính đến cuối năm 2013 cũng khá lớn, tới 2.230 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản của Trần Anh chỉ gần 532 tỷ đồng.
Tuy quy mô nhỏ, nhưng cơ cấu tài chính của Trần Anh lại tỏ ra an toàn hơn, với tỷ lệ nợ/tổng tài sản chỉ là 45%, trong khi tỷ lệ này của Thế Giới Di Động là 63%.
Ngoài ra, Trần Anh còn có lợi thế trong hợp tác quốc tế, khi Tập đoàn Nojima (Nhật Bản) luôn sẵn sàng hỗ trợ cả về kỹ năng phát triển hệ thống bán lẻ lẫn nguồn vốn khi cần thiết. Tập đoàn Nojima hiện là cổ đông chiến lược, nắm giữ 11,17% vốn tại Trần Anh.
Xét về lợi nhuận, năm 2013, Thế Giới Di Động đạt lợi nhuận tới 258 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt tới 24.294 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, Trần Anh tỏ ra lép vế hoàn toàn, khi chỉ đạt 1,3 tỷ đồng lợi nhuận và lãi cơ bản trên cổ phiếu cũng chỉ ở mức khiêm tốn là 110 đồng/cổ phiếu.
Quý I/2014, Thế Giới Di Động tiếp tục gây sốc với mức lợi nhuận 168,6 tỷ đồng, tăng 4 lần so với quý I/2013. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế quý I/2014 của Trần Anh chỉ đạt 3,49 tỷ đồng, giảm 66,83% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu so sánh về giá, thì mức giá 85.000 đồng/cổ phiếu của Thế Giới Di Động xem ra quá cao so với mức hơn 22.000 đồng/cổ phiếu hiện tại của Trần Anh. Tuy nhiên, với những ưu thế về quy mô và lợi nhuận của Thế Giới Di Động, dù được chào sàn với mức giá khá cao, song cổ phiếu MWG vẫn có thể tăng giá sau khi chào sàn.