Thế giới có nguy cơ bị đánh thuế cao hơn vĩnh viễn

Thế giới có nguy cơ bị đánh thuế cao hơn vĩnh viễn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) S&P cảnh báo rằng các quốc gia trên thế giới đang vay mượn không ngừng ở quy mô vượt xa mức tiền đại dịch, làm tăng nguy cơ thuế cao hơn vĩnh viễn.

Căng thẳng địa chính trị, trợ cấp năng lượng, chi tiêu phúc lợi và lãi suất cao đều buộc các chính phủ phải đi vay nhiều hơn vì không kiểm soát được tài chính. Các nhà kinh tế lo ngại điều này sẽ buộc các chính trị gia tăng thuế trên toàn cầu khi các khoản trả nợ tăng lên và mong muốn chi tiêu nhiều hơn.

S&P dự báo các quốc gia sẽ vay 11.500 tỷ USD nợ dài hạn trong năm nay. Con số này gần bằng số tiền 11.600 tỷ USD được vay vào năm 2021 ở đỉnh điểm của đại dịch. Việc vay mượn có nguy cơ đẩy thuế lên cao trên toàn thế giới.

Jennifer McKeown, nhà kinh tế tại Capital Economics cho biết: “Rất nhiều nền kinh tế đang hướng tới một chính phủ với chi tiêu và thuế cao hơn”.

Theo S&P, Mỹ sẽ vay nhiều nhất trên toàn cầu trong năm nay thông qua phát hành khoản trái phiếu 4.500 tỷ USD ra thị trường. Trung Quốc đứng thứ hai với 1.700 tỷ USD. Anh cũng là nước đi vay lớn với kế hoạch phát hành khoản nợ trị giá 350 tỷ USD.

Bà McKeown cho biết, việc đi vay kéo dài có nguy cơ gây hoảng loạn trên thị trường tài chính như đã xảy ra sau kế hoạch ngân sách nhỏ của cựu Thủ tướng Anh Liz Truss vào năm 2022. Điều đó sẽ gây áp lực buộc các chính phủ phải tăng thuế để trấn an các nhà đầu tư.

Thuế có thể tăng “vì rủi ro này mà thị trường tài chính bắt đầu cảm thấy lo ngại rằng nó sẽ tự hủy hoại, lãi suất bắt đầu tăng và gây ra vấn đề thậm chí còn tồi tệ hơn với khoản nợ. Vì vậy, bắt đầu có áp lực buộc phải hạn chế chi tiêu hoặc tăng thuế”, bà cho biết.

Carsten Brzeski, nhà kinh tế học tại ING cho biết, các khoản nợ bùng nổ là “hậu quả gần như tự nhiên của kỷ nguyên can thiệp mới của chính phủ”.

“Điều này có nghĩa là các chính phủ sẽ dần dần tiến tới thắt lưng buộc bụng, trong đó thực sự có thể bao gồm thuế cao hơn vì việc cắt giảm chi tiêu sẽ kém hấp dẫn hơn về mặt xã hội”, ông cho biết.

Trong khi đó, một số đợt phát hành nợ toàn cầu trong năm nay thể hiện việc tái cấp vốn cho các khoản vay cũ khi trái phiếu đáo hạn và cần vay mới.

Tuy nhiên, các quốc gia dự kiến ​​sẽ vay mới 3.400 tỷ USD trong năm nay, tăng từ 2.600 tỷ USD vào năm 2023 và cao hơn 50% so với mức tiền Covid.

Và các khoản vay khó có thể giảm trong thời gian tới.

“Thâm hụt ngân sách ở hầu hết các quốc gia sẽ vẫn cao hơn trước đại dịch do tăng trưởng chậm lại và áp lực chi tiêu cơ cấu vẫn ở mức cao… Danh sách các hạng mục tài trợ dai dẳng, trong số đó có trợ cấp xã hội, các biện pháp thuế và chi tiêu để kiềm chế giá năng lượng và lương thực cũng như tăng chi phí quốc phòng… Tất cả những điều này đều khó ngăn chặn hoặc đảo ngược trong các cuộc bầu cử sắp tới. Hơn nữa, chi tiêu lãi suất của chính phủ sẽ vẫn ở mức cao trong tương lai gần”, Karen Vartapetov, nhà phân tích của S&P cho biết.

Lãi suất cao đã gây thêm áp lực lên tài chính công, khiến chi phí nợ hiện ở mức cao nhất trong 10 năm.

“Trong bối cảnh này, chúng tôi kỳ vọng khoản nợ công dài hạn sẽ cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch trong năm nay và những năm sau đó”, ông Karen Vartapetov cho biết.

Các ngân hàng trung ương bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Anh (BoE) đều tăng mạnh lãi suất trong cuộc chiến kiểm soát lạm phát.

Tin bài liên quan