Thế giới chạy đua phát triển vaccine đối phó với biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Ảnh minh họa: KT.

Thế giới chạy đua phát triển vaccine đối phó với biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Ảnh minh họa: KT.

Thế giới chạy đua phát triển vaccine đối phó với biến thể của SARS-CoV-2

0:00 / 0:00
0:00
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, cùng với sự đột biến không ngừng của virus SARS-CoV-2, hàng nghìn biến thể mới đã được ghi nhận. Điều này khiến các nhà khoa học phải chạy đua với thời gian để cải tiến vaccine ngừa Covid-19.

Bộ trưởng triển khai vaccine của Anh, ông Nadhim Zahawi cho biết, có khoảng 4.000 biến thể virus SARS-CoV-2 trên thế giới, khiến các nhà sản xuất vaccine phải cố gắng cải thiện sản phẩm của mình.

Trong khi đó, theo Tạp chí Y khoa Anh (BMJ), dù có hàng nghìn biến thể xuất hiện khi virus đột biến trong quá trình nhân đôi, chỉ có một số rất ít biến thể có khả năng thay đổi virus một cách đáng kể.

Tuy nhiên, các trường hợp này đặc biệt gây lo ngại bởi những đặc tính tiêu cực của virus SARS-CoV-2 có thể kết hợp với nhau và khiến virus trở nên nguy hiểm hơn.

Những biến thể virus SARS-CoV-2 tại Anh và Brazil được cho là khiến virus trở nên đặc biệt dễ lây nhiễm hơn ở những người dưới 20 tuổi.

Các biến thể cũng gây trở ngại cho kháng thể trong hệ miễn dịch trong việc vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 khi những kháng thể này được sinh ra trong quá trình tiêm vaccine hoặc ở những người hồi phục sau khi mắc Covid-19.

Chính vì vậy, các chuyên gia lo ngại rằng nếu các đột biến tiếp tục lan rộng và trở nên vượt trội, việc ngăn chặn dịch bệnh sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Họ cũng cho rằng, nếu có nhiều người bị mắc bệnh trong thời gian ngắn, các hệ thống y tế sẽ bị quá tải và sụp đổ cùng lúc.

Nhận thức được điều này, cuộc chạy đua bào chế vaccine ngừa Covid-19 thế hệ tiếp theo có thể chống lại nhiều biến thể đang nóng hơn bao giờ hết.

Tập đoàn dược phẩm Anh GSK (GlaxoSmithKline) và Công ty Công nghệ sinh học CureVac của Đức công bố kế hoạch hợp tác trị giá 180 triệu USD để phát triển loại vaccine chống lại nhiều biến thể virus SARS-CoV-2.

Hai công ty đưa ra tuyên bố chung cho rằng, sự gia tăng các biến thể mới có khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine thế hệ đầu tiên nên đòi hỏi phải tăng tốc đón đầu đại dịch.

Các loại vaccine thế hệ tiếp theo có thể được sử dụng để bảo vệ người chưa được tiêm chủng hoặc làm mũi tiêm tăng cường trong trường hợp khả năng miễn dịch từ lần tiêm đầu giảm theo thời gian.

Giám đốc điều hành CureVac, ông Franz Werner Haas cho biết: “Chúng tôi đang nghiên cứu biến thể được phát hiện ở Anh và Brazil. Với những nghiên cứu mà chúng tôi đang tiến hành thì vaccine ngừa Covid-19 thế hệ mới của chúng tôi có thể sẽ ra mắt vào vào năm 2022”.

Không nằm ngoài cuộc đua, hãng AstraZeneca của Anh và Đại học Oxford của Anh cũng thông báo dự kiến ra mắt vaccine thế hệ tiếp theo sớm nhất vào mùa thu năm nay. Ông Andrew Pollard, người đứng đầu Nhóm vaccien thuộc Trường Đại học Oxford cho biết, AstraZeneca và Đại học Oxford tự tin rằng, vaccine mới sẽ chống được biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh.

Công ty dược Moderna của Mỹ cho biết, vaccine của hãng này có hiệu quả với 2 biến thể virus SARS-CoV-2 ở Anh, Brazil và đang sản xuất mũi tiêm tăng cường chống biến thể ở Nam Phi. Trong khi đó, hãng Pfizer của Mỹ và đối tác BioNTech của Đức hiện cũng phát triển loại vaccine đối phó các biến thể mới.

Tin bài liên quan