Năm 2009, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Hải Phòng ký hợp đồng tín dụng với Công ty TNHH Nhật Phát để thực hiện dự án đầu tư Nhà máy sản xuất sắt xốp, luyện kim Fero hợp kim sắt công suất 28.000 tấn/năm theo công nghệ luyện kim không dùng KOKC. Hạn mức vay là 100 tỷ đồng, thời gian vay 180 tháng (từ năm 2010 - 2024), lãi suất trong hạn 6,9%/năm.
Công ty đã dùng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm nghĩa vụ vay gồm các tài sản hình thành từ dự án.
Năm 2010, khi tài sản hình thành, hai bên ký hợp đồng thế chấp xác định tài sản thế chấp là tài sản gắn liền với đất gồm nhà kho, văn phòng, nhà ăn, một số máy móc… Toàn bộ tài sản thế chấp nằm trên diện tích đất hơn 31.000 m2 tại Hải Phòng. Tổng giá trị tài sản thế chấp tại thời điểm thế chấp là hơn 49 tỷ đồng.
Năm 2011, hai bên ký lại phụ lục hợp đồng xác định chi tiết tài sản thế chấp gồm thiết bị, dây chuyền sản xuất, trị giá hơn 200 tỷ đồng gồm hệ thống vê viên đồng bộ, lò hoàn nguyên, xưởng luyện fero hợp kim sắt, hệ thống bơm tuần hoàn, hệ thống lọc bụi… Các tài sản được đăng ký giao dịch bảo đảm.
Ngân hàng đã giải ngân đủ số tiền 100 tỷ đồng song công ty mới trả được 25,1 tỷ đồng nợ gốc và 17,3 tỷ đồng nợ lãi. Đến tháng 3/2012, Công ty Nhật Phát vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Ngân hàng xác định, công ty còn nợ gốc và lãi số tiền gần 130 tỷ đồng.
Ngân hàng đã khởi kiện ra tòa án yêu cầu công ty phải thanh toán số nợ trên. Trường hợp công ty không trả được nợ, ngân hàng đề nghị xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ gồm hệ thống nhà xưởng và các thiết bị máy móc.
Mới đây TAND quận Ngô Quyền đã chấp nhận đơn khởi kiện của ngân hàng. Mặc dù kết quả tố tụng thuận lợi song việc xử lý tài sản đảm bảo có thể không đạt như kỳ vọng.
Theo kết quả thẩm định và công ty thừa nhận các tài sản thế chấp đều có đủ nhưng trong tình trạng không hoạt động, không vận hành đã nhiều năm.