Sau đổi tên, các công ty chứng khoán thể hiện tham vọng lớn khi đang bước vào vạch xuất phát của nhiều cuộc đua như tăng vốn, lên sàn, chiếm lĩnh thị trường… Tuy nhiên, tham vọng có thành hiện thực hay không thì cần thêm thời gian mới ngã ngũ câu trả lời.
Vào vạch… đua tăng vốn
Sau đổi tên thành công, nhiều công ty chứng khoán không giấu tham vọng tìm cho mình một chỗ đứng trên thị trường, đương nhiên không phải với hình ảnh mờ nhạt như khi còn hoạt động dưới tên cũ. Một trong những giải pháp để biến tham vọng thành hiện thực là tăng vốn với mức “khủng”, lịch trình tăng vốn dày đặc.
Vào đầu tháng 4/2018, Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Everest đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu EVS Bond.01.2018. Theo đó, Everest có tham vọng phát hành 3.000 trái phiếu, với giá chào bán là 100 triệu đồng/trái phiếu (bằng mệnh giá) nhằm huy động 300 tỷ đồng.
Đây là loại trái phiếu có kỳ hạn 13 tháng, lãi suất 10%/năm. Không lâu sau kế hoạch này, Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2018 của Công ty cũng thông qua phương án phát hành 40 triệu cổ phần để tăng mạnh vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng trong quý IV/2018.
Một trường hợp có kế hoạch tăng vốn “khủng” nữa là Chứng khoán Yuanta Việt Nam (được đổi tên từ Chứng khoán Đệ Nhất vào tháng 2/2018). Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của Công ty diễn ra hồi cuối tháng 4 vừa qua đã thông qua phương án chào bán riêng lẻ tới 70 triệu cổ phần (tỷ lệ 3:7) cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng hiện tại lên tới 1.000 tỷ đồng. Sau đợt tăng vốn này, cổ đông ngoại có thể sở hữu lượng cổ phần tại Công ty lên đến 100%. Yuanta Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thành tăng vốn ngay trong tháng 5 này.
Kế hoạch tăng vốn khủng này là thách thức khá lớn với Yuanta Việt Nam, trong bối cảnh Công ty đang làm ăn thua lỗ. Trong quý đầu tiên hoạt động dưới cái tên mới, Yuanta Việt Nam ghi nhận 23,7 tỷ đồng doanh thu, lỗ 2,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 8,5 tỷ đồng doanh thu nhưng lãi 4,1 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong kế hoạch kinh doanh năm nay vừa được Đại hội đồng cổ đông năm 2018 thông qua, Yuanta Việt Nam đặt mục tiêu lỗ 23,6 tỷ đồng.
Một số công ty chứng khoán khác trong nhóm mới “thay tên đổi họ” cũng có kế hoạch tăng vốn. Tuy số vốn định tăng thêm xét theo số tuyệt đối là không lớn, nhưng so với số vốn điều lệ hiện tại thì mức tăng là khá lớn. Với vốn 100 tỷ đồng hiện tại, Chứng khoán HFT có tham vọng tăng vốn hơn gấp 3 lần, lên 320 tỷ đồng với thời gian triển khai từ quý III/2018 đến quý II/2019. Hay Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam vừa thông qua phương án tăng vốn từ mức 60 tỷ đồng lên 168 tỷ đồng…
Với tình trạng kinh doanh èo uột nhiều năm, triển vọng tương lai mờ mịt, kế hoạch tăng vốn mạnh qua phương thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu chỉ có thể thành công nếu nhận được sự đồng lòng của tất cả, trên cơ sở tin rằng tương lai công ty sẽ... khá hơn.
Tìm cách chen chân vào thị trường
Sau cải cách, bên cạnh những công ty chứng khoán loay hoay chiếm lĩnh thị trường bằng cách truyền thống như mở thêm văn phòng giao dịch…, một số công ty đang có tham vọng góp mặt vào những mảng thị trường mới nhiều tiềm năng như chứng khoán phái sinh. Chứng khoán Everest nằm trong số ấy.
Theo giải trình về kế hoạch tăng vốn của Chứng khoán Everest, số vốn huy động được ngoài bổ sung nguồn vốn cho tự doanh, cho vay giao dịch ký quỹ còn nhằm đáp ứng tiêu chuẩn để đặt chân vào thị trường chứng khoán phái sinh.
Tuy nhiên, sân chơi phái sinh vốn không dành cho những công ty chứng khoán đơn thuần thỏa mãn tiêu chuẩn về vốn, mà còn phải đáp ứng các đòi hỏi cao về quản trị rủi ro, chất lượng nguồn nhân lực, có bề dày về năng lực sáng tạo sản phẩm, dịch vụ mới, cũng như khả năng chống đỡ với những biến cố trên thị trường. Những công ty chứng khoán mới “ốm dậy” sau tái cơ cấu không dễ đáp ứng những tiêu chuẩn này.
Có những công ty chứng khoán chọn cho mình cách đi riêng theo kiểu “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”.
Ông Hoàng Như Hải, Tổng giám đốc Chứng khoán HFT chia sẻ, không thể cạnh tranh theo kiểu dàn hàng ngang đối mặt trực diện với các “ông lớn” có độ dày về khách hàng, tài chính, HFT chọn cách đi riêng là triển khai mô hình công ty chứng khoán online và giá rẻ tại Việt Nam.
Cùng với đó, tuy chưa tham gia cung cấp các sản phẩm phái sinh, nhưng HFT tích cực nghiên cứu và đào tạo đội ngũ nhân viên về các sản phẩm mới để sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư, lên các kế hoạch về sản phẩm mới trong tương lai.
Thời gian tới, Công ty tiếp tục tập trung vào hai mảng kinh doanh là môi giới chứng khoán và tư vấn tài chính doanh nghiệp; đồng thời nghiên cứu và phát triển các công cụ tự động để hỗ trợ nhà đầu tư như robot chứng khoán. HFT tiếp tục đưa ra thị trường các sản phẩm chứng khoán giá rẻ để hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch hiệu quả.
“Trong 6 tháng qua, Công ty đã và đang dần hoàn thiện các mô hình tư vấn, đầu tư thông qua robot. Qua quá trình ứng dụng thực tế, robot giao dịch của HFT cũng như các các robot thử nghiệm khác thu được những kết quả tích cực.
Kết quả đã được kiểm chứng qua 2 kỳ giao dịch thử nghiệm để tìm ra các robot hiệu quả nhất. Chỉ với 1 tháng, có những robot đã giao dịch lãi hàng chục phần trăm và tỷ lệ ra tín hiệu chính xác của các robot đều trên 50%. HFT dự kiến đưa các robot vào vận hành trong thời gian không xa…”, ông Hải tiết lộ.
Để khối công ty chứng khoán có thêm cơ hội phát triển, ông Hải đề xuất thời gian tới, cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách mới, đưa vào áp dụng các sản phẩm giao dịch mới như giao dịch trong ngày, giao dịch tần suất cao…, nhằm giúp nhà đầu tư có nhiều cơ hội đầu tư hơn trên thị trường, vừa tạo thuận lợi cho công ty chứng khoán kinh doanh.
Đưa cổ phiếu lên sàn
Ngoài cuộc đua tăng vốn, chiếm lĩnh thị trường, còn một cuộc đua nữa trong khối công ty chứng khoán hình thành mới sau nỗ lực đổi tên, tái cấu trúc. Đó là cuộc đua lên sàn, nhằm minh bạch hóa hoạt động và mong thị trường chứng khoán sẽ giúp thương hiệu công ty được phổ cập rộng rãi hơn.
Mới đây, Đại hội đồng cổ đông thường niên của Everest đã thông qua phương án niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX trong năm 2018.
Công ty Chứng khoán Smart Invest với hiệu quả kinh doanh èo uột, hình ảnh thương hiệu mờ nhạt như khi còn hoạt động dưới tên cũ là Công ty Chứng khoán Gia Anh cũng đặt kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn trong quý II này.
Cụ thể, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của Công ty diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua đã thông qua kế hoạch đăng ký công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đồng thời đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM, hoặc niêm yết trên HNX nếu đủ điều kiện…
Trở thành công ty đại chúng, tham vọng đưa cổ phiếu lên sàn của các công ty chứng khoán sau tái cơ cấu là một động thái đáng được khích lệ, bởi họ sẽ phải chịu những sức ép minh bạch cao hơn cả từ phía cơ quan quản lý, thị trường, nhà đầu tư.
Chỉ có điều, khi hoạt động kinh doanh vẫn chưa có nhiều khởi sắc, thậm chí đang tiếp tục thua lỗ, kế hoạch lên sàn của các công ty chứng khoán phải “thay tên đổi họ” rất có thể trở thành kế hoạch “treo”.