Thấy gì từ việc tiền gửi tổ chức tăng trưởng âm?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tăng trưởng tín dụng vượt xa tốc độ tăng trưởng huy động vốn đang tạo áp lực nâng lãi suất tiết kiệm lên các ngân hàng thương mại.
Cuối năm là giai đoạn cầu vốn của nền kinh tế tăng cao.

Cuối năm là giai đoạn cầu vốn của nền kinh tế tăng cao.

Tiền gửi tăng chậm

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng khoảng 5,28%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt xấp xỉ 9%. Nói cách khác, tăng trưởng tín dụng đang cao hơn khoảng 3,7% so với tăng trưởng huy động vốn.

Đáng chú ý, thời điểm cuối năm 2023, tiền gửi của tổ chức kinh tế chiếm 51% tổng số tiền gửi, cao hơn gần 309.000 tỷ đồng so với tiền gửi từ dân cư. Đến đầu năm 2024, tiền gửi của nhóm khách hàng này sụt giảm mạnh 165.200 tỷ đồng so với cuối năm trước.

Cuối tháng 6/2024, lượng tiền gửi của nhóm này đạt mức tăng 0,96% so với đầu năm, khi lượng tín dụng giải ngân tăng vọt trong tháng, đạt 6,1% vào cuối tháng so với mức tăng trưởng 3,43% ghi nhận vào cuối tháng 5.

Song đến cuối tháng 7/2024, tiền gửi từ các tổ chức kinh tế lại tăng trưởng âm 1,07%. Trong khi đó, tiền gửi của khu vực dân cư duy trì thanh khoản cho hệ thống, với mức tăng trưởng thấp 4,68%, so với con số 8,93% của cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Lê Hoài Ân, CFA, Founder IFSS, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp, tăng trưởng tiền gửi và tiền vay của hệ thống ngân hàng luôn phản ánh tình hình nền kinh tế.

Trong bối cảnh tiền vay liên tục vượt qua tiền gửi, áp lực thanh khoản đối với các ngân hàng là rất lớn. Đồng thời, sự gia tăng mạnh tiền gửi từ các tổ chức kinh tế theo các đợt tăng mạnh tín dụng cho thấy dòng vốn vẫn phụ thuộc nhiều vào ngân hàng, trong khi tăng trưởng tiền gửi thiếu sự hỗ trợ ổn định từ tiền gửi của khối dân cư.

“Tiền gửi của tổ chức kinh tế luôn ở trạng thái tăng trưởng âm trong năm 2024, điều này cho thấy thanh khoản của doanh nghiệp hiện nay đang dựa vào sự bơm vốn từ ngân hàng, từ đó ảnh hưởng đến cấu trúc tiền gửi”, ông Ân nhận xét.

Trước diễn biến trên thị trường, nhà điều hành đã có động thái kịp thời khi trong tháng 9, đã bơm ròng 59.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu và thị trường mở (OMO) sau khi đã bơm ròng 61.000 tỷ đồng trong tháng 8.

Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng giảm khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất OMO xuống 4%/năm (giảm 25 điểm cơ bản) kể từ ngày 16/9/2024.

Trong tháng 9, lãi suất liên ngân hàng trung bình dao động quanh mức 3,78%/năm đối với kỳ hạn qua đêm và 3,85%/năm đối với kỳ hạn 1 tuần, so với mức trung bình 4,33%/năm đối với kỳ hạn qua đêm và 4,4%/năm đối với kỳ hạn 1 tuần trong tháng 8.

Theo đó, trong cả quý III, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm khoảng 50 điểm cơ bản so với cuối quý II, dao động chủ đạo quanh vùng lãi suất định hướng OMO, tín phiếu.

Ngân hàng Nhà nước dự kiến có thể điều chỉnh giảm thêm lãi suất OMO khoảng 25 - 50 điểm cơ bản trong quý IV, đồng thời tăng cường bơm ròng qua kênh OMO và tiền gửi Kho bạc Nhà nước để hỗ trợ thanh khoản.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận định: “Yếu tố hỗ trợ lãi suất VND liên ngân hàng giảm trong quý III là sự dịch chuyển của chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng rõ nét hơn khi áp lực tỷ giá hạ nhiệt đáng kể.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái như hạ lãi suất OMO từ 4,5%/năm về 4%/năm, ngừng bán ngoại tệ và dừng hút tín phiếu kể từ tháng 8, đồng thời tăng cường bơm ròng hỗ trợ thanh khoản qua kênh thị trường mở cũng như kênh tiền gửi Kho bạc Nhà nước”.

Với động thái hạ lãi suất OMO vừa qua của nhà điều hành, dự báo lãi suất liên ngân hàng có thể tiếp tục giảm, tuy nhiên, nhu cầu tín dụng tăng là ngưỡng chặn đà giảm của lãi suất liên ngân hàng.

Nhà băng âm thầm chạy đua hút vốn

Cũng theo lãnh đạo BIDV, một mặt, lãi suất VND liên ngân hàng tiếp tục được hỗ trợ bởi định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, đặt trong bối cảnh áp lực quốc tế, tỷ giá chưa đáng lo ngại và mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tiếp tục được ưu tiên.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước dự kiến có thể điều chỉnh giảm thêm lãi suất OMO khoảng 25 - 50 điểm cơ bản trong quý IV, đồng thời tăng cường bơm ròng qua kênh OMO và tiền gửi Kho bạc Nhà nước để hỗ trợ thanh khoản.

Mặt khác, trạng thái thanh khoản VND dự kiến sẽ chưa dồi dào do tình trạng suy yếu nguồn vốn khả dụng vẫn diễn ra trên diện rộng tại nhiều ngân hàng thương mại, đặc biệt là về cuối năm khi thanh khoản thường chịu áp lực do nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt có xu hướng gia tăng theo chu kỳ.

“Ước tính cân đối huy động vốn - tín dụng có thể cải thiện nhẹ trong quý IV, nhưng tính chung cả năm, tăng trưởng huy động vẫn thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng khoảng 2 - 3%. Do đó, nhìn chung lãi suất VND liên ngân hàng chưa thể giảm sâu và dự kiến vẫn dao động chủ đạo quanh vùng lãi suất OMO”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Trên thị trường huy động vốn từ dân cư, xu hướng tăng lãi suất tiền gửi chững lại trong tháng 9, khi chỉ có một vài ngân hàng tăng lãi suất với mức tăng từ 0,1 - 0,5%/năm, nhưng trong hai tuần đầu tiên của tháng 10 đã chứng kiến hàng loạt ngân hàng như LPBank, Bac A Bank, Eximbank và GPBank tăng lãi suất huy động. Trong đó, tại nhiều điểm giao dịch, nhân viên GPBank chào lãi suất tiền gửi 6,3%/năm cho khách hàng thân thiết, khoản tiền gửi có giá trị lớn.

“Đang diễn ra một cuộc đua âm thầm đang giữa các ngân hàng nhỏ nhưng đây cũng không phải là vấn đề bất thường, bởi gần như năm nào cũng vậy”, một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần cho biết.

Nhận định được bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán MB (MBS) đưa ra, cơn bão Yagi tàn phá nhiều tỉnh phía Bắc hồi đầu tháng 9 đã khiến nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, có thể làm gia tăng áp lực nợ xấu của các ngân hàng (nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6 năm nay đã tăng 5,77% so với cuối năm 2023).

Do đó, đây là yếu tố thúc đẩy các ngân hàng tăng lãi suất huy động nhằm thu hút vốn mới, qua đó, giúp đảm bảo thanh khoản.

Khảo sát cho thấy, đến cuối tháng 9, lãi suất kỳ hạn 12 tháng trung bình của nhóm ngân hàng thương mại tư nhân đã tăng 0,13%/năm so với đầu năm, lên mức 5%/năm, trong khi lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước vẫn giữ nguyên ở mức 4,7%/năm, thấp hơn 26 điểm cơ bản so với đầu năm.

“Chúng tôi cho rằng sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc trong những tháng cuối năm phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào. Ở chiều ngược lại, việc lạm phát ở mức thấp và Fed hạ lãi suất được kỳ vọng sẽ tạo thêm dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại Việt Nam. Dựa vào các yếu tố trên, chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể nhích thêm 0,2%/năm, dao động quanh mức 5,1 - 5,2%/năm vào cuối năm 2024”, bà Hiền dự báo.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2024, vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố cho biết, các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng rất nhẹ mặt bằng lãi suất huy động và duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp.

Tin bài liên quan