Hơn 7 tháng, cổ đông nội bộ mua ròng 603 tỷ đồng
Sau khi liên tục đi lên và thiết lập mức đỉnh lịch sử 1.207 điểm vào tháng 4/2018, chỉ số VN-Index đã giảm sâu hơn 26% kể từ mức đỉnh, hiện đang dao động quanh mức 980 điểm.
Những biến động mạnh của thị trường chứng khoán trong nước từ đầu năm nay tới nay kéo theo giao dịch mua bán của nhà đầu tư sôi động hơn khi tranh thủ chốt lời hay bắt đáy cổ phiếu giảm sâu.
Trong đó, có sự đóng góp của một bộ phận thiểu số nhưng không nhỏ là ban lãnh đạo doanh nghiệp và những người có liên quan.
Theo dữ liệu của Stoxplus, kể từ đầu năm đến nay, có khoảng 1.900 giao dịch mua bán của cổ đông nội bộ và người liên quan trong tất cả các nhóm ngành, với tổng giá trị giao dịch 2.513 tỷ đồng; trong đó, giá trị mua đạt 1.558 tỷ đồng và giá trị bán đạt 955 tỷ đồng. Như vậy, khối này đã mua ròng 603 tỷ đồng trong hơn 7 tháng.
Có đến 5 trong tổng số gần 8 tháng, lãnh đạo doanh nghiệp và người liên quan thực hiện mua ròng cổ phiếu về giá trị giao dịch, trong đó tập trung vào tháng 6, 7, 8 - giai đoạn thị trường chứng khoán đang dò đáy và đi lên.
Riêng trong tháng 6, khi thị trường đang giảm mạnh, lãnh đạo doanh nghiệp và những người liên quan mua ròng tới 763 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là giao dịch ở nhóm các công ty ngành thép và ngân hàng.
Tiêu biểu là tại Công ty cổ phần Thép Pomina (POM), thành viên Ban Kiểm soát mua vào gần 2,5 triệu cổ phiếu khi thị giá POM giảm hơn 30% so với hồi đầu năm.
Hay tại VPBank, Chủ tịch Hội đồng quản trị đã mua vào 5 triệu cổ phiếu sau khi cổ phiếu này mất hơn 37% thị giá so với mức đỉnh trong tháng 4/2018.
Cũng theo dữ liệu của Stoxplus, nhóm ngành có giao dịch mua ròng của cổ đông nội bộ và người liên quan lớn nhất là xây dựng và vật liệu (tổng giá trị mua ròng đạt 813 tỷ đồng) và bất động sản (với giá trị mua ròng đạt 516 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, lĩnh vực hàng gia dụng, lãnh đạo và người liên quan có xu hướng bán ròng, với mức bán ròng mạnh nhất, đạt 703 tỷ đồng. “Cùng chung cảnh ngộ” còn có ngành tài nguyên cơ bản, thực phẩm và đồ uống, hàng hóa, dịch vụ công nghiệp.
“Mua theo” cổ đông nội bộ, nên không?
Động thái giao dịch của ban lãnh đạo và người liên quan luôn là mối quan tâm lớn đối với giới đầu tư, bởi hơn ai hết họ là người thấu hiểu về hoạt động hiện tại cũng như triển vọng tương lai của doanh nghiệp.
Việc cổ đông nội bộ và người liên quan mua ròng trên thị trường trong 8 tháng qua liệu có phải là tín hiệu tích cực về triển vọng của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán?
Theo Trưởng phòng Phân tích của một công ty chứng khoán có thị phần Top 10, nếu xét tổng thể hoạt động mua ròng có thể xem là yếu tố tích cực, tuy nhiên cũng cần phải xem xét chi tiết giao dịch thực hiện của ban lãnh đạo doanh nghiệp, xem có bao nhiêu cổ phần được mua đi bán lại liên tục, bao nhiêu mua và nắm giữ dài hạn để có một góc nhìn sâu hơn về vấn đề này.
Trong khi đó, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn và đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng khuyến nghị, nhà đầu tư cần xem xét kỹ động thái mua của cổ đông nội bộ xuất phát từ lý do gì, để "cứu giá" hay để đầu tư để tránh rủi ro khi "mua theo".
Cũng theo ông Khánh, nhà đầu tư phải cân nhắc động thái mua vào của lãnh đạo doanh nghiệp trong mối tương quan với các giao dịch xung quanh, chẳng hạn như các quỹ có bán ra không, các nhóm nhà đầu tư, cổ đông lớn có mua vào không, để biết dòng tiền vào cổ phiếu đó thực chất là dương hay âm (tức mua hay bán là áp đảo).
Thực tế, vẫn có trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp công bố mua vào cổ phiếu với khối lượng lớn, nhưng cuối cùng lại không mua hoặc chỉ mua lượng rất nhỏ, khi đó làm ảnh hưởng niềm tin nhà đầu tư, thông tin từ tích cực có thể trở nên phản tác dụng. Thậm chí, có trường hợp ban lãnh đạo công bố mua, nhưng thực chất muốn bán.
“Trên thực tế, không phải động thái cứu giá nào cũng có tác dụng, có lãnh đạo dù mua vào nhưng giá cổ phiếu vẫn rớt mạnh. Do vậy, đầu tư theo dạng này, nhà đầu tư nên chấp nhận đầu tư trung và dài hạn vào doanh nghiệp hơn là nhà đầu tư ngắn hạn”, ông Khánh khuyến nghị.