SSI và nhóm các định chế tài chính nước ngoài, đứng đầu là Ngân hàng SinoPac đã ký kết hợp đồng, theo đó SinoPac và nhóm định chế tài chính sẽ cung cấp cho SSI hạn mức tín chấp dư nợ lên đến 55 triệu USD. Theo SSI, khoản vay sẽ giúp Công ty có thêm năng lực để cung cấp cho nhà đầu tư các sản phẩm tài chính với lãi suất thấp, cạnh tranh trên thị trường.
Khoản vay áp dụng lãi suất căn cứ theo lãi suất ngắn hạn trên thị trường quốc tế như Libor, Sibor cộng với biên độ hợp lý theo đánh giá của các bên trong hạn mức. Ở thời điểm hiện tại, lãi suất Libor đang được duy trì ở mức 2,6%/năm và có khả năng giảm thêm trong thời gian tới.
So sánh với quy mô tài sản của SSI tại thời điểm cuối năm 2018 là hơn 23.800 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 9.155 tỷ đồng thì hạn mức này không phải là khoản vay lớn. Nhưng SSI là CTCK đầu tiên tại Việt Nam được ngân hàng nước ngoài cấp hạn mức vay tín chấp ở mức cao như vậy. Ðiều này cho thấy uy tín của Công ty đối với định chế tài chính lớn nước ngoài là rất cao.
Chia sẻ kinh nghiệm, SSI cho biết, để tiếp cận nguồn vốn ngoại nói chung và vốn tín dụng nói riêng, mọi DN cần phải ý thức rõ về tầm quan trọng của minh bạch thông tin và hoạt động kinh doanh, có sự nhất quán trong tầm nhìn cũng như chiến lược kinh doanh, xây dựng văn hóa DN trong cả một giai đoạn dài. Ðiều kiện tiên quyết là sự chuẩn hoá trong các báo cáo tài chính, thông tin công bố ra công chúng và nhà đầu tư.
Các định chế nước ngoài thường rất kỹ lưỡng trong đánh giá đối tác vay. Trong đó, tiêu chí quan trọng và được ưu tiên, đó là bên vay là DN đầu ngành và có tiềm lực tài chính lành mạnh. Chính vì vậy, khi thực hiện hợp đồng tín dụng này, SSI ngoài mục tiêu tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp còn muốn khẳng định vị thế của Công ty không chỉ trong nước, mà còn tích luỹ thêm giá trị tương lai ở cả thị trường quốc tế.
Ðược biết, thời gian mà SinoPac xem xét, đánh giá và ra quyết định cấp hạn mức cho SSI không quá lâu, tương đương với việc Công ty xin hạn mức tại ngân hàng trong nước (khoảng 3 tháng). Quá trình thẩm định này dựa trên lịch sử SSI và SinoPac đã có thời gian làm việc đủ để SinoPac đặt niềm tin vào SSI. Trong khoảng 2 năm qua, SSI và SinoPac đã có quan hệ kinh doanh, thông qua nhiều nghiệp vụ như tiền gửi, hạn mức vay, tài khoản thanh toán… Về cơ bản, SSI là DN đã niêm yết, chủ động minh bạch thông tin với các bên liên quan - là cơ sở tốt để SSI và SinoPac Việt Nam tiến hành đề nghị mở rộng hợp tác lên tầm cao mới, thông qua việc SinoPac Việt Nam làm đầu mối thu xếp giao dịch cấp hạn mức mới cho SSI trên thị trường quốc tế.
Việc mở rộng thêm các hạn mức vay nước ngoài giúp Công ty tận dụng được nguồn vốn với chi phí hấp dẫn và cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh các CTCK 100% vốn ngoại có vốn dồi dào, còn nhiều CTCK nội khá khiêm tốn về nguồn vốn, và chính sách về tín dụng đối với ngành nghề kinh doanh chứng khoán trong vài năm trở lại đây tương đối chặt chẽ. Ðồng thời, sau khi đạt được khoản vay tín chấp này, SSI có cơ sở tăng cường hợp tác, mở rộng thêm nhiều đối tác ngoài nước.
Trong vài năm gần đây, SSI đã tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh nguồn vốn thông qua việc đa dạng hóa các đối tác cả trong và ngoài nước. Ðại diện SSI cho biết, ngoài SinoPac, Công ty cũng có quan hệ kinh doanh với nhiều định chế tài chính nước ngoài khác trên mảng kinh doanh Nguồn vốn.
Trên thực tế, thị trường Việt Nam có thể huy động được nguồn vốn lớn từ vay tín chấp nước ngoài và đã diễn ra vài năm qua. Các ngân hàng trong nước đã tiếp cận các nguồn vốn này từ rất lâu. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp còn tương đối khó tiếp cận do đặc thù hoạt động kinh doanh đa dạng, việc cung cấp thông tin và minh bạch hoá chưa cao, cũng như thị trường tài chính trong nước chưa có các tổ chức định chế tài chính trung gian đứng ra để đánh giá.
Theo SSI, vốn tín chấp hay vốn vay có tài sản đảm bảo chỉ hiệu quả nếu bên vay sử dụng vốn đúng mục đích và kinh doanh có hiệu quả, từ đó sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, do việc quản lý tỷ giá cũng là vấn đề nhạy cảm, liên quan rộng và ảnh hưởng lớn nên cần có những chính sách hỗ trợ nhằm thu hút được vốn rẻ từ quốc tế, nhưng vẫn đảm bảo phòng chống rủi ro khi nguồn vốn nóng ồ ạt vào và ra khỏi thị trường.