Á Mỹ Gia: vốn điều lệ 15 tỷ đồng, bán với giá 1.823,6 tỷ đồng
Ngày 30/3/2017, Earth Chemical - một tập đoàn đa ngành của Nhật Bản có thông báo mua lại 100% vốn của Công ty cổ phần Á Mỹ Gia (AMG) từ 7 cổ đông, hiện đều đang làm quản lý cao cấp tại Công ty, với mức giá 1.823,6 tỷ đồng. Thương vụ dự kiến hoàn tất trong tháng 5/2017.
Mức giá trên gây bất ngờ cho nhiều người khi AMG là doanh nghiệp có vốn điều lệ 15 tỷ đồng.
Do không phải là công ty niêm yết hay đăng ký giao dịch nên thông tin về AMG chỉ lấy được từ thông báo của Earth Chemical. Theo đó, AMG được thành lập tháng 7/2006, với vốn điều lệ được duy trì là 15 tỷ đồng.
Trong 2 năm 2014, 2015, Công ty lần lượt đạt doanh thu 329 tỷ đồng và 351 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt tương ứng là 31,939 tỷ đồng và 36,993 tỷ đồng. Giá trị tài sản ròng mỗi cổ phiếu tại ngày kết thúc năm 2015 là 27.852 đồng.
Chưa rõ năm 2016, AMG có đột biến về hoạt động kinh doanh hay không, nhưng nếu giả định hiệu quả kinh doanh duy trì tăng trưởng như năm 2015, tức gần 16%/năm, thì lợi nhuận năm 2016 của Công ty đạt xấp xỉ 43 tỷ đồng, tương đương thu nhập trên mỗi cổ phiếu đạt 36.840 đồng. Giả định AMG giữ mức chia cổ tức xấp xỉ 80% tổng lợi nhuận như giai đoạn trước, thì giá trị tài sản ròng mỗi cổ phiếu AMG tại thời điểm Earth Chemical ra thông báo mua ở mức xấp xỉ 33.000 đồng.
Như vậy, Earth Chemical sẽ mua AMG với giá có thể tương đương với mức định giá P/B khoảng 121.573 đồng/cổ phiếu, tương đương các chỉ số P/E (với giả định giữ nguyên tăng trưởng 15% năm 2015) xấp xỉ 33 lần, P/B xấp xỉ 36,8 lần.
Nếu giả định năm 2016, AMG không tăng trưởng về hiệu quả kinh doanh và giữ nguyên các chỉ số về doanh thu, lợi nhuận, cổ tức như năm 2015, thì P/E của AMG xấp xỉ 49,3 lần, P/B xấp xỉ 37,4 lần.
Với thương vụ trên, sau hơn 10 năm hoạt động, quy mô vốn góp ban đầu 15 tỷ đồng không chỉ mang lại nguồn cổ tức lớn cho 7 cổ đông AMG (17.000 đồng/cổ phiếu năm 2014, 20.000 đồng/cổ phiếu năm 2015) mà còn mang lại khoản thu nhập từ thoái vốn lên tới 1.823,6 tỷ đồng.
Sức hút ngành hàng tiêu dùng Việt
Trong thông báo phát ra của Earth Chemical về lý do đầu tư vào AMG, ngoài cùng yếu tố ngành hàng, việc tận dụng được chuỗi phân phối của AMG là yếu tố đặc biệt quan trọng giúp Earth Chemical thực hiện tham vọng phát triển thị trường tại khu vực tiểu vùng sông Mê Kông.
Bỏ ra 1.823,6 tỷ đồng để mua AMG cho thấy đánh giá rất cao của Earth Chemical với ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Trước đó, trong lĩnh vực tiêu dùng Việt Nam đã diễn ra nhiều thương vụ M&A lớn mà bên mua là doanh nghiệp nước ngoài.
Chẳng hạn, năm 2011, Unicharm mua lại Diana với mức định giá khoảng 4.000 tỷ đồng, khi công ty này có doanh thu 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận 40 tỷ đồng vào năm liền trước, tương ứng mức định giá 4 lần doanh thu, 100 lần lợi nhuận.
Cũng trong năm 2011, Marico mua lại ICP - đơn vị sở hữu thương hiệu X-men với mức định giá Công ty khoảng 70 triệu USD, khi công ty này có doanh thu 400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 12 tỷ đồng năm 2010. Giao dịch này tương đương định giá khoảng 3,5 lần doanh thu và 100 lần lợi nhuận Công ty năm liền trước.
Một thương vụ khác trong năm 2011 là KKR mua cổ phần tại Masan Consumer, với định giá Công ty ở mức 5 lần doanh thu.
Thực tế cho thấy, cả KKR, Marico, Unicharm đều đã không sai lầm khi quyết định chi ra số tiền lớn. Các doanh nghiệp đều tăng trưởng mạnh sau khi có sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược. Earth Chemical có thành công như những người đi trước không, câu trả lời còn ở tương lai.
Tuy nhiên, để được định giá cao trong mắt nhà đầu tư ngoại, kênh phân phối, vị thế trong ngành hàng là yếu tố được đánh giá rất cao. Diana được biết đến với thương hiệu băng vệ sinh, tã giấy; ICP có nhãn hàng X-men; Masan Consumer phổ biến với hàng loạt nhãn hiệu thực phẩm mì ăn liền, nước chấm; AMG nổi tiếng với thương hiệu GIFT cho các nhóm mục sản phẩm nước rửa vệ sinh, xịt phòng.
Trong khi các nhà đầu tư ngoại săn lùng doanh nghiệp để M&A thì thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn quẩn quanh với định giá cổ phiếu P/E, P/B, với thanh khoản ở mức ổn định. Quan điểm đánh giá khác biệt, chế độ hạch toán kế toán hiện hành khiến doanh nghiệp nội khó lòng dám mua doanh nghiệp có lợi thế thương mại lớn nếu muốn duy trì kết quả kinh doanh có lãi đã vô tình tạo nên sức ép và cản trở động lực M&A của doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp niêm yết.