Sôi động
Để nói về những ngày giao dịch vừa qua trên thị trường chứng khoán phái sinh, có thể nhìn lại tuần giao dịch từ ngày 3/2 tới ngày 8/2.
Ở tuần giao dịch sau kỳ nghỉ Tết nói trên, khi hàm lượng tin tức xấu về dịch Covid-19 tại Trung Quốc gia tăng một cách nhanh chóng, thị trường chứng khoán thế giới đã phản ứng rất tiêu cực với những thông tin này. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng vậy.
Trên thị trường phái sinh, khối lượng hợp đồng giao dịch đột ngột gia tăng từ mức 106.211 hợp đồng trong ngày đi làm đầu tiên sau Tết lên mức 184.373 hợp đồng trong ngày đầu tiên của tuần giao dịch tiếp theo (ngày 3/2). Đỉnh điểm, ngày 4/2 số lượng hợp đồng giao dịch lên tới mức kỷ lục là 195.328 hợp đồng.
Tổng cộng trong tuần 3-7/2 đã có 787.000 hợp đồng được giao dịch. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày có tới gần 160.000 hợp đồng được giao dịch.
Nhìn lại những phiên giao dịch cho tới thời điểm này của tuần, có thể thấy dường như diễn biến trên đang được lặp lại. Đây là điều có thể lý giải được, bởi liên tiếp những ngày vừa qua, các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế liên tục đưa ra những thông tin đáng quan ngại về sự lây lan trên phạm vi toàn cầu của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là tại Hàn Quốc và châu Âu - những đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam hiện nay.
Thống kê của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, nếu như trong ngày thứ Hai (24/2) số lượng hợp đồng phái sinh được giao dịch đứng ở mức 128.976 hợp đồng, tăng 14% so với phiên giao dịch trước đó, thì hôm thứ Ba (25/2) số lượng hợp đồng giao dịch tăng 26% so với ngày thứ Hai. Tiếp đó, trong phiên giao dịch ngày hôm qua, đã có 180.593 hợp đồng được giao dịch, tăng hơn 17.000 hợp đồng so với ngày trước đó.
Tính ra, trong 3 ngày đầu tiên của tuần này, trung bình mỗi ngày có 157.615 hợp đồng được giao dịch, tương đương với trung bình ngày của tuần giao dịch sau Tết đã nói ở trên.
Kết thúc phiên giao dịch sáng nay, đã có xấp xỉ 73.000 hợp đồng được giao dịch, trong bối cảnh chỉ số VN30-Index giảm điểm ở phần lớn thời gian trong phiên và chỉ xanh trở lại ở thời điểm đóng cửa, tăng chưa tới nửa điểm so với lúc thị trường mở cửa phiên giao dịch hôm nay. Điều này phản ánh sự thiếu tin tưởng của nhà đầu tư vào diễn biến tích cực của thị trường tại thời điểm hiện nay và nó tạo ra những cơ hội nhất định cho nhà đầu tư chứng khoán phái sinh.
Thị trường có đánh giá thấp nguy cơ lây lan của Covid-19?
Giới phân tích chứng khoán cho rằng, những diễn biến tiếp theo của thị trường chứng khoán phụ thuộc phần lớn vào việc dịch Covid 19 có tiếp tục bùng phát ra các quốc gia khác hay không và hiệu quả của việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh này ở các quốc gia đang có dịch.
Theo đánh giá của các học giả tại Oxford Economics, nếu sự bùng phát của dịch Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, nền kinh tế thế giới có thể thiệt hại 1.000 tỷ USD, cùng với đó là sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ và khu vực đồng tiền chung Cchâu Âu.
“Một đại dịch trong phạm vi châu Á sẽ gây thiệt hại 400 tỷ USD trong GDP toàn cầu năm 2020”, Oxford Economics ước tính.
Cho tới nay các biện pháp ngăn chặn virus tại Trung Quốc có vẻ đang có tác dụng, điều đó khiến các doanh nghiệp có lý do để lạc quan - theo John Stopford, quản lý quỹ tại Investec Asset Management.
“Có nhiều quan điểm cho rằng những tác động này chỉ là ngắn hạn và phần lớn sẽ được phục hồi”, ông này nói thêm.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cảnh báo việc sản xuất đình trệ kéo dài tại Trung Quốc hoặc số lượng các ca nhiễm bệnh trên toàn cầu tăng lên có thể gây ra sự trì trệ dài hơn.
“Càng kéo dài, hậu quả sẽ càng nghiêm trọng hơn. Nếu Trung Quốc ngừng sản xuất trong 2 quý thì tác động tới các doanh nghiệp sẽ càng lớn hơn”.
Khi các thị trường chứng khoán bắt đầu giao dịch trong khoảng thời gian diễn ra dịch Covid-19, các nhà đầu tư vẫn không tính đến những rủi ro liên quan tới đại dịch này - theo Alastair George, nhà đầu tư chiến lược tại Edison Investment Research.
“Chúng tôi tin rằng thị trường đang đánh giá thấp nguy cơ lây lan của dịch Covid-19 sang các quốc gia khác cũng như tác động của các biện pháp kiểm soát dịch”.
Nguy cơ sẽ càng trầm trọng bởi thực tế việc định giá tại thị trường chứng khoán ở Mỹ và châu Âu đang ở mức cao, theo George.
Peter Oppenheimer - chiến lược gia tại Goldman Sachs - cũng đưa ra cảnh báo rằng giá cổ phiếu có thể không phản ánh tác động tiềm ẩn của dịch Covid-19 lên lợi nhuận của các công ty.