Thêm 3 DN vào nhóm 1
Theo con số được công bố, năm 2012, chỉ có 9 DN thuộc nhóm 1, có tới 19 DN thuộc nhóm 2. Nhóm 3 không có DN nào. Nhóm 4 là VASS (nhóm 4 là DN bảo hiểm mất khả năng thanh toán và bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt).
Cơ quan quản lý cho biết, kết quả xếp loại DN bảo hiểm năm 2013 được dựa trên các tiêu chí như sau: Nhóm 1 (lãi hoạt động kinh doanh bảo hiểm 2 năm liên tục, đảm bảo biên khả năng thanh toán); Nhóm 2 (hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc không có lãi trong 2 năm liên tục, đảm bảo biên khả năng thanh toán); Nhóm 3 (có nguy cơ không đảm bảo khả năng thanh toán).
Riêng với VASS, tính đến 31/12/2013, VASS không đảm bảo khả năng thanh toán, biên khả năng thanh toán của Công ty thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu. Do đó, Bộ Tài chính đang tiếp tục theo dõi, đôn đốc để đảm bảo tiến độ góp vốn theo đề án của VASS đã được Bộ này chấp thuận.
Giống như năm trước, ngoài VASS thì tên tuổi các DN bảo hiểm phi nhân thọ cụ thể cho từng nhóm phân loại chưa được Bộ Tài chính công bố trong báo cáo năm nay. Đồng thời, cũng không công bố rõ tiêu chí đánh giá “2 năm liên tục” ở đây được áp dụng vào khoảng thời gian nào: 2011 - 2012 hay 2012 - 2013?
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ĐTCK thì kết quả phân loại năm 2013 được tính trên cơ sở kết quả hoạt động kinh doanh của DN bảo hiểm trong 2 năm liên tục 2011 - 2012. Đồng thời, căn cứ vào số liệu của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, các DN có hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc không có lãi trong 2 năm liên tục 2011 - 2012 và thuộc Nhóm 2 bao gồm: BIC, Bảo Ngân, QBE, BHV, Phú Hưng, Fubon, Xuân Thành, ACE, AAA, Liberty, AIG , GIC, Hàng Không, Bảo Long, SVIC và Cathay.
Nhóm có lãi và được xếp vào Nhóm 1 là các đơn vị: Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI, Bảo Minh, PJICO, PTI, MIC, ABIC, Samsung Vina, BVTM, UIC, MSIG, Groupama.
Thế nhưng…
Có thể thấy, mấy năm gần đây, đa số DN bảo hiểm phi nhân thọ đã chú trọng hơn tới hiệu quả khai thác nghiệp vụ, nói "không” với tăng trưởng nóng về doanh thu, hướng tới tăng trưởng bền vững. Động thái trên ngoài xuất phát từ nhu cầu tự thân của DN trước áp lực của cổ đông hay từ cơ quan quản lý sau nhiều năm DN thua lỗ về kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm, thì còn bởi muốn có vị trí “đẹp” trong xếp hạng DN bảo hiểm. Chưa bao giờ áp lực có lãi nghiệp vụ lại làm đau đầu Ban điều hành DN đến thế, nhất là sau khi có quyết định phân loại DN bảo hiểm theo chủ trương của Chính phủ.
Số DN bảo hiểm thuộc nhóm 1 đã tăng thêm 3 công ty (từ 9 tăng lên 12) trong báo cáo xếp loại năm 2013. Mặc dù vậy, số lãi tại một số DN còn khá khiêm tốn, ngoài những DN quen thuộc là PVI, Bảo Việt, Samsung Vina. Tại một vài DN, số lãi nghiệp vụ chỉ đơn giản là 1 con số dương.
Đồng thời, đến năm 2013, theo con số của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm ghi nhận từ báo cáo của các DN gửi lên thì số DN lỗ từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm lại tăng lên, chiếm trên 50% (15/29 DN), trong khi năm 2012 có 13/29 DN bảo hiểm lỗ. Nguyên nhân lỗ nghiệp vụ chủ yếu vẫn là do tồn tại hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN (giảm phí bảo hiểm, mở rộng điều khoản, điều kiện bảo hiểm…). Trở lại với báo cáo xếp loại vừa được công bố, ngoài khối phi nhân thọ thì ở khối tái bảo hiểm (các DN được công bố cụ thể thứ hạng), PVI Re là DN tái bảo hiểm duy nhất bị xếp ở nhóm 2, trong khi Vinare xếp ở nhóm 1.
Chia sẻ với ĐTCK, lãnh đạo PVI Re cho biết, Công ty rơi vào nhóm 2 là do việc xếp loại dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh năm 2011 - 2012, đúng vào thời điểm PVI Re mới thành lập, sau khi tách ra hoạt động độc lập từ PVI Holdings. Nếu căn cứ vào số liệu năm 2012 - 2013 thì PVI Re sẽ có mặt trong nhóm 1.