Thấy gì từ giá chuyển đổi không thấp hơn 62.000 đồng/cổ phiếu từ deal trái phiếu của Đất Xanh (DXG)?

Thấy gì từ giá chuyển đổi không thấp hơn 62.000 đồng/cổ phiếu từ deal trái phiếu của Đất Xanh (DXG)?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại sao trái chủ lại phải mua trái phiếu chuyển đổi ở thời điểm hiện tại để rồi sau 5 năm mới chuyển đổi thành cổ phiếu với giá tối thiểu 62.000 đồng/cổ phiếu, trong khi có thể mua ngay ở thời điểm này với thị giá DXG dao động khoảng 46.500 đồng/cổ phiếu?

Đây là thắc mắc của không ít nhà đầu tư trước thông tin mới nhất của Tập đoàn Đất Xanh (DXG) công bố sáng nay về gói trái phiếu 300 triệu USD cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Theo công bố thông tin, đây là trái phiếu chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, kỳ hạn 5 năm, các thông tin về lãi suất trái phiếu, cũng như điều khoản về quyền chuyển đổi là bắt buộc; hay trái chủ có lựa chọn chuyển đổi hoặc không chuyển đổi vào cuối kỳ– chưa được công bố chi tiết.

Đáng chú ý, Hội đồng quản trị DXG sẽ nghiên cứu và kiến nghị mức giá chuyển đổi cụ thể, trình Đại hội đồng cổ đông gần nhất xem xét thông qua nhưng không thấp hơn 62.000 đồng/cổ phiếu.

Với mức giá chuyển đổi tối thiểu này, tương đương giá trị vốn hóa DXG ít nhất khoảng 37.667 tỷ đồng, dường như các trái chủ đang kỳ vọng vào sự tăng trưởng vượt trội của DXG sẽ đột phá trong các năm tiếp theo.

Xét về góc độ thông tin, rõ ràng có tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư, bởi mức giá chuyển đổi cao hơn thị giá hiện nay hơn 33% mà tới tận 5 năm sau mới được chuyển đổi - tức ở góc độ nào đó, trái chủ mua CB (convertible bond) định giá giá trị DXG sau 5 nữa với giá rất cao. Giả định sau 5 năm mới chuyển đổi mà giá dưới 62.000 đồng/cổ phiếu, thì trái chủ mua trái phiếu chuyển đổi xem như lãi mỗi năm đúng bằng lãi suất trái phiếu, hoặc thậm chí là bị lỗ nếu quy định trái phiếu bắt buộc chuyển đổi.

Nhưng đáng ngạc nhiên rằng, theo thông tin từ nhóm đang thực hiện deal trái phiếu này cho biết, thậm chí sau khi thương lượng với nhà đầu tư, có thể có mức premium so với giá giao dịch hiện nay lên đến 41%.

Theo đó, nếu deal này hoàn tất như kỳ vọng, có thể nói là deal trái phiếu đầu tiên đạt được mức premium cao như vậy, cao hơn cả các ông lớn thường huy động trái phiếu quốc tế như Vingroup, hay Novaland…

Tham khảo nhiều nhân vật thường xuyên làm deal trái phiếu chia sẻ, thông thường, trái chủ mua CB có khẩu vị rủi ro cao do không có tài sản đảm bảo và lãi suất thấp, nên thông thường khi mua CB họ muốn chuyển đổi sang cổ phiếu khi đáo hạn. Để tăng khả năng thành công trong deal này phải xác định được giá chuyển đổi đủ hấp dẫn, nhưng nếu cao quá (vượt tiềm năng tăng trưởng của tổ chức phát hành) thì cũng khó thực hiện. Mức tỷ suất sinh lời mục tiêu tối thiểu là 20%/năm.

Nếu tính vo dựa trên các con số kỳ vọng trên, trái phiếu DXG có kỳ hạn 5 năm, với kỳ vọng sinh lợi 20%/năm, thì các trái chủ chấp nhận mua DXG định giá cổ phiếu này vào khoảng 200.000 đồng/cp sau 5 năm, gấp 4,3 lần thị giá hiện nay.

Nhớ lại trong buổi chia sẻ với nhà đầu tư, bằng những dự án sắp bàn giao, các dự án sắp triển khai, cũng như mở khóa ở nhiều dự án tiềm năng, lãnh đạo Đất Xanh tự tin với mục tiêu vốn hóa 2 tỷ USD trong năm nay. Với mức vốn hóa này, tính ra thị giá cổ phiếu cũng tương đương vùng 7x.

Theo đó, nhiều nhà đầu tư cho rằng, nghe thì vô lý, nhưng nếu Đất Xanh có thể đạt được những kế hoạch trên của mình thì có khi giá 7x là “giá hời”.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, nếu Đất Xanh có thể phát hành thành công 300 triệu USD cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam nói chung, cũng như năng lực và tiềm năng của Đất Xanh nói riêng.

Hơn nữa, với kết quả xếp hạng tín nhiệm nợ dài hạn bằng ngoại tệ (IDR) của Tập đoàn Đất Xanh ở mức B với triển vọng ổn định từ Fitch Ratings, xếp hạng B2 từ Moody’s - tiền đề quan trọng để Đất Xanh có thể bước chân vào thị trường huy động vốn quốc tế.

Bên cạnh đó, thành công trong deal trái phiếu này, ngoài việc có thêm nguồn vốn để phục vụ cho phát triển các dự án trọng điểm, gia tăng quỹ đất thì còn góp phần làm cho cấu trúc nợ vay của Đất Xanh khỏe mạnh hơn khi tỷ trọng nợ trung dài hạn tăng lên đáng kể.

Theo chia sẻ từ lãnh đạo Đất Xanh trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư tháng 3 vừa qua, khoản vay chuyển đổi là một trong các chiến lược đa dạng hóa cơ cấu nguồn vốn của Tập đoàn, giúp công ty bổ sung nguồn vốn dài hạn, lãi suất tốt, qua đó tạo lợi thế cạnh tranh. Tuy tích cực mở rộng quỹ đất nhưng ban lãnh đạo của DXG khẳng định mục tiêu duy trì nợ vay ở mức thấp để đảm bảo sức khỏe tài chính lành mạnh, bền vững.

Về danh mục dự án, hiện DXG có khoảng 29 dự án, với tổng quỹ đất lên đến 4.1000 ha, chiếm tỷ trọng lớn ở khu vực miền Trung và miền Nam.

Theo chiến lược giai đoạn 2021-2030 của DXG, có 5 mục tiêu chính là đa dạng ngành nghề nhằm đa dạng hoá hoạt động kinh doanh, quản trị rủi ro, tăng tính bền vững nhưng vẫn xoay quanh giá trị cốt lõi là bất động sản. Đồng thời, phải tạo doanh thu bền vững (recurring income), tức không chỉ bán dự án và ghi nhận doanh thu một lần (one off) là xong, mà tạo sự ổn định bằng cách nâng recurring income chiếm tỷ trọng tối thiểu 50%.

Trong 3 năm tới (2022-2024) doanh thu, lợi nhuận của Đất Xanh được các công ty chứng khoán dự báo sẽ tăng mạnh từ một số dự án trọng điểm đang được Tập đoàn đẩy mạnh triển khai và bàn giao.

Nhiều khả năng, với bức tranh triển vọng tăng trưởng trở nên rõ ràng, cũng như những thông tin có thể đong đếm được về quỹ đất, về khả năng mở bán mới, cũng như điểm rơi hạch toán doanh thu, lợi nhuận… là những yếu tố quan trọng để trái chủ đặt niềm tin vào tăng trưởng của Đất Xanh trong tương lai, qua đó mạnh dạn tham gia deal trái phiếu với giá chuyển đổi đầy bất ngờ trên.

Tin bài liên quan