Thấy gì từ dự toán ngân sách năm 2023?

0:00 / 0:00
0:00
Theo dự toán ngân sách năm 2023, tổng thu ngân sách chỉ tăng không đáng kể, song tổng chi ngân sách sẽ tăng khá cao so với thực hiện năm 2022.
Thấy gì từ dự toán ngân sách năm 2023?

Thu ngân sách

Theo dự toán năm 2023, tổng thu ngân sách là 1.620.700 tỷ đồng. Theo đó, có một số điểm đáng lưu ý.

Thứ nhất, về quy mô tuyệt đối, tổng thu theo dự toán năm 2023 cao hơn tổng thu ước tính 1.614.100 tỷ đồng của năm 2022, nhưng với tốc độ tăng rất thấp (chưa được 0,41%).

Dự toán tăng thấp thể hiện sự thận trọng của các nhà hoạch định chính sách vĩ mô để tránh việc thực hiện không đạt được dự toán sẽ phá vỡ nhiều quan hệ kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, tỷ lệ động viên tài chính thấp xuống. Từ dự kiến kế hoạch năm 2023, bội chi là 460.500 tỷ đồng, bằng 4,47% GDP, suy ra GDP đạt 10,3 triệu tỷ đồng. Theo đó, tổng thu ngân sách/GDP đạt gần 15,7% - thấp khá xa so với nhiều năm trước (2010 là 21,9%, 2015 là 19,8%, 2019 là 20,2%, 2020 là 18,8%, 2021 là 18,5%, 9 tháng 2022 là 19,4%). Tỷ lệ này cũng thấp hơn tỷ lệ theo kế hoạch 2021-2025 (≥16%) và 2026-2030 (16-17%).

Diễn biến trên chứng tỏ 3 điều.

Một là, tỷ lệ thu ngân sách/GDP 9 tháng 2022 cao có một phần do chi phí sản xuất tăng cao. Giá nhập khẩu 9 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng 10,86%, giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 6%, giá vận tải, kho bãi tăng 8,01%, trong khi giá sản xuất chỉ tăng 3,05%, giá tiêu dùng chỉ tăng 2,73% (10 tháng tăng 2,89%)… Giá đầu vào tăng cao, nhưng giá đầu ra tăng thấp hơn, đã làm cho chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận giảm.

Hai là, từ năm 2022 trở về trước, tỷ lệ thu ngân sách/GDP cao đã góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu (thấp hơn 4%); dự kiến kế hoạch năm 2023 đã thể hiện rõ hơn, sớm hơn việc “khoan thư sức dân”, một chủ trương đúng đắn và cần thiết vào lúc này.

Ba là, thể hiện chủ trương kích cầu, với nhiều giải pháp cụ thể về tiền lương, giá cả, cấp bù lãi suất cho tín dụng đầu tư (năm 2022 còn ít, còn chậm, nên dồn nhiều hơn vào năm 2023).

Chi và bội chi ngân sách

Tổng chi ngân sách tăng cao, với một số điểm đáng lưu ý.

So với ước thực hiện 2022, dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2023 tăng khá cao (15% so với 2,9%).

Về tỷ lệ so với GDP năm 2023, chi ngân sách cao hơn thu ngân sách (gần 19,1% so với gần 14,9%).

Chi đầu tư phát triển dự toán năm 2023 chiếm 33,6% tổng chi. Đây là tỷ trọng rất cao so với năm trước (27,3%), so với dự toán năm 2022 (29,5%) và thực hiện trong 9 tháng 2022 (23,3%).

Về quy mô tuyệt đối, dự toán năm 2023 lên đến 696.700 tỷ đồng, tăng 32,4% so với dự toán năm 2022. Việc tăng và tỷ trọng cao của chi đầu tư phát triển là tiền đề của tốc độ tăng trưởng GDP theo kế hoạch năm 2023 (6,5%), song đây cũng là yếu tố dễ gây bất ổn cho cân đối kinh tế vĩ mô (như tiềm ẩn của lạm phát, tăng nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia).

Vấn đề đặt ra là phải nâng cao hiệu quả đầu tư, tức là giảm Hệ số Hiệu quả sử dụng vốn (ICOR). Hệ số này sau 2 năm ở mức rất cao (2020 là 14,2 lần, 2021 là 15,5 lần), năm 2022 có thể giảm xuống dưới 6 lần, nên năm 2023 cần giảm hơn nữa.

Do tổng chi ngân sách dự toán năm 2023 có quy mô và tốc độ tăng lớn hơn tổng thu, nên bội chi dự toán năm 2023 có quy mô lớn và chiếm tỷ lệ khá cao so với GDP.

Về lý thuyết, khi nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài còn cao, nếu tỷ lệ vốn đầu tư phát triển xã hội/GDP cao hơn tỷ lệ tích lũy/GDP, thì nguy hiểm, là nguy cơ tiềm ẩn cho các khoản nợ trên tiếp tục tăng.

Tăng trưởng kinh tế cao là hết sức cần thiết, bởi dù năm 2022 có tăng 8%, thì 2 năm đầu kế hoạch 2021-2025 mới tăng 10,76% (bình quân 1 năm mới tăng 5,24%), trong khi mục tiêu 2021-2025 đề ra là tăng 37-40,3% (bình quân tăng 6,5-7%/năm), đòi hỏi 3 năm còn lại phải tăng 23,7-26,67% (hay tăng bình quân 7,34-8,2%/năm).

Đó là những tốc độ tăng rất cao, không dễ đạt được. Nhưng nếu không đạt được thì một lần nữa sẽ bị lỡ hẹn với mục tiêu có công nghiệp theo hướng hiện đại và chưa thực hiện được mục tiêu ra khỏi nhóm nước thu nhập trung bình thấp.

Tuy nhiên, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế mới tạo tiền đề cho phát triển bền vững, bởi việc đạt được mục đích không phải là sự phát triển với tốc độ cao trong ngày hôm nay, mà ở sự phát triển lâu dài, với tốc độ tăng bền vững.

Tin bài liên quan