Báo cáo tập đoàn mẹ Petrovietnam về hoạt động sản xuất - kinh doanh, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, mã PET) cho biết, thị trường chậm và thanh khoản kém, các sản phẩm công nghệ đang giảm giá rất mạnh, sức mua thấp do lượng hàng tồn trên thị trường còn khá lớn. Các đại lý chủ yếu tập trung xử lý tồn đọng của năm 2022 như tồn kho, công nợ, lấy hàng gửi kho... và hạn chế việc nhập thêm hàng mới.
Thị trường điện thoại thông minh toàn cầu đang chịu áp lực từ cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, sức mua của người tiêu dùng giảm.
Sản phẩm mới ra mắt của hãng Samsung như Samsung S23 Ultra ghi nhận số lượng đặt hàng trước khá thấp, vừa ra mắt nhiều cửa hàng đã giảm giá mạnh. Tuy vậy, sức mua từ thị trường vẫn không đạt kỳ vọng. Ngay sản phẩm Iphone 14 của Apple, giá cũng giảm sâu kể từ sau Tết Nguyên đán 2023, diễn biến này được nhận định là chưa có tiền lệ trong vòng đời của sản phẩm.
Trong 3 tháng đầu năm, Petrosetco ghi nhận doanh thu thuần 4.246 tỷ đồng, lãi ròng 40 tỷ đồng, giảm tương ứng 12% và 55% so với cùng kỳ.
Cuộc chiến giảm giá hàng công nghệ cũng kéo lùi hiệu quả kinh doanh của Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT). Quý I/2023, FPT Retail ghi nhận doanh thu gần như đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 7.753 tỷ đồng. Doanh thu của chuỗi FPT Shop đạt 4.513 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ, với rất nhiều nỗ lực giữ thị phần của Công ty. Lãi sau thuế giảm tới 99% so với cùng kỳ, chỉ đạt 2 tỷ đồng.
“Chuỗi FPT Shop liên tục chịu ảnh hưởng xấu từ áp lực giảm cầu, cạnh tranh trên thị trường buộc Công ty phải đưa ra nhiều chính sách giảm giá, khuyến mại nhằm kích cầu cho các sản phẩm điện tử, đặc biệt là sản phẩm Apple”, lãnh đạo FPT Retail chia sẻ.
Được cho là nhân tố “châm ngòi” cho cuộc chiến giảm giá trên thị trường ICT, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã MWG) báo cáo kết quả kinh doanh quý I thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Theo đó, doanh thu của MWG đạt hơn 27.105 tỷ đồng, giảm 28% so cùng kỳ năm ngoái. Dù các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp được tiết giảm 19%, nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty này vẫn giảm gần 99%, chỉ còn hơn 21 tỷ đồng.
Trong đó, chuỗi Thegioididong.com và Điện Máy Xanh đã giảm 34% doanh thu so với cùng kỳ. Theo báo cáo, doanh thu của hầu hết sản phẩm điện thoại và điện máy đều giảm từ 25 - 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, máy tính bảng, máy tính xách tay giảm khoảng 40 - 50%.
Cuộc chiến này sẽ đi về đâu? Lãnh đạo Petrosetco nhận định, hiện ngành bán lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro trước xu hướng kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái cục bộ, ngắn hạn. Đặc biệt là giá hàng hóa, lãi suất, tỷ giá trước xu hướng lạm phát toàn cầu tăng cao và chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu.
Các sản phẩm không thiết yếu ở phân khúc trung cấp, đặc biệt là các thiết bị công nghệ ICT như thiết bị điện tử, laptop, điện thoại smartphone vốn được hưởng lợi từ nhu cầu bị dồn nén, có thể bị suy giảm tiêu thụ nặng nề trong bối cảnh kinh tế suy thoái và chính sách tiền tệ thắt chặt, ngân sách hộ gia đình bị thu hẹp, gây áp lực lên nhu cầu tiêu dùng.
Cuộc chiến giá chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam khiến bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch FPT Retail phải thốt lên: “Giá Iphone tại Việt Nam đang rẻ nhất thế giới. Dĩ nhiên, trong quá trình thị trường khó khăn, sẽ có “đánh nhau” giành thị phần, nhưng về lâu dài chỉ cùng kéo nhau xuống”.
Dù cho rằng cuộc chiến về giá không phải là bài toán hay, nhưng chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên 2023 của FPT Retail, bà Điệp thừa nhận: “Trong ngắn hạn, thị trường hạ, chúng tôi cũng sẽ hạ để bán được hàng”.
Dưới góc nhìn của một số nhà đầu tư chuyên nghiệp, cuộc chạy đua về giá của các “ông lớn” bán lẻ có thể mang màu sắc toan tính khác.
“Khi các doanh nghiệp nhỏ bị đánh bại khỏi cuộc chơi, thị trường đảo chiều trở lại, ai sẽ giành phần thắng? Đây không hẳn là trò chơi bằng 0”, một chuyên viên phụ trách danh mục đầu tư của Dragon Capital nhận định.