Trong quý IV, có tới 215 mã chứng khoán bị cắt margin trên 2 sàn niêm yết

Trong quý IV, có tới 215 mã chứng khoán bị cắt margin trên 2 sàn niêm yết

Thấy gì từ cổ phiếu bị cắt margin?

(ĐTCK) Trong danh sách cổ phiếu bị cấm margin quý IV/2017 được các sở giao dịch chứng khoán (GDCK) công bố mới đây, có không ít doanh nghiệp đang kinh doanh hiệu quả. Điều này vô hình chung ảnh hưởng tiêu cực đến thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

215 mã chứng khoán bị cắt margin

Thông báo từ Sở GDCK TP.HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho thấy, có tổng cộng 215 mã chứng khoán niêm yết không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) trong quý IV/2017. Đáng chú ý, có nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp dù kinh doanh tốt, nhưng vẫn bị cắt margin chỉ vì những lỗi không đáng có như vi phạm thuế, chậm công bố báo cáo tài chính, chưa đủ thời gian niêm yết theo quy định...

HOSE có 86 cổ phiếu nằm trong danh sách này, trong đó có nhiều tên tuổi như Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (BHN), CTCP Nhà Từ Liêm (NTL), CTCP Dược phẩm Traphaco (TRA), CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH)...

HOSE cho biết, đây là những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả. Việc đưa các cổ phiếu này vào danh sách cấm margin chỉ bởi lỗi vi phạm thuế là điều bất đắc dĩ. Trước đó, các sở đã tạm dừng thực hiện cắt margin đối với một số doanh nghiệp để chờ xin ý kiến hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).

Cụ thể, HOSE đã kiến nghị UBCK xem xét sửa đổi quy định theo hướng phân loại các vi phạm, không áp dụng với những vi phạm về thuế với giá trị nhỏ, vi phạm không cố ý và có tính khách quan do nhận thức khác nhau về quy định thuế giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế… Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, hiện UBCK đang sửa đổi lại một số quy định về nhóm cổ phiếu cấm margin do vi phạm về thuế để phù hợp hơn với thị trường và nhiều khả năng sẽ áp dụng ngay trong tháng 10 này.

Tại HNX, trong tổng số 129 cổ phiếu nằm trong danh sách cấm
margin, có 19 cổ phiếu trong diện doanh nghiệp bị vi phạm thuế. Đáng chú ý, một số cổ phiếu đang có hiệu quả kinh doanh tốt như CTCP Khí hóa lỏng miền Nam (PGS), CTCP Dịch vụ hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS)...

Cần nhanh chóng thay đổi quy định về margin

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại Hà Nội chia sẻ, vẫn biết khi đưa ra biện pháp xử lý doanh nghiệp vi phạm, bản thân cơ quan quản lý đã hướng đến việc bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, nhưng khi áp dụng thì nên có cái nhìn thực tiễn hơn.

Cụ thể, nếu doanh nghiệp vi phạm thuế nhưng không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, mà chỉ đơn thuần bị nhắc nhở lần đầu, không cố tình vi phạm, trong khi đã có hướng khắc phục, thì việc cắt margin là không thật sự cần thiết. Trong trường hợp doanh nghiệp nợ thuế có dấu hiệu nghiêm trọng, xâm phạm đến lợi ích của các cổ đông, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực, thì không những bị cắt margin, mà phải áp dụng thêm các biện pháp xử lý mạnh hơn.

Việc các cổ phiếu rơi vào diện cảnh báo, kiểm soát, thậm chí ngừng giao dịch... bị cắt margin là điều không phải bàn cãi. Đáng chú ý, trong danh sách này, nhiều cổ phiếu có nhu cầu margin cao, nhưng vẫn bị cấm vì chưa đáp ứng thời gian niêm yết đủ 6 tháng theo quy định như cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng...

Xử lý bất cập cắt margin: Chuyên gia thuế khuyên hai điểm

Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần nhanh chóng thay đổi quy định về nhóm cổ phiếu được margin và nên để các công ty chứng khoán tự chủ hơn trong việc đưa ra danh mục cổ phiếu margin, bởi công ty chứng khoán là bên cung cấp dịch vụ và chịu rủi ro. Đặc biệt là trong vòng 2 năm trở lại đây, số lượng cổ phiếu của các doanh nghiệp quy mô lớn, đầu ngành lên sàn ngày càng nhiều và việc phải chờ đợi đủ thời gian 6 tháng mới được phép margin khiến nhu cầu giao dịch đối với những cổ phiếu này ít nhiều bị hạn chế.

Ngoài các lỗi về thuế hay không đủ thời gian niêm yết theo quy định, một số doanh nghiệp rơi vào danh sách cấm margin do chậm công bố thông tin báo cáo soát xét vài ngày so với quy định như trường hợp của CTCP Khoáng sản Á Châu (AMC), CTCP Sách thiết bị trường học Hà Tĩnh (HBE)...

Bản chất của việc cắt margin là để bảo vệ nhà đầu tư, cũng như chế tài đối với doanh nghiệp niêm yết vi phạm các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu bị cắt margin chỉ vì những lỗi không đáng có, dẫn đến hậu quả là giá cổ phiếu giảm mạnh, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thì cơ quan quản lý cần xem xét thay đổi.

Tin bài liên quan