Tình trạng biến động lợi nhuận sau soát xét của các DN vẫn khá phổ biến

Tình trạng biến động lợi nhuận sau soát xét của các DN vẫn khá phổ biến

Thấy gì từ báo cáo soát xét bán niên 2015?

(ĐTCK) Thống kê của Sở GDCK TP. HCM (HOSE) cho thấy, đến cuối tuần qua, đã có 127 DN niêm yết trên Sở công bố báo cáo tài chính bán niên 2015 sau soát xét. Dù số DN này mới chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trên sàn, nhưng cũng cho thấy, tình trạng chênh lệch lợi nhuận với báo cáo do DN tự lập vẫn khá phổ biến trong mùa công bố báo cáo soát xét năm nay.

Số lượng DN bị nhắc nhở giảm dần

Có một điểm tích cực đáng ghi nhận trong mùa công bố báo cáo soát xét năm nay, theo bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE, là các DN không có đơn vị thành viên về cơ bản đã thực hiện đúng nghĩa vụ nộp báo cáo soát xét.

Theo quy định, hạn nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên là 45 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính (tức ngày 15/8). Trường hợp DN niêm yết là công ty mẹ hoặc đơn vị kế toán cấp trên thì hạn công bố BCTC bán niên sau soát xét là 60 ngày (30/8). Bà Đào cho biết, đến ngày 19/8, Sở mới chỉ nhắc nhở 7 DN chậm nộp báo cáo soát xét bán niên như CAV, C21, ELC…; số lượng DN chậm nộp báo cáo đã giảm đáng kể so với cùng kỳ. Tình trạng chậm nộp báo cáo tài chính bán niên, theo ghi nhận ban đầu của HOSE, đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, bà Đào cũng lưu ý, trong kỳ lập báo cáo tài chính bán niên năm nay, nhiều DN niêm yết đã áp dụng chế độ kế toán ban hành theo Thông tư 200/2014/TT-BTC, mà không đợi đến kỳ kế toán năm, khi quy định bắt buộc phải áp dụng. Với nhiều quy định mới tại thông tư này, DN sẽ mất nhiều thời gian để điều chỉnh số liệu, nhất là đối với các DN có quy mô lớn, nhiều đơn vị thành viên.  

Nhiều DN biến động lợi nhuận sau soát xét

Dù số DN công bố báo cáo mới chỉ chiếm gần 1/3 số DN niêm yết trên HOSE, nhưng đang cho thấy, tình trạng biến động lợi nhuận sau soát xét vẫn khá phổ biến.

Sau soát xét, lợi nhuận của một số DN tăng mạnh. Chẳng hạn, CTCP Than Mông Dương – Vinacomin (MDC), doanh thu thuần 6 tháng đầu năm trên báo cáo soát xét vẫn giữ nguyên mức 812,3 tỷ đồng, nhưng khoản mục giá vốn hàng bán trong kỳ được điều chỉnh mạnh, giúp Công ty có lợi nhuận thuần 12 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với con số hơn 2 tỷ đồng trong báo cáo tự lập.

Ở chiều ngược lại, lợi nhuận của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF) giảm 4,6 tỷ đồng so với báo cáo trước soát xét, chỉ còn gần 5 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 48%, do doanh thu thuần và giá vốn của AGF giảm nhẹ, trong khi chi phí quản lý DN lại tăng tới 25% do AGF phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi và một số chi phí khác.

Hay CTCP MIRAE (KMR) chỉ còn đạt lợi nhuận gần 4 tỷ đồng theo báo cáo soát xét, giảm tới 40% so với con số trên báo cáo tài chính tự lập. Theo giải trình của KMR, nguyên nhân chênh lệch con số lợi nhuận trước và sau soát xét là do Công ty hạch toán tăng khoản mục thuế thu nhập DN thêm 2,6 tỷ đồng.

CTCP Hóa chất cơ bản miền Nam (CSV) cũng giảm tới hơn 11 tỷ đồng sau soát xét, từ 91,5 tỷ đồng xuống còn 80,3 tỷ đồng. Nguyên nhân là do chi phí trong kỳ tăng tương ứng gần 11 tỷ đồng.

Chênh lệch số liệu sau soát xét thậm chí còn khiến một số DN từ lãi sang lỗ. Cụ thể, CTCP Đầu tư xây dựng thương mại dầu khí - IDICO (PXL), việc điều chỉnh số liệu trích lập dự phòng làm tăng chi phí tài chính và chi phí quản lý DN lên hơn 10 tỷ đồng khiến PXL chuyển từ có lãi sang lỗ hơn 6,4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2015. Theo giải trình của PXL, nguyên nhân dẫn đến khoản chênh lệch lớn trên là do PXL phải trích lập dự phòng khoản đầu tư góp vốn vào CTCP Đầu tư và xây dựng dầu khí Phú Đạt số tiền 3,82 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên báo cáo soát xét, kiểm toán viên cũng ngoại trừ nhiều vấn đề. Cụ thể, tại ngày 30/6/2015, PVC-IC chưa thực hiện đối chiếu, nghiệm thu khối lượng hoàn thành trong kỳ để làm cơ sở cho việc ghi nhận giá trị công trình và công nợ tương ứng của Dự án Chung cư Huỳnh Tấn Phát, kiểm toán không thể thu thập được bằng chứng thích hợp xác định giá trị công trình và công nợ tương ứng của dự án này, do đó không có cơ sở để xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu này không… 

Sau soát xét, một số DN cũng ghi nhận số lỗ… lớn hơn. Đơn cử như CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR), sau soát xét, khoản lỗ 6 tháng đầu năm 2015 tăng từ 5,2 tỷ đồng lên 7 tỷ đồng, tức lỗ thêm 1,8 tỷ đồng. Giải trình về vấn đề này, PVR cho biết, Công ty được hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư PV2 và CTCP Khách sạn Dầu khí Lam Kinh 0,35 tỷ đồng, nhưng đồng thời phải trích lập thêm 2,18 tỷ đồng dự phòng cho khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư Xây lắp Dầu khí Việt Nam.

Nhiều DN không điều chỉnh con số lợi nhuận sau soát xét, nhưng lại điều chỉnh nhiều chỉ tiêu, do “chuẩn hóa” cách hạch toán theo chế độ kế toán mới. 

Tin bài liên quan