Các thành viên trên thị trường tiền tệ phải thấy được vị trí, trách nhiệm của mình đối với thị trường

Các thành viên trên thị trường tiền tệ phải thấy được vị trí, trách nhiệm của mình đối với thị trường

Thấy gì sau khó khăn của thị trường tiền tệ

(ĐTCK-online) Ngay sau những ngày nghỉ Tết vui vẻ, thị trường tiền tệ đã phải gánh chịu những “đợt sóng” chưa từng thấy khi tiền đồng khan hiếm, lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, lãi suất huy động và cho vay liên tục tăng. Mặc dù tình hình trên chỉ diễn ra trong hơn 10 ngày, nhưng cũng gây ra những thiệt hại nhất định cho các thành viên trên thị trường.

Tuy nhiên, điều này cũng mang lại những lợi ích nhất định, như: các cơ quan quản lý có cơ hội nhìn thấy rõ hơn tính thiếu bền vững của thị trường để có những biện pháp quản lý phù hợp; các ngân hàng thương mại (NHTM), các trung gian tài chính khác có được kinh nghiệm để đổi mới tư duy kinh doanh trong nền kinh tế hội nhập…

Về tính thiếu bền vững của thị trường, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận định: “Để xảy ra tình trạng khó khăn về thanh khoản, lỗi chính là từ các NHTM, chứ không phải do NHNN. Nhiều ngân hàng làm ăn theo lối “khôn lỏi”; mua vốn, bán vốn cho các doanh nghiệp, chụp giật trên thị trường tiền tệ”.

Điều đó bộc lộ sự yếu kém trong quản trị kinh doanh của một số NHTM, nó cũng thể hiện “tri thức kinh doanh” còn ở tầm thấp. Trên thực tế, trong những ngày bất ổn vừa qua, một số NHTM đã có những hành động phá vỡ mối liên kết của thị trường tiền tệ liên ngân hàng để chạy theo những lợi ích trước mắt bằng những khoản cho vay liên ngân hàng với lãi suất quá cao, tranh giành khách hàng của nhau bằng những biện pháp thiếu lành mạnh. Thực trạng này đặt ra vấn đề về việc cấp phép mở ngân hàng mới và mở thêm chi nhánh cho các NHTM ở một mức độ phù hợp, đồng thời xem xét lại tiêu chuẩn của các lãnh đạo NHTM.

Với tốc độ tăng trưởng tín dụng “ngoạn mục” trong tháng 1/2008 so với mức tăng trưởng tín dụng trong tháng 1 của những năm trước đó, khi mà NHNN đã phát tín hiệu sẽ thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt (như tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 1% từ tháng 2/2008), có thể thấy rằng, các NHTM đã “làm ngơ” trước chủ trương của NHNN. Dường như các NHTM không coi NHNN là người định hướng thị trường tiền tệ liên ngân hàng. Đây chính là mấu chốt của vấn đề, là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu tính thanh khoản của đồng nội tệ. Tình trạng này xảy ra là lời cảnh báo, là bài học cho các NHTM trong các quyết định chiến lược kinh doanh của mình. Các NHTM cần có cái nhìn đầy đủ hơn về vai trò và trách nhiệm của NHNN trên thị trường liên ngân hàng; NHNN có vai trò là người cho vay cuối cùng trên thị trường liên ngân hàng, chứ không phải là nơi cung cấp nguồn thanh khoản cho từng ngân hàng riêng lẻ khi mà nguồn vốn vẫn còn dư thừa ở ngân hàng khác.

Chính do các thành viên trên thị trường liên ngân hàng thiếu tính liên kết và có tư tưởng trông chờ quá lớn vào sự trợ giúp của NHNN nên đã lơ là việc quản lý khả năng thanh khoản của mình. Nếu các thành viên trên thị trường đều có cùng một nhận thức rằng, trách nhiệm của NHNN là kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, qua đó tạo môi truờng tốt, ổn định cho các NHTM kinh doanh và là người cầm lái trên thị trường tiền tệ; đồng thời, các NHTM biết liên kết với nhau hơn thì cũng không đến nỗi phải đẩy nhau vào tình trạng khó khăn như vừa qua.

Nhưng sự bất ổn trên thị trường tiền tệ trong mấy ngày qua có lẽ là một điều đáng mừng hơn là lo, vì nó đã cho các thành viên trên thị trường tiền tệ thấy rõ được vị trí, trách nhiệm của mình trên thị trường; tạo cơ hội để các NHTM và NHNN hiểu và xích lại gần nhau hơn; là bài học cho các NHTM, tuy hơi đắt, nhưng có thể tạo đà vững bước trên con đường hội nhập, nếu biết vận dụng “kết quả” của bài học; và NHNN cũng có cơ hội để điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, đưa ra các quyết định can thiệp thị trường một cách phù hợp hơn.