Thấy gì sau 1 năm cấm tàu ngoại hoạt động trên tuyến nội địa?

Sau một năm cấm tàu nước ngoài hoạt động trên các tuyến nội địa, các doanh nghiệp vận tải trong nước ít nhiều đã cảm thấy bớt khó.
Thấy gì sau 1 năm cấm tàu ngoại hoạt động trên tuyến nội địa?

Đó là khẳng định của ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tại Hội nghị Sơ kết đánh giá một năm triển khai thực hiện phương án thay thế tàu biển nước ngoài vận tải container nội địa bằng tàu biển Việt Nam, được tổ chức tại Hải Phòng vào cuối tuần trước.

“Gần như không có bất cứ phàn nàn nào của chủ hàng về năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải do đội tàu Việt Nam thực hiện tại các tuyến vận tải biển nội địa”, ông Thu khẳng định.

Trước đó, trong nỗ lực giải quyết bài toán dư thừa năng lực đội tàu Việt Nam đang ngày một trầm trọng, vào cuối tháng 3/2013, Bộ GTVT đã có Văn bản số 128/TB - BGTVT quyết định chấm dứt sự hiện diện của đội tàu biển treo cờ nước ngoài, gồm 20 chiếc với tổng trọng tải khoảng 500.000 DWT tại thị trường vận tải container nội địa.

 “Các chủ tàu ngoại khó mà “cưỡng” được quyết định này, bởi việc giành quyền ưu tiên vận chuyển nội địa từ tay các đội tàu treo cờ nước ngoài cho đội tàu biển treo cờ Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với Luật Hàng hải, cũng như cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về bảo hộ quyền vận tải của các nước thành viên”, ông Thu nói.

Như vậy, đội tàu biển treo cờ Việt Nam đã được trao cơ hội rất tốt để giành lại thị phần vận chuyển container nội địa, vốn thuộc về các hãng tàu ngoại (có giá trị ước tới 1.000 tỷ đồng/năm).

Chủ trương trên thực sự là liều thuốc tăng lực cho các hãng vận tải biển trong nước ở  giai đoạn đặc biệt khó khăn. Trong đó, chỉ tính riêng Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), “anh cả” trong lĩnh vực vận tải biển, trong 6 tháng đầu năm 2013 đã có 2.200 lao động không có đủ việc làm.

“Hiện hầu hết các tàu container của Vinalines đưa từ nước ngoài về đều đã bắt đầu có chân hàng tương đối ổn định trên các tuyến nội địa”, ông Bùi Việt Hoài, Phó tổng giám đốc Vinalines cho biết.

Được biết, cùng với việc thông báo sớm chủ trương trên tới các chủ tàu ngoại, Cục Hàng hải Việt Nam còn được Bộ GTVT yêu cầu chủ trì phối hợp với Vinalines, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam và các chủ tàu Việt Nam có tàu biển mang cờ Việt Nam xây dựng phương án đưa tàu biển mang cờ Việt Nam vào hoạt động trên các tuyến nội địa, đảm bảo không để xảy ra tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cảng biển.

“Vinalines đã có văn bản cam kết với các chủ hàng về việc ổn định giá cước để xóa bỏ quan ngại về nguy cơ xảy ra tình trạng độc quyền”, ông Hoài cho biết.

Giá cước bình quân mà các hãng tàu Việt Nam đang chào các chủ hàng vào khoảng 5,2 triệu đồng/container 20 feet cho chặng Bắc - Nam. Mức giá này tương đương với đơn giá của các hãng tàu ngoại thu của các chủ hàng vào năm 2012. “Mức cước này chỉ hòa vốn, nhưng doanh nghiệp vẫn chấp nhận, nhằm tránh cho đội tàu không phải neo đậu dài ngày, mòn mỏi chờ hàng tại các cảng”, ông Lê Việt Tiến, Giám đốc CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO), thuộc Vinalines chia sẻ.

Không chỉ Vinalines, mà một số hãng tàu nhỏ của Việt Nam cũng đã “chen chân” vào các tuyến vận tải nội địa, trong đó có tuyến vận tải Hải Phòng, Cái Lân đi TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại.

Để đảm bảo đủ năng lực đáp ứng nhu cầu cho thị trường container nội địa, ngoài 30 tàu chở container treo cờ Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã cấp phép vận tải tuyến nội địa cho 8 tàu treo cờ nước ngoài, nhưng thuộc sở hữu của các DN Việt Nam.

Khó khăn lớn nhất đối với các DN vận tải biển chuyên chở container nội địa chính là thị trường chưa thực sự hồi phục. Hiện các tàu chạy từ Nam ra Bắc mới đạt khoảng 80% công suất, trong khi tuyến ngược lại chỉ đạt 50% công suất. Mặc dù vậy, đây vẫn là cơ hội tốt để các chủ tàu Việt Nam chứng minh với các chủ hàng rằng, mình có đủ sức đảm nhận thị trường nội địa sau khi đã được “cởi” bớt áp lực cạnh tranh về giá từ phía các chủ tàu ngoại”, ông Hoài thừa nhận.

Tin bài liên quan