Thấy gì qua tín hiệu chính sách từ Fed?

Thấy gì qua tín hiệu chính sách từ Fed?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dư âm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuần qua có ảnh hưởng nhất định tới thị trường chứng khoán Mỹ. Vậy thị trường Việt Nam và các nhà đầu tư nên nhìn nhận sự kiện này ra sao? Đầu tư Chứng khoán trao đổi với TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh quốc.

Sau cuộc họp của Fed tuần qua, có thể thấy những tín hiệu chính sách nào được phát ra mà thị trường sẽ chú ý?

Trước tiên, Fed không gây bất ngờ lớn và vẫn giữ nguyên lãi suất chính sách (fed fund rate) 0,25% và không thay đổi kế hoạch mua 120 tỷ USD trái phiếu/tháng để tạo thanh khoản cho thị trường trái phiếu và không để lợi suất trái phiếu tăng quá nhanh.

Điều này cũng đảm bảo lượng cung trái phiếu chính phủ sẽ phát hành trong thời gian tới để vay nợ chi tiêu sẽ có nguồn tiền hấp thụ.

Tuy nhiên, so với tháng 3/2021, có thể thấy rõ là các thành viên của Fed kỳ vọng lãi suất sẽ tăng lên từ mức 0,25% hiện tại lên ít nhất 0,75% (tỷ lệ 11/18 thành viên) và một số không ít thành viên đã dự đoán lãi suất cần lên trên 1%. Ngoài ra, Fed cũng nâng lãi suất dự trữ bắt buộc và dự trữ thặng dư từ 0,1% lên 0,15%.

Fed cũng tăng dự đoán lạm phát từ 2,4% lên 3,4% trong năm 2021, thừa nhận mình đã đánh giá thấp về lạm phát nhưng vẫn duy trì quan điểm lạm phát cao là tạm thời.

Những động thái này cho thấy Fed đánh giá kinh tế Mỹ vẫn đang hồi phục, lạm phát sẽ tăng cao hơn dự đoán trước đây (dù vẫn cho đó là tạm thời).

Quan trọng nhất, Fed bắt đầu phát tín hiệu là những hỗ trợ chính sách tiền tệ cho thị trường sẽ bắt đầu được giảm bớt dần, và lãi suất sớm muộn sẽ tăng.

Trước khi tăng lãi suất chính sách, nhiều khả năng Fed thường sẽ mua trái phiếu trên thị trường và tăng lãi suất dự trữ bắt buộc.

Việc tăng lãi suất dự trữ bắt buộc từ 0,1% lên 0,15% là đúng với “bài” giảm hỗ trợ cho nền kinh tế một cách từ từ.

Có thể hình dung nếu trước đây Fed bơm tiền ra thị trường như đang nhấn ga hết mức trên một chiếc siêu xe bơm tiền, thì bây giờ Fed đang nhả bớt chân ga ra, nhưng chưa chạm đến chân thắng, bắt đầu để tiến trình bơm tiền chậm lại dần dần.

Các nhà đầu tư nước ngoài thường có phản ứng và hành động như thế nào trước các tín hiệu chính sách được phát ra sau cuộc họp của Fed mới đây?

Phản ứng của các nhà đầu tư không đồng nhất. Một số ý kiến cho rằng, Fed đã sai lầm về lạm phát (Fed cũng đã thừa nhận khi nâng dự báo lạm phát từ 2,4% lên 3,4%, một mức tăng dự báo khoảng 30%), vì vậy họ tin Fed sẽ tiếp tục sai lầm và sẽ phải “phanh gấp” vào một ngày nào đó.

Những người này dự đoán thị trường sẽ có một đợt giảm mạnh và khuyến nghị nên mua vào những cổ phiếu hưởng lợi từ lạm phát tăng, còn lại nên bán mạnh. Thực tế, sau 15 phút phát biểu của Fed, nhiều cổ phiếu công nghệ đã bị bán mạnh.

Tuy nhiên, sau đó, phe tin rằng Fed đúng và lạm phát sẽ được kềm chế, Fed đang cân bằng khá tốt giữa kiểm soát lạm phát với ủng hộ thị trường tài chính và nền kinh tế lại thắng thế. Bằng chứng là họ kéo nhiều cổ phiếu đang giảm 5-10% lên mức không giảm, thậm chí tăng vào cuối ngày phát biểu của Fed vừa rồi.

Nhiều nhà đầu tư e ngại thị trường sẽ có phản ứng tiêu cực trước những động thái tapering sẽ đến như các giai đoạn trước đây. Đâu là những vấn đề cần lưu ý về khả năng này?

Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital

Fed taper thường có ảnh hưởng tiêu cực lên các tài sản tài chính, nhưng đó không phải là lực tác động duy nhất nên thời điểm và mức độ biến động của các thị trường không dễ dự đoán. Thị trường chứng khoán thường giảm quanh thời điểm taper bắt đầu diễn ra, sau đó ổn định trở lại và đi theo các yếu tố tác động khác như tăng trưởng của doanh nghiệp.

Nếu nắm giữ các doanh nghiệp xuất sắc, tăng trưởng mạnh và không quá đắt về định giá thì nhà đầu tư hiện tại không cần quá bận tâm về Fed taper. Cuối năm 2021 và sang năm 2022, khi taper diễn ra mới cần chú ý nhiều hơn tới yếu tố này.

Vấn đề đáng lưu ý là nhiệm kỳ của chủ tịch Fed sắp kết thúc và Tổng thống Joe Biden đang hỏi ý kiến nhiều cố vấn về việc có bổ nhiệm ông Powell tiếp tục hay không. Về cơ bản, ông Powell và những người thân cận - cũng là thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) duy trì quan điểm trì hoãn khóa van tiền tệ và hành động từ tốn kiểu chỉ nhả chân ga ra một chút chứ không đạp chân thắng (phanh) ngay.

Nhưng nhiệm kỳ của ông Powell sắp kết thúc (tháng 2/2022). Nếu Tổng thống Biden không để ông ngồi lại ghế Chủ tịch Fed thêm một nhiệm kỳ, mà chọn người của “phe mình” (như cách mà ông Trump - tổng thống tiền nhiệm đối xử với chủ tịch Fed tiền nhiệm - đương kim Bộ trưởng Bộ Tài chính hiện nay), thì vấn đề sẽ khá phức tạp và khó đoán.

Nếu Tổng thống Biden “thay tướng” ở Fed, quan điểm của người mới có thể không từ tốn trong chuyện giảm hỗ trợ thanh khoản cho thị trường như chủ tịch đương nhiệm Powell. Một thay đổi quá nhanh chóng trong chuyện dừng mua trái phiếu và tăng lãi suất có thể gây sốc cho thị trường.

Thị trường hiện nay có những điểm gì khác so với các đợt tapering trước đây không, thưa ông?

Dịch bệnh Covid-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng là ẩn số lớn và không ai đảm bảo được tiến trình hồi phục kinh tế lần này sẽ suôn sẻ như trong điều kiện bình thường.

Hơn nữa, cú sốc đối với thị trường tài chính khi khóa van tiền đột ngột năm 2013 khiến lợi suất trái phiếu 10 năm tăng gấp đôi trong thời gian ngắn vẫn là một bài học nhiều người còn nhớ.

Trong bối cảnh dịch bệnh và Chính phủ Mỹ nhiều khả năng phải tiếp tục tăng chi tiêu công, tăng vay nợ, siết van tiền quá sớm có thể gây khó khăn cho thị trường trái phiếu và có thể tạo ra những tổn thất ngoài dự đoán. Fed có thể sẽ phải tính đến những vấn đề này kỹ lưỡng hơn so với trước đây.

Các thị trường chứng khoán châu Á thường có phản ứng chậm hơn, hay đồng điệu với các thị trường chứng khoán phát triển? Đầu tư trong giai đoạn này nên chú ý những vấn đề gì?

Tác động của đợt khóa van tiền ở Mỹ chủ yếu đối với tỷ giá các đồng tiền ở các nước đang phát triển hơn là thị trường chứng khoán, vì thị trường chứng khoán các nước này phụ thuộc vào chính sách tiền tệ trong nước.

Ví dụ, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm khá mạnh từ tháng 3/2021 tới nay do chính sách siết lại các hỗ trợ thanh khoản thị trường và chống lạm phát của nước này, trong khi các nước khác vẫn giữ chính sách tiền tệ nới lỏng và duy trì hỗ trợ thị trường (Mỹ, EU, Việt Nam…).

Vì vậy, vấn đề quan trọng tác động lên thị trường chứng khoán châu Á chính là lãi suất nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung của từng nước. Mỗi nước ở những giai đoạn chống dịch khác nhau, nền kinh tế đối mặt với những khó khăn khác nhau, nên sẽ có các giai đoạn siết van khác nhau.

Tuy nhiên, có một điểm chung là khi lạm phát bật lên mạnh thì nước nào cũng phải vội siết van tiền để khống chế lạm phát. Vì vậy, khi lạm phát có dấu hiệu tăng đáng kể thì nên điều chỉnh giảm tốc độ bơm tiền lại.

Sự kiện Taper 2013

Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, Fed đã giảm dần lãi suất mục tiêu (Fed fund target rate) về cận 0%, đi kèm bơm tiền vào lưu thông qua các chương trình mua vào trái phiếu kho bạc quy mô lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cho đến tháng 5/2013, Chủ tịch Fed Ben Bernanke bày tỏ lập trường về việc giảm dần quy mô các gói mua trái phiếu khi nền kinh tế có những dấu hiệu tăng trưởng tốt.

Bước đi của Fed ví như một cú sốc, đẩy thị trường tới sự kiện Taper Tantrum với kỳ vọng rằng, cơ quan này sẽ thắt chặt tiền tệ mạnh tay hơn trong tương lai, bao gồm việc tăng trở lại lãi suất sau thời gian dài ưu đãi lãi suất cho cả nền kinh tế trong cơn suy thoái hậu khủng hoảng.

Thị trường trái phiếu kho bạc ngay lập tức định giá thông tin, lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài liên tục tăng mạnh, phản ánh kỳ vọng lãi suất tăng trong tương lai. Việc giảm dần bơm tiền thông qua chương trình mua trái phiếu cũng gây ra những lo ngại về thanh khoản thị trường liên ngân hàng, tăng áp lực bán trên thị trường trái phiếu kho bạc, đẩy lợi suất tăng.

Đây là một rủi ro lớn tới các thị trường mới nổi (Emerging Markets - EM) vì lãi suất USD tăng gây áp lực bán tháo đồng tiền của các EM với nền tảng vĩ mô thiếu ổn định.

Sự hỗn loạn trên thị trường ngoại hối dẫn tới đà rút vốn khỏi khu vực EM, cộng hưởng từ triển vọng lạc quan từ kinh tế Mỹ sẽ càng chi phối dòng vốn tại khu vực này, khiến áp lực rút vốn căng thẳng hơn tại các nước EM.

Tỷ giá và thị trường chứng khoán của các nước EM là hai biến số thể hiện rõ nhất tác động của sự kiện Taper Tantrum.

Sự kiện Taper Tantrum đã tàn phá thị trường chứng khoán khu vực EM. Đà tăng chứng khoán từ đầu năm 2013 đã bị xóa sổ ở nhiều nơi như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico…

Tin bài liên quan