Thấy gì qua những sự kiện bảo hiểm đáng chú ý của năm

Thấy gì qua những sự kiện bảo hiểm đáng chú ý của năm

(ĐTCK) Năm 2014 sắp khép lại với những thăng trầm của nền kinh tế, xin điểm lại 3 sự kiện nổi bật trên thị trường bảo hiểm theo sự bình chọn của các phóng viên, biên tập viên ĐTCK.

1. Sự cố bạo động tại Đồng Nai, Bình Dương và Hà Tĩnh hồi tháng 5

Sự kiện này được ĐTCK bình chọn là sự kiện nổi bật nhất năm trên thị trường bảo hiểm bởi mức độ lan tỏa rộng tới ngành bảo hiểm cũng như nền kinh tế. Đích thân Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hỗ trợ DN bị thiệt hại, nhanh chóng ổn định sản xuất - kinh doanh, trong đó có việc giải quyết bồi thường bảo hiểm. Liên tiếp các đợt trao tạm ứng bồi thường tại từng địa bàn đã giúp các DN ổn định sản xuất - kinh doanh, lấy lại niềm tin của các NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài, vào môi trường đầu tư Việt Nam.

Với con số ước thiệt hại 2.500 tỷ đồng, ngoài tác động trực tiếp đến DN sản xuất kinh doanh (chủ yếu là khối DN có vốn đầu tư nước ngoài), thì sự cố trên còn ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của khối DN bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2014 (xét trên khía cạnh số tiền bồi thường, tỷ lệ bồi thường…). Đây cũng là một sự kiện bảo hiểm được nhiều DN bảo hiểm đánh giá là hy hữu khi có tới 27/29 DN bảo hiểm phi nhân thọ cùng tham gia bồi thường bảo hiểm.

Bên cạnh đó, sự cố trên cũng đặt ra cho DN bảo hiểm về rủi ro bạo loạn. Theo đại diện Bảo hiểm PVI, đã đến lúc các DN bảo hiểm phải nhìn nhận lại về rủi ro bạo loạn và sẽ phải tính toán một mức phí phù hợp với đặc thù rủi ro, cũng như đảm bảo chi phí mua tái bảo hiểm, thay vì cung cấp miễn phí như hiện nay.

Chia sẻ với ĐTCK về sự cố này, Cục Quản lý & Giám sát bảo hiểm cho biết, Cục đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm các khiếu nại giữa DN bảo hiểm với khách hàng hoặc đại lý bảo hiểm; giải quyết bồi thường. Trong đó, Tổ hỗ trợ công tác giải quyết bồi thường bảo hiểm đã được thành lập và trực tiếp làm việc với các DN bảo hiểm để rà soát, nắm bắt tình hình thực tế, các khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó có các giải pháp để đẩy nhanh công tác giải quyết bồi thường bảo hiểm cho các DN bị thiệt hại. Đến thời điểm hiện tại, theo báo cáo của các DN bảo hiểm, tổng số tiền bồi thường, tạm ứng bồi thường cho 317 DN bị thiệt hại là 268 tỷ đồng.

Do vụ việc xảy ra với quy mô lớn, đồng loạt, trên phạm vi rộng, nên sự cố trên được nhận định sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của DN bảo hiểm trong năm 2015. Thực tế năm 2014, các DNBH đã nỗ lực tạm ứng bồi thường lần 1 với số tiền như trên đã nói, 268 tỷ đồng. Số tiền bồi thường còn lại sẽ tiếp tục được giải quyết trong năm 2015. Tuy nhiên, trong bảo hiểm, tạm ứng thì dễ nhưng để giải quyết dứt điểm công tác bồi thường sẽ là cả vấn đề lớn.

2. Chính sách phát triển thủy sản theo Chủ trương của Thủ tướng Chính Phủ

Một chương trình bảo hiểm mới vừa được Chính phủ ban hành là triển khai bảo hiểm khai thác thủy sản theo Nghị định 67/NĐ-CP. Theo đó, có 4 DN bảo hiểm sẽ cung cấp sản phẩm bảo hiểm theo chương trình này là Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO và Bảo hiểm PVI. VINARE là nhà tái bảo hiểm.

Tính hấp dẫn của chính sách thể hiện trên nhiều khía cạnh, trong đó có mức phí bảo hiểm ưu đãi, phạm vi bảo hiểm rộng, trong khi mức trách nhiệm bồi thường cao.

Cụ thể, bảo hiểm thân tàu và ngư lưới cụ được Nhà nước tài trợ 90% phí bảo hiểm đối với tàu trên 400 CV; 70% phí bảo hiểm với tàu từ 90 CV đến 400 CV; ngư dân khai thác trên tàu được tài trợ 100% phí bảo hiểm.

Trong khi đó, phạm vi bảo hiểm là bảo hiểm mọi rủi ro, với mức trách nhiệm bảo hiểm (mức chi bồi thường tối đa) cho các tổn thất về con người và tài sản phát sinh trong quá trình khai thác thủy sản cao hơn khá nhiều so với quy định trước đó. Mức phí bảo hiểm được ấn định là 300.000 đồng/người/lần, nhưng mức trách nhiệm bảo hiểm lên tới 70 triệu đồng/người/vụ tai nạn, tức gấp hơn 230 lần mức phí bảo hiểm.

Do mới triển khai tập huấn vào những ngày cuối năm này, nên chính sách trên hứa hẹn sẽ chính thức kích cầu cho thị trường bảo hiểm trong năm 2015. Với hàng chục ngàn tàu cá - theo thống kê sơ bộ, cùng với tính hấp dẫn của chương trình, việc triển khai bán bảo hiểm cho ngư dân được kỳ vọng sẽ khá thuận lợi, góp phần tăng doanh thu phí bảo hiểm không chỉ cho 4 DN được lựa chọn, mà còn cho toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ. 

3. Bộ Tài chính chủ trì buổi đối thoại trực tiếp với từng khối DN bảo hiểm

Ngày 28/2/2014, lần đầu tiên, cuộc đối thoại giữa Bộ Tài chính với từng khối bảo hiểm: nhân thọ, phi nhân thọ, tái bảo hiểm và môi giới bảo hiểm bên lề Hội nghị ngành bảo hiểm được tổ chức. Cuộc đối thoại này được các thành viên thị trường đánh giá cao.

Ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt  Nam (AVI) cho rằng, đây là động thái kịp thời từ phía các cơ quan quản lý nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, cơ chế, chính sách pháp lý, tạo điều kiện tốt nhất có thể cho từng khối DN và thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, hiệu quả, nhất là trong bối cảnh thị trường vừa trải qua năm 2013 tăng trưởng trong thách thức, với việc lần đầu tiên khối bảo hiểm phi nhân thọ rơi vào điểm không an toàn, mức tăng trưởng chỉ 7%.

Tiếp thu những ý kiến phản ánh và đề xuất giải pháp, nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN bảo hiểm được ban hành và triển khai. Kết quả, năm 2014, cả 3 khối DN bảo hiểm đều vượt qua khó khăn, đạt mức tăng trưởng hai con số. Đáng chú ý, mảng bảo hiểm phi nhân thọ đã lấy lại mức tăng trưởng hai con số, ước tăng trưởng 10,5%; bảo hiểm nhân thọ ước tăng 17,9%; tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước tăng 12,9% so với năm 2013, theo Cục Quản lý & Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính).

Tin bài liên quan