Hệ lụy của cuộc đua đầu tư thép
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa liệt kê danh sách các DN của ngành này đang gặp khó khăn. Trong số đó, có tới 11 DN sản xuất thép xây dựng và 10 DN cán phôi.
Cũng theo VSA, công suất các nhà máy cán thép của Việt Nam hiện nay là hơn 11 triệu tấn thép xây dựng; 9,29 triệu tấn phôi thép; trên 2,1 triệu tấn ống thép; 3,28 triệu tấn tôn mạ và trên 4 triệu tấn thép cán nguội. Trong khi đó, tiêu thụ thép biểu kiến năm 2013 chỉ khoảng 11 triệu tấn.
Thực tế, cung đã vượt xa cầu, trong khi không ít nhà máy đang trong giai đoạn xây dựng và chuẩn bị đi vào sản xuất, nên chênh lệch cung - cầu trên thị trường sẽ còn tăng hơn nữa. Đó là hệ quả của việc đầu tư ăn xổi tại nhiều DN thép từ những năm 90 của thế kỷ trước tới nay. Thuế nhập khẩu thép xây dựng ở mức cao, có lúc lên tới 40%, đã tạo ra làn sóng đầu tư dây chuyền cán thép từ phôi nhập khẩu tại nhiều địa phương.
Hồi tháng 1/2009, báo cáo của Bộ Công thương gửi Chính phủ sau khi kiểm tra tình hình thực hiện Quy hoạch Phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015 cho thấy, có 32 dự án không thuộc danh mục quy hoạch đã được các địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư. Cùng thời gian đó, không ít địa phương và thậm chí cả DN đề nghị Bộ Công thương cho bổ sung các dự án thép mới vào quy hoạch.
Đáng chú ý là, nhiều dự án thép mới được các địa phương đề xuất bổ sung vào Quy hoạch lại chỉ thuần túy là sản xuất thép xây dựng và dựa trên nguồn phôi nhập khẩu.
Cần nói thêm rằng, ngay từ cuối năm 2009, số liệu của VSA đã cho thấy, trong năm 2010, năng lực sản xuất thép xây dựng của các nhà máy đã và chuẩn bị đi vào hoạt động đạt 7 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu về mặt hàng này ở trong nước chỉ khoảng 4 triệu tấn/năm, còn xuất khẩu chưa nhìn thấy triển vọng.
Nhìn thấy trước khả năng cung vượt xa cầu, từ năm 2008, VSA đã đề nghị Chính phủ sớm đình chỉ các dự án nhà máy thép đang xây dựng hoặc sắp xây dựng mà không đảm bảo nguyên liệu để hoạt động lâu dài, nhằm giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế. Sau đó, Chính phủ đã có Văn bản 1708/2008/VPCP-KTN yêu cầu chấn chỉnh ngay công tác cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép tại địa phương, đồng thời tạm dừng việc xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép xây dựng thông thường.
Ông Phạm Chí Cường, khi còn là Chủ tịch VSA đã phải thẳng thắn nhận xét rằng, nhiều DN đầu tư sản xuất thép theo phong trào. Có những DN phất lên từ buôn thép, thấy dễ ăn, nên vội vã đầu tư mà chẳng tính toán gì. “Đầu tư ăn xổi, nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ thấp, sức cạnh tranh yếu, nên nhiều DN thép nội đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ”, ông Cường nói.
Nỗi lo ngày càng lớn
Cung vượt xa cầu, trong khi một số dự án đầu tư quy mô công suất lớn như của
Formosa, Hòa Phát sắp đi vào hoạt động, đang khiến nhiều DN thép nhỏ quay cuồng chống đỡ.
Không chỉ dừng lại ở đó, thép nội càng thêm phát sốt trước thông tin thuế nhập khẩu từ Nga có thể giảm về 0% khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA) được ký kết.
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA cho hay, DN thép Việt Nam rất e ngại với thép xuất khẩu của Nga, bởi sức cạnh tranh của thép Nga còn lớn hơn nhiều so với sản phẩm của nước láng giềng Trung Quốc.
Năm 2013, Nga đứng vị trí thứ 5 thế giới về sản xuất thép thô, với 68,7 triệu tấn và xuất khẩu được 23,6 triệu tấn. Trong khi đó, Việt Nam đứng vị trí số 26, với 5,6 triệu tấn. Mặc dù sản lượng thép của Nga thấp hơn Trung Quốc rất nhiều và không có lợi thế gần, song thị trường Việt Nam xưa nay rất ưa chuộng sắt thép nhập khẩu từ Nga. Bằng chứng là, nhập khẩu thép từ Nga những năm trước không hề nhỏ, dù thuế nhập khẩu ở mức 15 - 20%.
Như vậy, nguy cơ phải đóng cửa hoặc phá sản của DN thép Việt Nam sẽ còn lớn hơn khi các mặt hàng thép của Nga được hưởng thuế suất 0% theo VCUFTA.