Phối cảnh hầm Đông Khê trên tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia Dự án Xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công - tư (Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh) giai đoạn I có thể lên tới 49,92% tổng mức đầu tư, thay vì khoảng 39,8% như phương án ban đầu.
Không phân tách dự án
Theo thông tin của Báo Đầu tư, UBND tỉnh Cao Bằng vừa có Tờ trình số 3175/TTr-UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Trước đó, vào tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1212/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án, trong đó, giao UBND tỉnh Cao Bằng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tại Tờ trình số 3175/TTr-UBND, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị thực hiện một loạt điều chỉnh liên quan đến phương án tài chính, quy mô, điều chỉnh tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước tham gia hỗ trợ lên tối đa 50%, áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu… là để tăng hiệu quả đầu tư và nhất là tăng tính khả thi tài chính để thu hút các nhà đầu tư quan tâm Dự án.
Cụ thể, thay đổi đầu tiên là chiều dài Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ là 121 km, tăng khoảng 6 km so với phương án được duyệt năm 2020; đồng thời không đầu tư tuyến kết nối từ đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào TP. Cao Bằng (có chiều dài khoảng 15,5 km).
Tuy nhiên, do phải điều chỉnh lại các giải pháp kỹ thuật, cập nhật các chế độ chính sách hiện hành đã dẫn đến thay đổi tổng mức đầu tư của Dự án. Theo đề xuất của UBND tỉnh Cao Bằng, tổng mức đầu tư mới của Dự án là 22.698 tỷ đồng, trong đó giai đoạn I là 13.182 tỷ đồng; giai đoạn II là 9.516 tỷ đồng, tăng 1.759 tỷ đồng.
Một thay đổi đáng kể nữa tại Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là việc UBND tỉnh Cao Bằng sẽ không chia Dự án thành 3 dự án thành phần, mà triển khai toàn bộ Dự án cùng lúc nhằm tạo sự thống nhất trong quá trình thi công công trình.
Do phải điều chỉnh lại đáng kể chủ trương đầu tư, nên UBND tỉnh Cao Bằng buộc phải cập nhật lại các mốc thời gian triển khai công trình. Theo đó, giai đoạn I sẽ thi công từ năm 2020 đến năm 2025; thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn khoảng 23 năm (từ năm 2026 đến năm 2049). Giai đoạn II sẽ được triển khai sau năm 2025, khi tăng trưởng xe đủ lớn để đảm bảo phương án tài chính.
Thêm cơ chế ưu đãi
Để đảm bảo tính khả thi cho phương án tài chính Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, UBND tỉnh Cao Bằng kiến nghị Thủ tướng cho phép cập nhật một số cơ chế, chính sách mới tại Luật PPP. Các cơ chế này trên thực tế đã được triển khai tại Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Theo Quyết định số 1212/QĐ-TTg, cơ cấu nguồn vốn đầu tư (giai đoạn I) gồm vốn do nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng và vốn hợp pháp khác) là 7.546 tỷ đồng; nguồn vốn nhà nước tham gia trong dự án bằng vốn góp và vốn hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư là 5.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia Dự án chỉ khoảng 39,8% tổng mức đầu tư không chỉ ở mức thấp so với các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, mà còn dồn gánh nặng huy động vốn cho nhà đầu tư.
Chính vì vậy, tại Tờ trình số 3175/TTr-UBND, UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia Dự án không vượt quá 50% tổng mức đầu tư của Dự án. Dự kiến vốn nhà nước tham giá trong dự án này khoảng 6.580 tỷ đồng (tương đương 49,92% tổng mức đầu tư giai đoạn I).
Ông Hoàng Xuân Ánh cho biết, đề xuất này là thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh Cao Bằng ngày 15/11/2021.
Do tại Quyết định 1212/QĐ-TTg không có các cơ chế, ưu đãi và đảm bảo đầu tư cho Dự án, nên để đảm bảo tính khả thi, thu hút các nhà đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án đề xuất áp dụng các cơ chế, ưu đãi và đảm bảo đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức PPP, trong đó đáng chú ý nhất là áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng/giảm doanh thu. Cụ thể, bổ sung cơ chế chia sẻ phần tăng/giảm doanh thu cho Dự án theo quy định tại Điều 82, Luật PPP và nguồn chi trả chi phí xử lý cho phần giảm doanh thu là dự phòng ngân sách trung ương.
Bên cạnh đó, để thu hút, khuyến khích nhà đầu tư, cùng với việc được tạo điều kiện để tổ chức quy hoạch mỏ vật liệu (đất, cát, đá...), các trạm dừng nghỉ sẽ được giao cho nhà đầu tư thực hiện cao tốc tiến hành xây dựng và kinh doanh trong quá trình vận hành tuyến cao tốc sau này.
“Đây là những cơ chế cần thiết để gia tăng sức hấp dẫn cho Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có suất đầu tư khá lớn so với các tuyến cao tốc đã và đang triển khai theo phương thức PPP”, ông Ánh đánh giá.
Theo Quyết định số 1212/QĐ-TTg, Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có điểm đầu tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng) kết nối vào đoạn nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn. Điểm cuối tại nút giao đường vào Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh và Quốc lộ 34, thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng).
Tuyến có chiều dài khoảng 115 km, trong đó, trên địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 52 km, trên địa phận tỉnh Cao Bằng khoảng 63 km. Tuyến nối đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào TP. Cao Bằng có chiều dài 15,5 km, đi qua các huyện Quảng Hòa (huyện Quảng Uyên cũ), huyện Hòa An và TP. Cao Bằng.