Thay đổi chiến lược thu hút đầu tư, Bình Định mang về 68 dự án mới

0:00 / 0:00
0:00
Bình Định chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến trong xúc tiến đầu tư, 9 tháng đầu năm tỉnh này thu về 68 dự án mới, với tổng vốn lên đến trên 39.000 tỷ đồng.
TP Quy Nhơn, Bình Định - nhìn từ phía Đông sang. Ảnh Nguyễn Dũng

TP Quy Nhơn, Bình Định - nhìn từ phía Đông sang. Ảnh Nguyễn Dũng

Chiến lược thu hút đầu tư trực tuyến

Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Bình Định Nguyễn Bay cho biết, mặc dù dịch Covid 19 diễn biến phức tạp nhưng địa phương đã nỗ thực trong thu hút đầu tư với 68 dự án, tổng vốn thu hút đầu tư đạt 39.236,74 tỷ đồng.(trong đó có 03 dự án FDI với tổng vốn thu hút 40,34 triệu USD). Đa số các dự án thu hút được thuộc lĩnh vực công nghiệp, bất động sản, xây dựng.

Cụ thể, với 68 dự án đầu tư, trong đó lĩnh vực công nghiệp thu hút 37 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 1.914,89 tỷ đồng; lĩnh vực nông nghiệp có 01 dự án với tổng vốn đầu tư 152,6 tỷ đồng.

Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản, xây dựng, hạ tầng có 21 dự án với tổng vốn đầu tư 34.993,55 tỷ đồng; và thứ đến là nhóm lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch thu hút 09 dự án, tổng vốn đầu tư 2.175,7 tỷ đồng…

Phân theo địa bàn thì, TP. Quy Nhơn có 20 dự án, sau đó đến Tây Sơn, TX. Hoài Nhơn, TX An Nhơn…

Bên cạnh thu hút mới, Bình Định ghi nhận có 12 dự án thực hiện tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 27.555 tỷ đồng.

Theo ông Bay, thời gian qua, các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh Bình Định chuyển từ hình thức trực tiếp sang hình thức trực tuyến và mang lại hiệu quả tích cực.

Những sự kiện như: Hội thảo trực tuyến xúc tiến đầu tư Hoa Kỳ vào tỉnh Bình Định; Hội thảo xúc tiến đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản; Hội thảo trực tuyến Việt Nam - Trung Đông; Hội nghị xúc tiến đầu tư trong bối cảnh COVID-19: Những thay đổi và biện pháp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài…

Gỡ khó cho các dự án động lực

Trước đó, tháng 8/2021 UBND tỉnh Bình Định đã có cuộc hội nghị bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long.

Những chính sách hỗ trợ được Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất như: Cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục đầu tư, coi đây là một trong những hỗ trợ thiết thực đối với các nhà đầu tư đến với Bình Định. Việc đề xuất cắt giảm đến nay, thủ tục đầu tư đã giảm từ 32 ngày xuống còn 25 ngày.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng xử lý công việc thông qua các hình thức công nghệ thông tin đối với các thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư. Đồng thời, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ các dự án đã được cấp phép, tháo gỡ các khó khăn cho các nhà đầu tư để đẩy mạnh giải ngân các dự án.

UBND tỉnh này cũng đã xây dựng các chính sách phù hợp với tình hình dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, kịp thời xử lý các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bình Định cho biết sẽ tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp (dự kiến tháng 11); tiếp tục rà soát tình hình triển khai của các dự án đầu tư; tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đang tổ chức lựa chọn…

Trên cơ sở danh mục dự án mời gọi đầu tư vào địa phương, Bình Định sẽ thực hiện phân loại theo lĩnh vực và địa bàn để tổ chức mời gọi đầu tư.

Sắp tới, Tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư của Chủ tịch UBND tỉnh này sẽ trực tiếp thực hiện chương trình hỗ trợ một số dự án trọng điểm có vốn đầu tư lớn như: Dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE (Đức); dự án Nhà máy nhũ mỏng ép nhiệt công nghệ cao của Tập đoàn Kurz (Đức), dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định của Becamex IDC, dự án Heo giống của Thagrico, Hải Giang, Vĩnh Hội…

Đồng thời đẩy nhanh tổ chức đấu giá, đấu thầu các dự án đã đủ điều kiện để sớm tạo nguồn thu như Chung cư 72b Tây Sơn, Chung cư kho Vietrains, các dự án nhà ở, khu thương mại.

Tin bài liên quan