Thay đổi cách đăng ký kinh doanh để có thông tin thực

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN) chỉ là giấy khai sinh DN, chứ không phải là cấp phép kinh doanh.
Thay đổi cách đăng ký kinh doanh để có thông tin thực

Thưa ông, đề xuất được cho là bước tiến lớn, thông thoáng trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là không ghi ngành, nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký DN lại gặp nhiều ý kiến khác nhau. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

VCCI ủng hộ định hướng đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp (DN) trong Dự thảo Luật DN (sửa đổi), bởi cho dù Luật DN 1999, Luật DN 2005 đã có những bước tiến dài trong thủ tục đăng ký kinh doanh, nhưng so với tiêu chí của ASEAN 6 thì vẫn còn khoảng cách.

Để tạo thông thoáng, thu hút thêm nguồn vốn đầu tư, cần tiếp tục đơn giản hóa, nhưng cần nhấn mạnh yêu cầu quy định hậu kiểm với DN, ít nhất trong những lĩnh vực chung thuộc phạm vi của Luật này. Ví dụ, hậu kiểm để đảm bảo rằng, DN đã đăng ký là có tồn tại, không phải DN ma… để giải quyết được lo ngại rằng, do thủ tục thành lập DN đơn giản, nên dẫn tới việc DN dễ dàng thành lập để lừa đảo…

Việc thực hiện hậu kiểm cần phải nêu rõ yêu cầu về sự phối hợp chặt chẽ và thông tin hai chiều giữa cơ quan đăng ký kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền, nhất là cơ quan thuế để tránh tình trạng gây khó khăn cho DN.

Với nguyên tắc này, tôi ủng hộ bỏ việc ghi mã ngành, nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký DN.

Song có lo ngại rằng, nếu không ghi ngành, nghề đăng ký kinh doanh, thì cả nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý đều không biết DN kinh doanh gì để có quyết định phù hợp?

Việc ghi mã ngành, nghề kinh doanh khi đăng ký DN trên thực tế không đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước. Lý do là, DN có thể đăng ký 3 trang A4 ngành, nghề, nhưng không thực sự kinh doanh những ngành, nghề đó.

Tôi còn nhớ, cách đây hơn 1 năm, khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thống kê số DN kinh doanh vàng, dựa trên ngành, nghề ghi trong giấy chứng nhận đăng ký DN, thì hơn 10.000 DN có đăng ký ngành, nghề này. Song trên thực tế, chỉ có khoảng 1.000 DN hoạt động thực sự. Trong khi đó, các cơ quan đăng ký kinh doanh phải dành tới 60% công việc để làm các thủ tục liên quan đến đăng ký thay đổi ngành, nghề kinh doanh…

Với Dự thảo Luật DN (sửa đổi), DN có nghĩa vụ phải báo cáo tình hình hoạt động cụ thể  với cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh. Thông tin này được công bố công khai trên hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia hiện đã đi vào hoạt động. Có  thông tin này, cơ quan quản lý nắm chắc được số lượng DN trong các ngành, nghề cụ thể, nhà đầu tư biết được DN đó thực sự đang hoạt động những lĩnh vực nào…

Còn với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì sao, thưa ông?

Theo chúng tôi, cùng với việc không ghi ngành, nghề kinh doanh, thì cần có tuyên bố in sẵn trong giấy chứng nhận đăng ký DN có quyền kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề, trừ các ngành, nghề mà pháp luật cấm và in kèm 2 phụ lục về ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Đặc biệt, phải làm rõ là, giấy chứng nhận đăng ký DN không có ý nghĩa thay thế các điều kiện và/hoặc giấy phép kinh doanh cụ thể trong các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Các danh mục này thể hiện tập trung nguyên tắc cơ bản trong Nhà nước pháp quyền: công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm; và nếu Nhà nước không thể liệt kê, cập nhật được tất cả những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện/cấm kinh doanh, thì DN không buộc phải tuân thủ các điều kiện không được liệt kê đó.

Tuy nhiên, thách thức lớn  với Ban soạn thảo là, tập hợp đầy đủ các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh của ngành nghề đó, vì hiện các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định rải rác ở nhiều văn bản pháp lý với các điều kiện rất khác nhau.

Cũng cần có cơ chế để cập nhật thường xuyên, vì hiện tại, pháp luật liên quan đến đầu tư - kinh doanh thay đổi khá nhiều.            

Tin bài liên quan