Thay “chốt” bảo vệ cổ đông, hại hơn lợi?

Thay “chốt” bảo vệ cổ đông, hại hơn lợi?

(ĐTCK) Tại cuộc tọa đàm góp ý Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi, do Báo Đầu tư vừa tổ chức, nhiều ý kiến đề nghị không nên thay “chốt” bảo vệ cổ đông thiểu số như đề xuất của Ban soạn thảo, do e ngại nhiều hệ lụy khó lường.

Coi chừng “rộng cửa” cho thâu tóm DN

Một điểm cải cách của Dự thảo Luật DN sửa đổi, theo quan điểm của Ban soạn thảo, là cuộc họp ĐHCĐ lần đầu được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết thay vì 65% như hiện hành, giảm yêu cầu về tỷ lệ biểu quyết thông qua các quyết định tại ĐHCĐ xuống 51% đối với quyết định thông thường và 65% đối với quyết định đặc biệt, trong khi tỷ lệ tương ứng theo quy định hiện hành là 65% và 75%... Tuy nhiên, bước cải cách này đang gây quan ngại cho cả DN lẫn cơ quan quản lý.

“Để hướng đến thông lệ quốc tế, trước đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) từng nhiều lần kiến nghị điều chỉnh giảm các tỷ lệ trên như nội dung của Dự thảo luật. Tuy nhiên, thực tiễn điều hành thị trường, nhất là trong thời gian gần đây cho thấy, việc giảm các tỷ lệ này có nguy cơ dẫn đến những hệ lụy phức tạp, khó lường. Trong đó, đáng ngại hơn cả là nguy cơ DN dễ bị thâu tóm…”, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK lo ngại và cho rằng, việc Dự thảo luật điều chỉnh tỷ lệ thông qua nghị quyết từ 75%, 65% xuống tương ứng 65% và 51%, dẫn đến số cổ phần có quyền biểu quyết có thể thay thế toàn bộ cổ đông ra quyết định được điều chỉnh từ mức hơn 48,7% và 42,2% xuống tương ứng chỉ là 33,1% và 26%. Tỷ lệ quá thấp này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quyền lợi của các cổ đông nhỏ. Bởi vậy, để phù hợp với thực tiễn thị trường, Dự thảo luật cần giữ nguyên quy định hiện hành là: ĐHCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65%, tỷ lệ thông qua nghị quyết là 75% và 65%.

Tại cuộc tọa đàm, ý kiến của các DN cũng đồng tình với kiến nghị của UBCK. Nếu giảm các tỷ lệ biểu quyết như Dự thảo Luật DN sửa đổi, thì điều các DN lo ngại nhất là rất khó thực hiện các biện pháp phòng vệ trước nguy cơ dễ dàng bị thâu tóm.

“Tạo thuận lợi cho DN triệu tập ĐHCĐ, cũng như thông qua các quyết định trong quá trình hoạt động là cần thiết. Tuy nhiên, việc giảm các tỷ lệ biểu quyết như Dự thảo là rủi ro cho DN, bởi dễ bị thâu tóm đột ngột…”, ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn BIM nói và đề nghị, nên giữ như quy định hiện hành, bởi một cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 65% cổ phần trở lên mới xứng đáng nắm quyền quyết định tại DN, chứ giảm xuống 51% không chỉ dễ khiến DN bị thâu tóm, mà còn có nguy cơ gây mất ổn định cho DN.

Tuy nhiên, Ban soạn thảo vẫn bảo lưu quan điểm của mình, bởi theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật DN sửa đổi, trong quá trình xây dựng Luật DN 2005, Ban soạn thảo đưa ra tỷ lệ biểu quyết cao như vậy với hy vọng bảo vệ cổ đông thiểu số, nhưng mục tiêu này xem ra không đạt được. Đáng nói là cùng với việc không bảo vệ được cổ đông thiểu số, các quy định hiện hành về tỷ lệ biểu quyết thông qua các quyết định, cũng như triệu tập ĐHCĐ đang gây khó cho DN, trong khi không thể phủ nhận một thực tế là lợi ích của DN phải được đặt lên hàng đầu, tiếp đó mới đến lợi ích của các cổ đông. Hơn nữa, lợi ích của DN cũng là lợi ích của các cổ đông. Việc Ban soạn thảo đề xuất phương án cải cách như Dự thảo Luật DN sửa đổi là nhằm giảm bớt khó khăn, tốn kém cho DN trong tổ chức họp ĐHCĐ, cũng như trong quá trình thông qua các quyết định hoạt động của DN, đồng thời phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, nhất là đối với các công ty cổ phần có số lượng cổ đông lớn.

Cũng liên quan đến bảo vệ cổ đông thiểu số, ông Cung cho biết, thay vì quy định hiện hành chỉ áp dụng cơ chế bầu dồn phiếu, Dự thảo luật cho phép DN linh hoạt hơn trong lựa chọn áp dụng cơ chế này và bầu theo đa số phiếu. Điều này nhằm khắc phục thực tế đang tồn tại là bầu dồn phiếu tạo ra phe phái, chia rẽ trong HĐQT, dẫn đến nhiều quyết định tại DN không thể thông qua, hoặc quá trình thông qua kéo dài, ảnh hưởng đến lợi ích của DN, người lao động, chủ nợ…

Độ “vênh” đáng ngại

Đại diện UBCK cũng tỏ ý quan ngại Dự thảo Luật DN sửa đổi đang tạo ra độ “vênh” so với Luật Chứng khoán. Tuy ủng hộ bước cải cách trong Dự thảo luật là không ghi ngành nghề hoạt động vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng ông Sơn nêu ra một tình huống mà nếu không xử lý chặt chẽ sẽ gây khó cho DN niêm yết trên TTCK. Cụ thể, việc không ghi ngành nghề kinh doanh đồng nghĩa không có căn cứ xác định DN hoạt động trong ngành, lĩnh vực nào. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật chứng khoán, NĐT nước ngoài chịu sự khống chế về tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các DN niêm yết hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực. Bởi vậy căn cứ vào đâu để tính room cho NĐT nước ngoài?

Cũng liên quan đến vấn đề này, một vấn đề chưa rõ trong Dự thảo Luật DN sửa đổi, là tỷ lệ sở hữu cổ phần của bên nước ngoài tính trên vốn điều lệ, hay tính trên số cổ phần có quyền biểu quyết? Theo thông lệ quốc tế, khi NĐT bỏ vốn đầu tư vào DN, mà họ không có quyền biểu quyết, thì thường không bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu. Bởi vậy, Dự thảo cần hoàn thiện theo hướng tỷ lệ sở hữu cổ phần của bên nước ngoài nên tính trên tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết, để hỗ trợ cho pháp luật về chứng khoán phát triển các sản phẩm mới, trong đó có chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR)...

Dự thảo Luật cũng chưa đề cập về thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu của cổ đông sáng lập khi họ được phân phối quyền. Chẳng hạn, một cổ đông sáng lập đang nắm giữ lượng cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm. Sau khi cổ đông này chịu hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu 1 năm, DN phát hành thêm quyền mua, vậy lượng cổ phiếu phát hành bổ sung này bị giới hạn chuyển nhượng trong thời hạn 2 năm hay 3 năm?

Một quy định chưa rõ nữa trong Dự thảo luật là quy định về giá thị trường của cổ phần. Theo đó, giá thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần là giá giao dịch trên TTCK cao nhất ngày hôm trước, giá thỏa thuận giữa người bán và người mua hoặc giá do một tổ chức định giá chuyên nghiệp xác định… Theo ông Sơn, quy định như vậy là chưa rõ. Để khắc phục tình trạng này, cần phân tách loại hình DN thành công ty cổ phần, công ty cổ phần đại chúng và DN niêm yết, để xác định giá thị trường của cổ phần cho phù hợp…

“Để giảm thiểu sự không tương thích giữa Dự thảo Luật DN và Luật Chứng khoán, Ban soạn thảo và UBCK tiếp tục tìm phương án khắc phục tối ưu...”, ông Cung nói, đồng thời cho rằng, việc triệt tiêu hoàn toàn độ “chênh” giữa hai luật không hẳn là hay, đôi khi cần có độ “chênh” hợp lý, để tạo động lực cải cách, thay đổi tích cực theo thời gian.

Những ý kiến khác nhau trên tiếp tục được đưa ra mổ xẻ khi Dự thảo Luật DN sửa đổi sẽ được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khai mạc hôm qua (20/5) trước khi dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra cuối năm nay.           


Theo Dự thảo Luật DN sửa đổi, cuộc họp ĐHCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết thay vì 65% như hiện hành. Nới lỏng theo hướng này, tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, tại rất nhiều DN niêm yết, quyền quyết định tiến hành ĐHCĐ, cũng như thông qua các quyết định nằm trong tay một cổ đông. Khi mọi hoạt động của DN đều do một cổ đông định đoạt, sẽ khiến vai trò của các cổ đông khác bị vô hiệu hóa, tính đại chúng của DN bị đe dọa. Cụ thể như, tại CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) và CTCP Cao su Tây Ninh, cổ đông nhà nước là Công ty mẹ Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam lần lượt nắm 56,97%, 60% cổ phần có quyền biểu quyết. Điều này cũng tương tự như tại CTCP Thủy điện Thác Bà (TBC), CTCP Nhiệt điện Ninh Bình (NBP), khi cổ đông nhà nước lần lượt nắm 54% và 54,76% cổ phần có quyền biểu quyết.

 

Thay “chốt” bảo vệ cổ đông, hại hơn lợi? ảnh 1

Bà Phương Hoàng Lan Hương

Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD)

Để bảo vệ cổ đông thiểu số, đồng thời giúp DN giảm nguy cơ dễ dàng bị thâu tóm đột ngột, Dự thảo luật nên duy trì quy định hiện hành là cuộc họp ĐHCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết, tỷ lệ biểu quyết thông qua các quyết định tại ĐHCĐ là 65% đối với quyết định thông thường và 75% đối với quyết định đặc biệt… Ngoài ra, để bảo vệ cổ đông nhỏ, Dự thảo luật nên quy định thời hạn thanh toán cổ tức mà các DN phải tuân thủ, để khắc phục tình trạng khá phổ biến hiện nay là DN nợ cổ tức kéo dài, thậm chí hàng năm nhưng không hề chịu các chế tài tương ứng.

Một quy định chưa hợp lý trong Dự thảo luật, là trường hợp cổ phần được chuyển nhượng trong thời gian từ ngày lập xong danh sách cổ đông đến ngày khai mạc ĐHCĐ, thì người nhận chuyển nhượng có quyền dự họp ĐHCĐ thay thế cho người chuyển nhượng đối với số cổ phần đã chuyển nhượng... Quy định này chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như thực tiễn tại Việt Nam, bởi tuy nhận chuyển nhượng nhưng cổ đông mới chưa có tên trong danh sách cổ đông của DN niêm yết, nên chưa có quyền sở hữu cổ phần. Nếu thực hiện như Dự thảo, thì VSD rất khó điều chỉnh kịp thời danh sách cổ đông dự họp ĐHCĐ.

Một quy định khác trong Dự thảo Luật DN sửa đổi đang tạo xung đột với pháp luật chứng khoán, là Dự thảo cho phép cổ đông phổ thông được quyền xem xét, tra cứu, trích lục các thông tin trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi các thông tin không chính xác... Theo quy định của pháp luật chứng khoán, danh sách cổ đông được bảo mật, nên Dự thảo Luật DN sửa đổi cần xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Tin bài liên quan