Thâu tóm Vinaconex: Nước cờ không dễ tính

Thâu tóm Vinaconex: Nước cờ không dễ tính

(ĐTCK) Cuối cùng, vượt qua mọi đồn đoán về việc “con chuột nuốt con trâu”, Công ty TNHH An Quý Hưng đã chuyển đủ hơn 6.800 tỷ đồng thanh toán cho lô cổ phần chiếm 57% vốn Vinaconex từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Tương lai nào sẽ đến với Tổng công ty có bề dày 30 năm hoạt động này?

Chuyện người trong cuộc

Không chỉ SCIC, người lao động, cổ đông của Vinaconex, mà rất nhiều thành viên thị trường đều trông ngóng xem liệu An Quý Hưng có chuyển tiền thanh toán đúng quy định. Khi những dòng tin đầu tiên về việc này xuất hiện trên www.tinhnhanhchungkhoan.vn, lập tức thu hút hàng nghìn người đọc đã cho thấy phần nào sức nóng của sự kiện này.

Nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán cho biết, đứng sau An Quý Hưng là một nhóm đại gia bất động sản phía Bắc. Họ không xa lạ với Vinaconex.

Bản thân ông Nguyễn Xuân Đông, là người đại diện theo pháp luật và đồng thời là Tổng giám đốc An Quý Hưng từng có thời gian làm việc tại Vinaconex Xuân Mai, một đơn vị từng là thành viên của Vinaconex. An Quý Hưng từng mua cổ phần Vimeco - một công ty con của Vinaconex vào năm 2013, nhưng đã chính thức chia tay với Vimeco vào năm 2016.

Trước thời điểm nộp tiền thanh toán lô cổ phần trên, thị trường được phen chộn rộn khi các tài liệu liên tiếp được tung ra cho các phương tiện truyền thông nhằm chứng minh An Quý Hưng đang đứng trước rủi ro rất lớn trong thương vụ này, cũng như Công ty phải tất tả cầm cố tài sản vay mượn ngân hàng để có tiền thanh toán cho SCIC.

Nhưng rút cuộc, nhóm nhà đầu tư mong An Quý Hưng không lo đủ tiền và bỏ cọc đã thêm một lần nữa không thành công, tương tự như họ đã tính sai nước cờ khi tham gia bỏ giá trong phiên đấu giá.

Sự có mặt của nhiều nhóm nhà đầu tư mới trong cơ cấu cổ đông của Vinaconex đang khiến thị trường tò mò liệu rằng tới đây cục diện tại doanh nghiệp này sẽ diến biến như thế nào? Một doanh nghiệp lớn với bề dày truyền thống 30 năm sẽ đi đâu, về đâu?

Có mặt ở Vinaconex trong chiều 4/12, có thể cảm nhận được khá rõ nét tâm lý chờ đợi và thăm dò của nhiều người lao động Vinaconex. Họ chờ xem động thái mới của các ông chủ sẽ như thế nào để quyết định thái độ làm việc và sự gắn bó với Tổng công ty.

Theo kế hoạch dự kiến, ngay sau khi hoàn tất quá trình chuyển giao cổ phần, trong tháng 12 này, Vinaconex sẽ triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu Hội đồng quản trị mới.

Hầu hết các thành viên do SCIC và Viettel giới thiệu đều từ nhiệm luôn sau thương vụ thoái vốn. Giới quan sát dự báo, chắc chắn Hội đồng quản trị mới sẽ có những chiến lược và đường hướng mới cho hoạt động của Vinaconex.

Nhưng ai sẽ là người chèo lái tương lai Vinaconex? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời ngay. 

Kịch hay phía trước?

Nhìn thẳng vào thực tế, Vinaconex không hẳn là món hời. Lợi nhuận năm 2017 đột biến so với các năm trước do lợi nhuận từ hoạt động tài chính đột biến (chủ yếu thoái vốn tại các công ty con như Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà).

Cơ cấu doanh thu.

Nếu loại trừ khoản lợi nhuận này thì kết quả kinh doanh năm 2017 thấp hơn năm 2016, dù doanh thu tăng trưởng hơn 27%. 9 tháng đầu năm nay, VCG chỉ đạt 274 tỷ đồng lợi nhuận, bằng 55% so với kế hoạch cả năm.

Tỷ lệ lợi nhuận gộp từ hoạt động xây lắp của VCG chỉ đạt khoảng 5%, trong khi doanh thu từ hoạt động xây lắp chiếm đến 64% tổng doanh thu của VCG nên đột biến lợi nhuận trong thời gian tới là không dễ xảy ra.

Kết quả đấu giá phần thoái vốn VCG của SCIC gần 7.500 tỷ đồng, cao hơn 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm là một sự thành công ngoài mong đợi của SCIC. Nhiều nhà đầu tư vẫn băn khoăn đặt câu hỏi rằng:

Tại sao An Quý Hưng lại bỏ ra 7.376 tỷ đồng và kỳ vọng VCG sẽ hoạt động đạt kết quả tích cực thì sau 5 năm, tỷ suất sinh lời nội bộ (IRR) chỉ đạt 4,3%, thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng của các quỹ đầu tư, thường ở mức tối thiếu 12%. Nếu đơn thuần là hoạt động đầu tư tài chính thì rõ ràng đây là một cơ hội đầu tư không hiệu quả cho nhà đầu tư.

Nhưng bên mua thường có những lý do riêng của họ, kịch tính ở những thương vụ Nhà nước thoái vốn tại Sabeco, Vinamilk, Nhựa Bình Minh đã cho thấy điều đó.

Chỉ có điều gây ngạc nhiên cho thị trường trong thương vụ thâu tóm Vinaconex là không phải đến từ nguồn tiền nước ngoài như các thương vụ trước, mà đến từ các nhà đầu tư trong nước, vốn được xem là lép vế về nguồn lực tài chính.

Trở lại với cơ cấu cổ đông của Vinaconex hiện nay, các cổ đông lớn gồm An Quý Hưng nắm 57,71%, nhà đầu mới (theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán là một tỷ phú trên sàn chứng khoán đứng sau) nắm 21,28%, PYN Elite Fund nắm gần 8%, còn lại là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Với cơ cấu cổ đông như vậy, thế khó sẽ nằm ở nhà đầu tư nắm 21,28% cổ phần của Vinaconex, vì tỷ lệ này không cho phép nhà đầu tư can thiệp được vào bất cứ quyết định lớn nào của doanh nghiệp. Việc bán tài sản hoặc quyết định các dự án lớn, theo Điều lệ của Vinaconex, chỉ cần đến 51% cổ phần có quyền biếu quyết.

Hiện nay, tài sản lớn nhất của Vinaconex là Dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh. Khu đô thị này có quy mô xấp xỉ 270 ha, đã triển khai kinh doanh khoảng 70 ha, còn 200 ha đất sạch (đã nộp tiền sử dụng đất và hoàn tất giải phóng mặt bằng).

Nếu theo quy hoạch cũ (với diện tích đất công cộng, cây xanh, bệnh viện…) cộng với chi phí lãi vay gần 150 triệu USD của Bắc An Khánh trong suốt 10 năm qua, để gặt hái được khoản lợi nhuận vài nghìn tỷ đồng khi đưa Dự án vào triển khai toàn bộ là không dễ.

Đáng lưu ý hơn là, Công ty TNHH An Khánh hiện có hai cổ đông, trong đó Vinaconex là một bên nắm giữ 50% nên không dễ ra các quyết định. Thực tế dự án trì trệ suốt 10 năm qua đã cho thấy điều đó.

Nếu toàn bộ số cổ phần trong đợt thoái vốn này đều rơi vào một hay một nhóm nhà đầu tư, tương lai của Vinaconex sẽ khác. Còn hiện nay, giới quan sát đặt ra nhiều khả năng, rất có thể tới đây, Vinaconex sẽ tiếp tục có sự biến động trong cơ cấu cổ đông. Hoặc trong hoạt động của Tổng công ty này sẽ có những biến động lớn về tài sản, dự án… Lý tưởng nhất là kịch bản các bên cùng dắt tay nhau tiến về phía trước.

Bởi thế, hậu M&A Vinaconex được nhận định sẽ còn những câu chuyện mới. Với các nhà đầu tư, có lẽ “đường dài mới biết ngựa hay”.