Trong Đại hội cổ đông, ông đã nói "Nếu tôi không giữ quyền chi phối như thế (cả ông và gia đình nắm khoảng trên 40% vốn) thì công ty bị thâu tóm lâu rồi". Như vậy, nguy cơ thâu tóm là có. Thế lực nào đang thâu tóm Hanoimilk?
Doanh nghiệp nào cũng có nguy cơ bị thâu tóm. Giá cổ phiếu HNM gần đây giảm sâu dưới mệnh giá, thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách và giá trị tài sản thực của công ty nên nguy cơ HNM bị thâu tóm là hoàn toàn có thể.
Tôi là người đã vực dậy công ty từ bên bờ vực thẳm và thâu tóm công ty một cách ngoạn mục khi người ta bỏ chạy. Sau hơn 3 năm thực hiện công cuộc cải tổ toàn diện sâu sắc Hanoimilk đã vượt qua khủng hoảng và bước lên một tầm cao mới.
Công ty đã khôi phục được hệ thống bán hàng theo mô hình chuyên nghiệp với hơn 40.000 cửa hàng được phục vụ và đang sở hữu một đội ngũ kỹ thuật lành nghề với dây chuyền thiết bị hiện đại để có thể sản xuất ra những hộp sữa đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Mặc dù lợi nhuận chưa nhiều do đang theo đuổi chính sách chất lượng nhưng Hannoimilk đang là công ty có tình hình tài chính lành mạnh và minh bạch. Điều này lý giải tại sao gần đây người ta quan tâm và bàn tán rất nhiều đến việc thâu tóm Hanoimilk.
Tuy nhiên, với tư cách là người quyết định việc Hanoimilk có bị thâu tóm hay không, chúng tôi xác nhận chưa chính thức bàn bạc với bất kỳ ai về việc này và như vậy tất cả mới chỉ là tin đồn, chưa có tin thật.
Nếu có người muốn hỏi mua số lượng lớn cổ phiếu HNM với giá cao hơn thị giá, ông có sẵn sàng bán không?
Tôi đã từng trả lời báo chí: "Là người đứng đầu và đang nắm quyền quyết định ở Hanoimilk, việc tôi bán riêng số cổ phần của tôi với giá rất cao để cho ai đó nắm quyền chi phối công ty là không khó, nhưng thú thực tôi không thể bán rẻ quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ. Tại đại hội cổ đông tôi đã nói, tôi bán chỉ được lợi cho bản thân tôi còn sẽ không có lợi cho các cổ đông nhỏ lẻ - Việc này tôi sẽ không làm".
Chấp nhận đương đầu với khó khăn, ông đã xác định được đâu là khó khăn lớn nhất với Hanoimilk? Ông sẽ cùng Hanoimilk vượt qua khó khăn như thế nào?
Tình hình kinh tế khó khăn, sức mua tiêu dùng giảm mạnh, tốc độ tăng trưởng ngành sữa đã chậm lại, thời kỳ vàng son tăng trưởng bình quân trên 30%/năm đã qua đi. Dự kiến năm nay, tăng trưởng ngành sữa chỉ đạt trên 10%. Do vậy, cạnh tranh trong ngành sữa ngày càng trở lên khốc liệt, đặc biệt là phân khúc sữa nước. Đó là khó khăn chung của các doanh nghiệp.
Khó khăn thứ hai, giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí sản xuất ngày càng leo thang mà giá bán thì không tăng được nhiều nên đối với các công ty chủ yếu sản xuất sữa nước như chúng tôi thì có khó khăn hơn so với công ty có sản xuất kinh doanh sữa bột.
Ví dụ, giá thu gom sữa tươi của nông dân hiện nay tăng trên 14.000đ/lít nên chúng tôi buộc phải hạn chể sản xuất dòng sản phẩm sữa tươi Hanoimilk 100% vì nếu sản xuất thì bị lỗ và chúng tôi không thể gian dối pha sữa hoàn nguyên nhưng vẫn PR là sữa tươi 100%.
Một khó khăn nữa do chúng tôi tự gây ra cho mình, đó là do chúng tôi theo đuổi chính sách chất lượng, quyết tâm vươn lên và cạnh tranh bằng chất lượng. Để sản xuất ra những hộp sữa có chất lượng tốt nhất giá thành sản xuất sẽ rất cao chiếm trên 72% so với giá bán. Đây là nguyên nhân chính làm cho lợi nhuận của Hanoimilk chưa có nhiều.
Đối mặt với những khó khăn như trên, chúng tôi buộc phải lựa chọn chiến lược và chiến thuật khôn ngoan và hợp lý để đưa doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn và phát triển bền vững.
Ông có chiến lược nào đột phá hay không?
Bạn hỏi tôi, liệu có chiến lược nào đột phá hay không? Xin trả lời rằng, không thể có cây đũa thần để vừa vực dậy doanh nghiệp đã có ngay siêu lợi nhuận. Chúng tôi tin rằng làm ăn chân chính vì lợi ích của người tiêu dùng thì không thể có siêu lợi nhuận, nhưng nếu kiên trì đi theo con đường chất lượng thì nhất định sẽ đi tới đích.
Hiện tại, rất nhiều công ty đang điêu đứng vì nợ. Hanoimilk có phải đối mặt với khó khăn này không?
Hanoimilk đang có tình hình tài chính lành mạnh và minh bạch. Kể từ khi tôi về làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, công ty chưa hề có lần nào quá hạn trả nợ ngân hàng, cho dù chỉ là một ngày.
Công ty chỉ vay bổ sung vốn lưu động với số vốn vay khoảng từ 30 tỷ đến tối đa là 65 tỷ đồng, chi phí tài chính rất thấp, chỉ chiếm 2,5% trên doanh thu. Điều này đã được ghi nhận trong Báo cáo tài chính được kiểm toán bởi Công ty kiểm toán quốc tế Ernst &Young.
Sở dĩ có kết quả như trên là vì chúng tôi luôn kiểm soát kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện một cách chuyên nghiệp từ việc mua nguyên vật liệu, sản xuất, lưu kho và bán hàng.
Vận mệnh của Hanoimilk nằm trong tay IZZI vì đây là sản phẩm chủ lực. Sản phẩm IZZI tiêu thụ ra sao, có tương xứng với chi phí quảng cáo bỏ ra không thưa ông?
Đúng là IZZI Ngon Công thức S+ đã có một số thành công ban đầu, nhưng không hoàn toàn là do truyền thông và quảng cáo. Thành công này có được chính là nhờ chiến lược cạnh tranh bằng chất lượng của chúng tôi đã giúp cho IZZI Ngon Công thức S+ có những khác biệt và ưu điểm vượt trội so với các sữa khác và nhờ vậy truyền thông và quảng cáo mới có thể phát huy tác dụng. Điều này cũng giống như bạn làm ra một bản tin hay bài báo có nội dung tốt, hấp dẫn thì mới có sức tự lan tỏa tới nhiều người.
IZZI, sản phẩm chủ lực có đủ sức giúp Hanoimilk vượt qua khó khăn?
Việc nhà nước ngày càng xiết chặt hơn về quản lý chất lượng thực phẩm sẽ tạo ra nhiều lợi thế hơn cho những sản phẩm chất lượng cao như IZZI.
Ngay sau khi Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn sữa quốc gia thì IZZI là sản phẩm sữa đầu tiên được cấp chứng nhận đạt Quy chuẩn quốc gia. Việc này có được là nhờ chúng tôi đã kiên trì đi theo con đường chất lượng từ 3 năm trước và trước đó IZZI đã nhận được chứng chỉ chất lượng quốc tế.
Trong khó khăn về kinh tế, người tiêu dùng sẽ xem xét lựa chọn sản phẩm kỹ lưỡng hơn, thông minh hơn và những sản phẩm có chất lượng cao như IZZI Ngon Công thức S+ đã được các mẹ tin tưởng lựa chọn, còn các bé thì yêu thích vì đánh giá ngon hơn sữa khác. Nhờ vậy, từ khi tung sản phẩm mới vào cuối tháng 4 đến nay doanh số bán hàng IZZI Ngon Công thức S+ tăng trưởng liên tục.
Xin cảm ơn ông!