Thấu hiểu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp trông chờ vào những công chức, cơ quan quan lý nhà nước thực sự thấu hiểu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của nền kinh tế, của người dân, doanh nghiệp.
Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần nhanh hơn, thực tiễn hơn, thấu hiểu hơn, vì lợi ích chung.

Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần nhanh hơn, thực tiễn hơn, thấu hiểu hơn, vì lợi ích chung.

Cuối tuần trước, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đã truyền tay rất nhanh văn bản còn nóng hổi của Tổng cục Đường bộ gửi Bộ Giao thông - Vận tải. Cuối cùng, đề nghị lùi thời hạn lắp camera trên xe ô tô thêm khoảng 1 năm cũng được lắng nghe sau nhiều văn bản đi lại và cách thời hạn phải thực hiện đúng… nửa tháng.

Quyết định chính thức còn phải đợi Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo Chính phủ cho phép, song doanh nghiệp có thể thở phào, yên tâm tạm chuyển khoản tiền đang vun vén (khoảng 600-900 triệu đồng với một doanh nghiệp có 100 đầu xe để thay, lắp mới hệ thống camera) sang cho các khoản chi sát sườn khi dịch bệnh hơn 1 năm qua đã bào mòn sức lực của nhiều doanh nghiệp. Nhưng các doanh nghiệp cũng nói, giá như các quyết định này, cũng như các chính sách hỗ trợ được cân nhắc và xem xét sớm hơn, với sự thấu hiểu và thực tế hơn từ các cơ quan quản lý nhà nước, thì doanh nghiệp sẽ bớt đi một phần lo âu để dồn sức vào công việc khác.

Nhìn vào hành trình các đề nghị, khuyến nghị hỗ trợ của doanh nghiệp do tác động của Covid-19 trong hơn một năm qua, có thể thấy, thời gian thường dài, có khi mất vài tháng.

Lấy ví dụ của năm 2020. Tháng 3/2020, ngay sau khi thông tin dịch bệnh lan rộng ở các nước, bắt đầu ảnh hưởng đến Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19. Hơn 1 tháng sau, các gói chính sách hỗ trợ lớn được công bố, bao gồm chính sách cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng quy mô 250.000 tỷ đồng; gói chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng; gói chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất quy mô 180.000 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động 16.000 tỷ đồng...

Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp tiếp cận được, nhất là gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng và 16.000 tỷ đồng. Liên tục trong các tháng 4-5/2020, các hiệp hội doanh nghiệp có văn bản gửi Chính phủ đề nghị xem xét lại các quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, thủ tục tiếp cận..., nhưng đến tháng 10/2020 mới có những thay đổi.

Hệ quả là, trong cuộc họp thường trực mở rộng của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phục vụ thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng năm 2021 vào cuối tuần trước, các đại biểu đã vô cùng sốt ruột với kết quả khó tin là chính sách hỗ trợ gián tiếp cho doanh nghiệp mới đạt chưa đến 1%, còn hỗ trợ cho người lao động theo hợp đồng phải chấm dứt hợp đồng và một số trường hợp khác cũng chưa đến 1%, chỉ đạt 0,22 đến 0,49%...

Điều này cũng có nghĩa, thời điểm vàng để hỗ trợ nhiều doanh nghiệp bị tác động của các đợt dịch Covid-19 năm 2020 đã bị bỏ lỡ, cũng có nghĩa, nguồn lực để nền kinh tế nhanh chóng hồi phục và phát triển đã hao hụt đôi phần.

Đợt dịch lần thứ tư này, tình hình cấp bách hơn nhiều, đòi hỏi những chính sách hỗ trợ nhanh hơn, thực tiễn hơn, thấu hiểu hơn, vì lợi ích chung.

Tất nhiên, doanh nghiệp cũng hiểu, các cơ quan quản lý nhà nước không dễ có những quyết định ngay và nhanh như doanh nghiệp, nhất là với những quy trình, thủ tục hành chính nhiều tầng nấc, những yêu cầu đánh giá tác động của các văn bản mỗi lần sửa đổi hay làm mới... cần phải tuân thủ. Song, khi nền kinh tế đang trong giai đoạn “bình thường mới” với những thay đổi không lường do dịch bệnh, cần những chính sách hỗ trợ, cách làm có thể chưa từng có tiền lệ, thì quy trình bình thường rất có thể lại là lực cản.

Trở lại câu chuyện của doanh nghiệp kinh doanh vận tải, trong những văn bản gửi các cơ quản lý nhà nước cuối năm ngoái, doanh nghiệp trong ngành nay đều khẳng định, nhất trí với chủ trương của Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn thông qua triển khai lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải, nhưng họ đã lường trước những khó khăn và mong được trợ giúp trực tiếp.

Lúc này, doanh nghiệp nói họ trông chờ vào những công chức, cơ quan quan lý nhà nước thực sự thấu hiểu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của nền kinh tế, của người dân, doanh nghiệp.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin bài liên quan