Thầu bảo hiểm, những chiêu cản cũ tái diễn

Thầu bảo hiểm, những chiêu cản cũ tái diễn

(ĐTCK) Gây khó khăn trong mua hồ sơ mời thầu cung cấp dịch vụ bảo hiểm, chủ đầu tư bắt tay với nhà thầu đưa vào hồ sơ mời thầu “rào cản kỹ thuật”, trúng thầu nhưng không gọi người trúng đến thương thảo… là tình trạng khá phổ biến, khiến nhiều doanh nghiệp “công cốc” ra về! Ngay cả mua được hồ sơ mời thầu thì cũng mới chỉ là “qua vòng gửi xe”.

Hồ sơ chưa kịp đóng dấu, hết hồ sơ, bận họp…

Mới đây nhất, ngày 4/12, có 3 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phản ánh về việc bị cản trở mua hồ sơ thầu Gói thầu bảo hiểm xây dựng dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông kết nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 70B tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Hòa Bình (từ km10 + 200 đến cuối tuyến).

Đây là dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. Bên mời thầu là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khối kinh tế huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi (chỉ chọn nhà thầu trong nước). Thời gian bán hồ sơ mời thầu từ 8h ngày 22/11/2017 đến 8h ngày 12/12/2017 tại Ban Quản lý dự án. Thời gian mở thầu là 8h30 ngày 12/12/2017.

Đúng ngày mở bán, 3 doanh nghiệp bảo hiểm trên cùng một số nhà thầu khác đã đến Ban Quản lý dự án nhưng “công cốc” ra về do các bên đùn đẩy trách nhiệm. Nhà thầu liên tục gọi vào số điện thoại trong thông báo bán hồ sơ nhưng không có ai nghe máy.

Nhân viên của Ban Quản lý dự án thì bảo không biết và chỉ sang Phòng Tài chính của huyện Thanh Thủy để hỏi, nhưng khi vào đó thì một nhân sự trong phòng cho hay, họ kiêm nhiệm nhiều việc nên không rõ.

Tìm gặp Trưởng phòng Tài chính thì được biết, chưa được phân công thực hiện việc bán hồ sơ thầu. Quay lại hỏi Chánh Văn phòng UBND huyện thì lại được chỉ sang phòng của Ban Quản lý dự án.

“Cuối cùng, chúng tôi hỏi một Phó chủ tịch huyện thì chị ấy chỉ qua bên Phó chủ tịch phụ trách khối kinh tế - tài chính, nhưng phòng này đóng cửa”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nói.

Lãnh đạo UBND huyện Thanh Thủy sau đó thừa nhận đã xảy ra sự việc như trên, đồng thời cho biết, hồ sơ lúc đó chưa kịp đóng dấu và không thấy nhà thầu quay lại.

Phía doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, trong các lý do thì lý do hồ sơ thầu chưa kịp đóng dấu là khó chấp nhận nhất. Trước khi mở bán, việc đóng dấu nói riêng cũng như các phần việc liên quan đến hồ sơ phải được sẵn sàng, còn nếu chưa xong thì cần chủ động thông báo cho nhà thầu để lùi thời hạn bán. Thực tế các vụ đấu thầu bảo hiểm cho thấy, số nhà thầu mua hồ sơ chỉ đếm trên đầu ngón tay, không mất nhiều thời gian để đóng dấu.

Những lý do khác khá nực cười được đưa ra tại không ít vụ bán hồ sơ thầu đó là “đây là lĩnh vực mới nên cán bộ chuyên trách chưa có nhiều kinh nghiệm, nhân viên bán hồ sơ bận đi nghỉ mát, bận đi họp, bận đi tiếp khách, đi mua lẵng hoa kỷ niệm ngày thành lập công ty…”.

Mua được hồ sơ thầu mới chỉ là qua vòng “gửi xe”

Trong nhiều hồ sơ thầu có những tiêu chí không rõ ràng, một số tiêu chí đặt ra có dấu hiệu cản trở số đông nhà thầu tham gia, có dấu hiệu “gài” thầu, “bật đèn xanh” cho một nhà thầu. Tuy nhiên, với những gói thầu trị giá hàng tỷ đồng, hàng chục tỷ đồng phí bảo hiểm thì các doanh nghiệp bảo hiểm không ngại “chinh chiến” đến cùng với bên mời thầu để yêu cầu làm rõ thông tin.

Chẳng hạn, tháng 7/2017, một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phản ánh, hồ sơ gói thầu mua sắm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và các rủi ro đặc biệt cho các tòa nhà cũng như hệ thống tổng kho của một tập đoàn viễn thông không rõ ràng.

Gói thầu do ban đầu tư của tập đoàn làm chủ đầu tư. Trước thời điểm đóng thầu, một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị tập đoàn làm rõ và điều chỉnh một số tiêu chí dự thầu. 

Các doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, hồ sơ chưa rõ ràng nên đã gửi công văn cho bên nhà thầu đề nghị làm rõ. Trong đó, Bảo hiểm Bảo Minh có ít nhất 3 công văn gửi tập đoàn vào các ngày 21/7 và 24/7, đề nghị bên mời thầu làm rõ tiêu chí nào được gọi là ưu đãi, bởi nếu không đưa rõ tiêu chí thì sẽ dẫn đến không có cơ sở để đánh giá lựa chọn nhà thầu một cách minh bạch và công tâm, mà sẽ xét thầu theo cảm tính, không đảm bảo yếu tố cạnh tranh trong đấu thầu.

Bảo hiểm PJICO có công văn đề nghị điều chỉnh yêu cầu vốn điều lệ tính đến thời điểm 31/12/2016 của nhà thầu xuống còn 300 tỷ đồng trở lên (bằng mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm), thay vì 800 tỷ đồng trở lên, để thu hút sự tham gia rộng rãi hơn của nhiều nhà bảo hiểm có năng lực và kinh nghiệm.

Bảo hiểm PVI thì có 2 công văn gửi bên mời thầu, đề nghị làm rõ và điều chỉnh tiêu chí mời thầu đánh giá năng lực tài chính và kinh nghiệm của nhà thầu, phù hợp với Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Đấu thầu để thu hút rộng rãi nhà thầu, đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu.

Phía tập đoàn viễn thông sau đó có công văn trả lời, làm rõ một số nội dung trong hồ sơ thầu. Đồng thời, điều chỉnh tiêu chí đánh giá năng lực tài chính, kinh nghiệm của nhà thầu, năng lực bồi thường tổn thất…; làm rõ quy định về công ty tái bảo hiểm hoặc đồng bảo hiểm, điều chỉnh tiêu chí tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm năm 2016 từ mức 15% về 5% (trở lên).

Về đề xuất điều chỉnh tiêu chí vốn điều lệ, phía chủ đầu tư từ chối. Lý do là mức vốn điều lệ 300 tỷ đồng là mức vốn tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm, trong khi với giá trị gói thầu lớn, lên tới trên 8.000 tỷ đồng như thế này, chủ đầu tư cần lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm có tiềm lực tài chính đủ mạnh.

Trên đây chỉ là 2 trong số các vụ việc điển hình về cản thầu.

Trong bức tranh thầu bảo hiểm năm 2017 có thêm một số điểm có vẻ mới trong công tác “hậu kỳ”, đó là các doanh nghiệp bảo hiểm trong vai nhà thầu chủ động hơn trong việc thương thảo đồng bảo hiểm với nhà thầu còn lại trên cơ sở thống nhất lợi ích được hưởng.

Mặc dù vậy, nhà thầu “chắc thắng” không chịu “xuống nước” theo kiểu đồng bảo hiểm 50 - 50 (mỗi bên bán một nửa gói bảo hiểm). Nhà thầu “chắc thắng” này giữ quan điểm mình phải là “nhà cái”, chứ không chấp nhận làm nhà thầu phụ, ngoại trừ trường hợp hai bên thỏa thuận chia sẻ với nhau tại một vài gói bảo hiểm khác (chắc thắng và trở thành đồng bảo hiểm).

Năm 2017 không phải là năm đầu tiên thầu bảo hiểm có "vấn đề". Còn nhớ năm 2016, hàng loạt câu chuyện "kiện", "tố" nhau đã diễn ra. Giải pháp xử lý triệt để dường như chưa có và những chiêu cản thầu vẫn còn đất diễn trong tương lai.                

Tin bài liên quan