Sau phiên hồi phục mạnh mẽ hôm thứ Năm, chứng khoán Mỹ lại chứng kiến cảnh bán tháo trong phiên cuối tuần, đặc biệt là từ nhóm cổ phiếu công nghệ sau kết quả kinh doanh và triển vọng kết quả kinh doanh thất vọng từ các ông lớn như Alphabet (Google), Amazon…
Ngoài ra, Phó chủ tịch Fed cho biết việc tăng lãi suất vẫn cần thiết cũng khiến giới đầu tư trở không mấy vui vẻ.
Tuy nhiên, đà giảm đã được hãm bớt phần nào trong ít phút cuối phiên nhờ lực cầu bắt đáy nhập cuộc, nhưng nó vẫn không thể giúp cho Nasdaq có tuần giảm mạnh nhất từ cuối tháng 3.
Kết thúc phiên 26/10, chỉ số Dow Jones giảm 296,24 điểm (-1,19%), xuống 24.688,31 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 46,88 điểm (-1,73%), xuống 2.658,69 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 151,12 điểm (-2,06%), xuống 7.167,21 điểm.
Trong tuần, Dow Jones giảm tới 2,97%, S&P 500 mất 3,94% và Nasdaq cũng mất tới 3,78%.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng chịu cảnh bán tháo trong phiên cuối tuần trước do kết quả kinh doanh tiêu cực từ một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhờ lực cầu bắt đáy tốt, các chỉ số chính của chứng khoán châu Âu đã hãm bớt đà rơi vào cuối phiên. Trong phiên này, nhóm cổ phiếu công nghiệp ô tô giảm 1,6%, trong đó cổ phiếu của nhà sản xuất phụ tùng ô tô Pháp Valeo giảm hơn 21% sau khi hạ dự báo lợi nhuận lần thứ 2 trong 3 tháng. Nhóm cổ phiếu thiết bị gia dụng cũng bị bán tháo mạnh do cắt giảm doanh thu, lợi nhuận.
Kết thúc phiên 26/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 64,54 điểm (-0,92%), xuống 6.939,56 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 106,50 điểm (-0,94%), xuống 11.200,62 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 64,92 điểm (-1,29%), xuống 4.967,37 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 1,56%, trong khi chỉ số DAX giảm tới 3,06%, chỉ số CAC 40 cũng mất 2,31%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm điểm do kết quả kinh doanh kém khả quan của một số tập đoàn trong nước và có tuần giảm mạnh nhất trong 8 tháng. Tương tự, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng mất điểm trong phiên cuối tuần trước khi tâm lý nhà đầu tư thận trọng trở lại sau những phiên hưng phấn với những tuyên bố hỗ trợ thị trường của Bắc Kinh.
Kết thúc phiên 26/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 84,13 điểm (-0,40%), xuống 21.184,60 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 4,95 điểm (-0,19%), xuống 2.598,85 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 276,83 điểm (-1,11%), xuống 24.717,63 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm tới 5,98%, mức giảm theo tuần mạnh nhất trong 8 tháng, Hang Seng cũng mất 3,30%, trong khi Shanghai Composite lại hồi phục 1,90%.
Sau khi lình xình trong phiên châu Á, giá vàng đã tăng vọt trong phiên Mỹ khi chứng khoán bị bán tháo, nhưng đã hạ nhiệt về cuối phiên khi đà giảm trên thị trường chứng khoán bị hãm lại. Dù vậy, kim loại quý vẫn có tuần tăng thứ 3 liên tiếp và theo dự báo của giới phân tích, cũng như đầu tư, giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng trong tuần mới.
Kết thúc phiên 26/10, giá vàng giao ngay tăng 1,2 USD (+0,1%), lên 1.232,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 3,4 USD/ounce (+0,28%), lên 1.235,8 USD/ounce.
Trong tuần giá vàng giao ngay tăng 0,51% và giá vàng tương lai tăng 0,47%, tuần tăng thứ 3 liên tiếp.
Theo khảo sát, trong 18 chuyên gia trả lời cuộc khảo sát tuần này, có 12 người, chiếm 67% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần mới, chỉ có 1 người, chiếm 6% dự báo giá vàng điều chỉnh và 5 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 28%.
Tương tự, trong 444 người tham gia cuộc khỏa sát trực tuyến, có 291 người, chiếm 66% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng, 106 lượt, chiếm 24% dự báo giá vàng sẽ giảm và 47 lượt người, chiếm 11% dự báo giá vàng đi ngang.
Tuần trước, có 70% các nhà phân tích và 60% nhà đầu tư dự báo giá vàng tăng và điều này đã trở thành sự thật trong tuần vừa qua.
Giá dầu thô tiếp tục hồi phục trong phiên cuối tuần khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với phát biểu về việc các nước xuất khẩu dầu thô lớn sẽ can thiệp để ổn định giá dầu của Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê út hôm thứ Năm.
Kết thúc phiên 26/10, giá dầu thô Mỹ tăng 0,26 USD (+0,38%), lên 67,59 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,73 USD (+0,94%), lên 77,62 USD/thùng.
Dù hồi phục trong 2 phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô tiếp tục có tuần giảm khá mạnh do dự báo nhu cầu sụt giảm vì cuộc chiến thương mại. Cụ thể, chốt tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 2,21%, giá dầu thô Brent giảm 2,71%