Thất vọng với dữ liệu kinh tế, giới đầu tư xả hàng

Thất vọng với dữ liệu kinh tế, giới đầu tư xả hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall trượt dốc trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (17/7) chịu sức ép trước loạt dữ liệu bán lẻ đáng thất vọng cho thấy đà nền kinh tế Mỹ phục hồi không đồng đều.

Doanh số bán lẻ tháng Bảy của Mỹ đã giảm sâu hơn dự báo trong bối cảnh các chính sách kích thích nền kinh tế đang dần thu hẹp, cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại vào đầu quý II.

Cụ thể, theo báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm thứ Ba, doanh số bán lẻ tháng 7 của Mỹ giảm 1,1% trong tháng trước đó, giảm mạnh hơn so với mức 0,3% được dự báo. Dữ liệu tháng 6 được điều chỉnh tăng 0,7% thay vì tăng 0,6% như báo cáo trước đó.

Tính đến hết tháng 7, doanh số bán lẻ đang cao hơn 17,2% so với mức trước đại dịch và tăng 15,8% so với tháng 7 năm ngoái.

Doanh số tại các đại lý ô tô tiếp tục giảm 3,9% trong tháng vừa qua, sau khi giảm 2,2% trong tháng 6. Việc sản xuất các loại xe cơ giới trong tháng 7 bị cản trở bởi tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu.

Tuy nhiên vẫn có một số tin tức đáng khích lệ. Báo cáo độc lập từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho thấy, sản lượng xe có động cơ tăng 11,2% trong tháng 7 nhờ các nhà sản xuất ô tô giảm thiểu hoặc hủy bỏ đợt đóng cửa tân trang thiết bị hàng năm. Không bao gồm ô tô, sản lượng chế tạo cũng tăng 0,7% trong tháng. Tổng sản lượng sản xuất trong tháng cao hơn 0,8% so với mức trước đại dịch.

Ngành sản xuất, chiếm 11,9% nền kinh tế Mỹ, đang được củng cố bởi nhu cầu nội địa mạnh mẽ, tuy nhiên điều này lại đang tạo áp lực lên chuỗi cung ứng, khiến các nhà sản xuất phải vật lộn với tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào và nhân công.

Trọng tâm thị trường hiện đang tập trung biên bản cuộc họp mới nhất của Fed sẽ được công bố vào thứ Tư.

Bộ ba chỉ số chính chìm trong sắc đỏ trong phiên đêm qua. Trong khi đó, trong phiên ngoài giờ, Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures cũng đang lao dốc.

Kết thúc phiên 17/8, chỉ số Dow Jones giảm 282,12 điểm (-0,79%), xuống 35.343,28 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 21,63 điểm (-0,71%), xuống 4.448,08 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 137,58 điểm (-0,93%), xuống 14.656,18 điểm.

Chứng khoán châu Âu ảm đạm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba trong bối cảnh dữ liệu kinh tế lạc quan của khu vực đồng euro không thể xoá mờ hết những lo lắng về kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại trước tình hình dịch bệnh lây lan tăng đột biến ở châu Á.

Theo số liệu chính thức được, eurozone đã tăng trưởng 2% trong quý II/2021 khi các doanh nghiệp được mở cửa trở lại đã vực dậy hoạt động kinh doanh sau một thời gian trì trệ do đại dịch Covid-19.

Kết thúc phiên 17/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 27,13 điểm (+0,38%), lên 7.181,11 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 3,78 điểm (-0,024%), xuống 15.921,95 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 18,93 điểm (-0,28%), xuống 6.819,77 điểm.

Chứng khoán châu Á tiếp tục chìm trong sắc đỏ. Chứng khoán Nhật Bản giảm phiên thứ tư liên tiếp trước lo ngại về biến thể delta đang gây ra đợt bùng phát dịch bệnh dai dẳng.

Chứng khoán Trung Quốc có phiên giảm mạnh nhất trong ba tuần do triển vọng kinh tế ảm đạm đè nặng lên nhóm cổ phiếu tiêu dùng và cổ phiếu chu kỳ.

Chứng khoán Hồng Kông lao dốc trước triển vọng kinh tế ảm đạm và nguy cơ kiểm soát chặt chẽ hơn của Bắc Kinh đối với lĩnh vực công nghệ.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ tám liên tiếp do lo ngại nền kinh tế phục hồi chậm lại.

Kết thúc phiên 17/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 98,72 điểm (-0,36%), xuống 27.424,47 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 70,37 điểm (-2,00%), xuống 3.446,98 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 435,59 điểm (-1,66%), xuống 25.745,87 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 28,20 điểm (-0,89%), xuống 3.143,09 điểm.

Giá vàng đêm qua quay đầu giảm nhẹ do đồng USD mạnh hơn trong bối cảnh các dữ liệu kinh tế vĩ mô gây thất vọng.

Kết thúc phiên 17/8, giá vàng giao ngay giảm 0,8 USD (-0,04 %), xuống 1.786,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 1,90 USD (-0,11%), xuống 1.785,70 USD/ounce.

Giá dầu suy yếu phiên thứ tư liên tiếp trong bối cảnh đồng USD tăng giá, các ca nhiễm Covid-19 mới không ngừng gia tăng ở Nhật Bản khiến bức tranh nhu cầu nhiên liệu tại châu Á càng thêm yếu ớt

Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và nhiều khu vực khác vào thứ Ba để ngăn chặn sự lây lan đột biến của dịch bệnh đang đe dọa hệ thống y tế nước.

Kết thúc phiên 17/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,70 USD (-1%), xuống 66,59 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,48 USD (-0,7%), xuống 69,03 USD/thùng.

Tin bài liên quan