Sự khác biệt đã được hiển thị đầy đủ trong tuần này. Chỉ số chứng khoán quan trọng của Trung Quốc đã ghi nhận mức giảm lên tới 20% từ mức đỉnh gần đây, trong khi chỉ số Kospi của Hàn Quốc hướng đến thị trường giá lên và các chỉ số chứng khoán ở Ấn Độ đạt mức cao kỷ lục. Chứng khoán Nhật Bản cũng đạt mức cao nhất trong ba thập kỷ vào đầu tháng 5, bên cạnh thị trường chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục vượt trội so với hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới.
Sự thay đổi danh mục đầu tư tập trung vào châu Á dường như đang diễn ra khi các thị trường lớn tách rời khỏi biến động tiêu cực của thị trường Trung Quốc và tăng mạnh bất chấp những lo ngại rằng sự sụt giảm trong nền kinh tế lớn nhất khu vực sẽ kéo theo cổ phiếu ở những nơi khác.
Triển vọng tươi sáng cho các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới ở Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), lạm phát tăng ở Nhật Bản và tiêu dùng đang bùng nổ ở Ấn Độ là một trong những yếu tố thúc đẩy cổ phiếu của các thị trường này ngay khi các chỉ số của Trung Quốc đang có diễn biến tiêu cực theo sau các thị trường chứng khoán trên toàn cầu.
Christina Woon, Giám đốc đầu tư bộ phận chứng khoán châu Á tại abrdn cho biết: “Hoàn toàn có rất nhiều cơ hội ở châu Á bên ngoài Trung Quốc. Hàn Quốc cho phép bạn tiếp xúc với rất nhiều công ty trong chuỗi cung ứng pin và công nghệ, Đài Loan (Trung Quốc) là quê hương của TSMC và Nhật Bản cho phép bạn tiếp cận với các doanh nghiệp hàng đầu trên toàn cầu trong lĩnh vực của họ”.
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán châu Á trong thời gian gần đây |
Dòng vốn nước ngoài vào Nhật Bản đã tiếp tục trong 7 tuần liên tiếp cho đến giữa tháng 5, trong khi Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã ghi nhận dòng tiền vào ròng từ khối ngoại ít nhất 9,1 tỷ USD từ đầu năm đến nay, đảo ngược dòng vốn chảy ra trong năm 2022.
Ngược lại, phân bổ quỹ đầu tư toàn cầu cho Trung Quốc đã giảm trở lại mức của tháng 10. Doanh số bán chứng chỉ quỹ cho khách hàng trong nước trong tháng 5 cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Mặc dù đã lạc quan về thị trường chứng khoán Trung Quốc trong các tháng đầu năm, phố Wall cũng thận trọng trở lại khi nền kinh tế nước này đang chững lại và căng thẳng địa chính trị biến các chỉ số chứng khoán trở nên kém hiệu quả so với các thị trường trên toàn cầu. Hoạt động sản xuất tiếp tục sụt giảm trong tháng 5 cũng làm tăng thêm triển vọng ảm đạm.
Dịch chuyển cơ bản
Sự vượt trội của các thị trường khác có thể mang tính cấu trúc hơn khi dân số Trung Quốc giảm và các ngành công nghiệp đã mang tính chất chín muồi, trong khi sự không chắc chắn về quy định của Bắc Kinh khiến bất kỳ kỳ vọng lớn nào cũng trở nên rủi ro. Chứng khoán ở Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc thường xuyên vượt trội hơn so với thị trường chứng khoán Trung Quốc kể từ năm 2020.
Aninda Mitra, người đứng đầu chiến lược đầu tư và vĩ mô châu Á tại BNY Mellon Investment Management cho biết: “Việc phân bổ lại khỏi Trung Quốc trên thực tế có thể đã xúc tác cho những đà tăng của các thị trường trên khắp các khu vực phân tán rộng lớn của châu Á. Bức tranh vĩ mô ở châu Á mới nổi đang hỗ trợ với lãi suất cao nhất, áp lực nhiều hơn đối với đồng đô la Mỹ và nhu cầu phục hồi của phương Tây”.
Cải cách doanh nghiệp đang được tiến hành ở Nhật Bản và sự chứng thực của Warren Buffett đã khuấy động sự phấn khích đối với các cổ phiếu bị định giá thấp của nước này. Các chỉ số Topix và Nikkei ghi nhận mức tăng hai con số trong năm nay, đánh bại các chỉ số chuẩn châu Á một cách xuất sắc.
Các thị trường có lĩnh vực công nghệ chiếm phần lớn như Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đang phục hồi khi nhu cầu đối với mọi thứ về trí tuệ nhân tạo tăng cao và khi chu kỳ chip được cho là đã qua giai đoạn khó khăn nhất. Chứng khoán ở các thị trường này cũng đã tăng ít nhất 15% trong năm nay. Tại Ấn Độ, sự tăng trưởng của các nhà đầu tư cá nhân và thu nhập ổn định đang làm tăng thêm sức hấp dẫn của cổ phiếu với các quỹ nước ngoài đổ vào, giúp chỉ số Nifty 50 lên gần mức cao kỷ lục.
Hiệu suất các năm của chỉ số chứng khoán Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản |
Hartmut Issel, người đứng đầu bộ phận tín dụng và vốn chủ sở hữu khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại UBS Wealth Management cho biết: “Hàn Quốc là thị trường ưa thích hiện tại của chúng tôi do có khoảng 60% chất bán dẫn, linh kiện và công nghệ tiếp xúc với thị trường này”.
Chủ đề châu Á ngoài Trung Quốc đã được thể hiện rõ ràng trong các khuyến nghị chiến lược gần đây. BNY Mellon Investment Management đã tỏ ra trung lập với Trung Quốc vào tuần trước, ưu tiên các thị trường được hưởng lợi từ tiêu dùng của Trung Quốc như Hàn Quốc, Thái Lan hoặc Singapore. Citigroup vào thứ Sáu (26/5) đã thay đổi khuyến nghị từ tăng tỷ trọng đối với thị trường Trung Quốc sang trung lập với lý do thiếu các biện pháp kích thích.
Chắc chắn, thị trường Trung Quốc đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ như các doanh nghiệp nhà nước cũng như các tên tuổi bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, và khi sự hưng phấn mở cửa trở lại từ tháng 11 đến tháng 1 cho thấy, việc đánh mất động lực tăng trưởng có thể gây ra tác động tiêu cực.
Robert Secker, chuyên gia về danh mục đầu tư của T. Rowe Price Group cho biết: “Thị trường Trung Quốc đã định giá rất nhiều triển vọng tiêu cực, điều này tạo ra nhiều cơ hội hơn ở Trung Quốc trong giai đoạn này. Đợt bán tháo gần đây đã mở ra cơ hội trong các lĩnh vực có xu hướng lâu dài và tiềm năng tạo ra lãi kép liên tục theo thời gian”.
Khi dòng tiền đang theo xu hướng đầu tư theo momentum (động lượng), việc định giá đã trở nên ít được quan tâm hơn. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc và Nikkei 225 của Nhật Bản đang giao dịch ở mức cao hơn lần lượt là 23% và 17% so với mức P/E trung bình của các thị trường này trong 10 năm qua. P/E của chỉ số chứng khoán Ấn Độ cũng đang giao dịch ở mức khoảng 19 lần, cao hơn xu hướng lịch sử của chúng.
Tuy nhiên, sự biến động kéo dài và môi trường pháp lý hiện tại không thể đoán trước đối với Trung Quốc, có nghĩa là các nhà đầu tư đang kén chọn hơn với thị trường này.
“Bạn cần phải cụ thể hơn và có mục tiêu cụ thể hơn về cách bạn đầu tư vào Trung Quốc…Có rất nhiều sự hoài nghi về triển vọng dài hạn của Trung Quốc, điều đó cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với Trung Quốc trong thời gian tới vẫn sẽ bị dịu bớt”, Timothy Moe, chiến lược gia trưởng về vốn chủ sở hữu châu Á-Thái Bình Dương tại Goldman Sachs cho biết.