Chỉ trong năm 2014, AMD Group đã tăng vốn gấp tới 10 lần, từ 30 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng
Chỉ mới niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) từ ngày 16/6, cổ phiếu AMD của Công ty cổ phần Đầu tư AMD Group tăng trần liên tục. Từ mức giá tham chiếu 16.000 đồng/cổ phiếu từ hôm chào sàn (ngày 16/6), đến phiên ngày 19/6, cổ phiếu AMD đã vọt lên mức giá 23.400 đồng/cổ phiếu.
Mặc dù cổ phiếu AMD đã có dấu hiệu điều chỉnh trong phiên giao dịch đầu tuần này khi sụt xuống 22.300 đồng/cổ phiếu vào phiên ngày 22/6, nhưng việc tân binh của HOSE đến từ sàn UPCoM “làm mưa, làm gió” những phiên vừa qua vẫn để lại nhiều dư âm. Một loạt câu hỏi được đặt ra với nhà đầu tư là, yếu tố nào tạo nên “cơn bão” mang tên AMD?
Ra đời vào năm 2007, tới đến năm 2012, AMD Group chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tư vấn đầu tư và tư vấn quản lý kinh doanh. Đến năm 2013, Công ty bắt đầu mở rộng sang hoạt động kinh doanh thương mại. Từ năm 2014, doanh nghiệp trẻ nhưng nhiều tham vọng này tiến quân sang nhiều ngành nghề khác với việc mua lại một loạt công ty con, công ty liên kết hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau như Viện Quản lý và Phát triển châu Á, Công ty cổ phần Vật tư và Khoa học Kỹ thuật Acetech, Công ty cổ phần Pink House Việt Nam, Công ty cổ phần Decohouse…
Nhìn vào quá trình trưởng thành của AMD Group, tốc độ lớn nhanh như vậy, phần nào cũng làm cho giới đầu tư đặt dấu hỏi về sự ổn định. Chỉ trong năm 2014, AMD Group đã tăng vốn gấp tới 10 lần, từ 30 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng.
Sự gia tăng siêu tốc về vốn, đương nhiên tạo cho AMD Group một áp lực không nhỏ trong việc duy trì tỷ suất lợi nhuận. Mặc dù năm 2014, AMD Group đạt lợi nhuận sau thuế là 17,81 tỷ đồng, tăng tới 4,8 lần so với kết quả 3 tỷ đồng của năm 2013, nhưng tốc độ gia tăng lợi nhuận như trên cũng không thấm vào đâu so với tốc độ tăng vốn. Chính vì vậy, tỷ suất lợi nhuận trên vốn của AMD Group trong năm 2014 vẫn ở mức khá thấp, chỉ 5,56%, sụt giảm mạnh so với tỷ lệ 9,14% của năm 2013.
Trong số các công ty con, công ty liên kết mà AMD Group vừa rót vốn đầu tư trong năm 2014, đáng quan tâm nhất là khoản đầu tư vào Viện Quản lý và Phát triển châu Á (AMDI). Đây là một tổ chức khoa học hoạt động tư vấn, nghiên cứu và đào tạo về quản lý và phát triển và là một thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).
Với việc mua lại AMDI, AMD Group là một trong số ít các doanh nghiệp có viện nghiên cứu nằm trong doanh nghiệp. Trước đó, một số doanh nghiệp đã ứng dụng mô hình viện trong doanh nghiệp và đã khá thành công việc đưa ứng dụng khoa học vào thực tế kinh doanh thương mại như Công ty cổ phần Nền móng và Công trình ngầm FECON, Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC.
Cùng với đó, Decohouse là một công ty bất động sản hiện đang đầu tư phát triển một dự án xây dựng khu nhà nghỉ sinh thái, nhà hàng sinh thái và kinh doanh thương mại tại xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án này có quy mô 7.200 m2 với vốn đầu tư 25 tỷ đồng.
Với một số các công ty con khác của AMD Group, Pink House thuộc hệ thống trường mầm non quốc tế chất lượng cao, còn Acetech hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp vật tư và thiết bị kỹ thuật và chuyển giao công nghệ.