An Giang là địa phương có nhiều núi non nhất tại vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.
Dãy Thất Sơn có 37 núi, đồi, trong đó, theo quyển Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, Thất Sơn là 7 điểm linh huyệt mang tính phong thủy trong dãy Thất Sơn, từ đó chọn ra 7 núi tiêu biểu để đặt tên tượng trưng cho 7 linh huyệt. Đó là Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), Núi Két (Anh Vũ Sơn), Núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), Núi dài Nhỏ - Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), Núi Dài (Ngọa Long Sơn), Núi Tượng (Liên Hoa Sơn), Núi Nước (Thủy Đài Sơn).
Mỗi ngọn núi, con suối nơi đây đều lưu dấu của truyền nhân, lưu giữ nhiều dấu tích của một thời khai hoang mở cõi, chống giặc ngoại xâm, cho tới ngày nay vùng đất này còn ẩn chứa biết bao điều huyền bí và nhiều nơi mà ngay cả người dân bản địa cũng chưa từng đặt chân đến.
Đà Lạt giữa đồng bằng
Núi Cấm - Thiên Cẩm Sơn có độ cao 716m so với mặt nước biển là ngọn núi cao nhất, hùng vĩ, đẹp và có nhiều dân cư sinh sống nhất trong dãy Thất Sơn. Thời tiết trên đỉnh núi Cấm thật lý tưởng, nhiệt độ trung bình từ 18 - 20 độ C, luôn mát mẻ do sương giăng, mây phủ và rợp tán màu xanh cây trái.
Do khí hậu mát mẽ quanh năm nên người dân trên núi đã trồng được nhiều loại rau củ xứ lạnh như: su hào, cà rốt …và một số loài hoa Đà Lạt, vì thế người dân ở đây ví Núi Cấm như một Đà Lạt giữa đồng bằng.
Từ trên đỉnh núi, nơi cao nhất là Điện Bồ Hong phóng tầm mắt nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn cả dày núi rừng chập chùng và những cánh đồng bát ngát như thu gom vào tầm mắt. Lúc trời quang - mây tạnh, đứng tại điện này có thể trông thấy biển Hà Tiên, dãy núi Tà Lơn trên đất bạn Campuchia, vùng di chỉ ÓC Eo - Ba Thê (khu Tứ giác Long Xuyên).
Lưng chừng núi, ấn tượng với du khách là Chùa Vạn Linh, với tượng Phật sơn son thếp vàng lộng lẫy giữa khung cảnh trang nghiêm, trầm mặc và thoát trần.
Trước tiền đường nhìn ra là Quan Âm các cao 35 m, là tháp chuông với quả đại hồng chung nặng 1,2 tấn; là tháp 9 tầng. Phía chân Chùa là Hồ Thủy Liêm rộng 100.000 m2, nước ngọt quanh năm với đủ loại cá bơi lội tung tăng. Bên trên hồ là một tượng Phật Di Lặc được sách kỷ lục châu Á công nhận là lớn nhất Đông Nam Á cao hơn 33m sừng sững, uy nghi.
Núi Cấm xưa kia là nơi hội tụ của những sĩ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương nổi tiếng như Đoàn Minh Huyên, Nguyễn Hữu Huân, Trần Văn Thành, Ngô Lợi, Phan Xích Long… Những người sống ẩn cư nơi thâm sơn cùng cốc được nhân dân xưng tụng là đạo sĩ bởi có võ nghệ siêu phàm, hô phong hoán vũ… Hiện đã có đường ô tô lên đến gần đỉnh núi; dòng điện phục vụ sinh hoạt cũng đã đến được người dân. Mới đây Công ty cổ phần Phát triển du lịch An Giang cũng khởi công xây dựng hệ thống cáp treo lên núi nhằm phục vụ khách tham quan, du lịch.
Nhiều truyền thuyết huyền bí
Không biết tự bao giờ và vì sao mà trong dãy Thất Sơn có rất nhiều dấu chân kích cỡ khác thường nhau in sâu vào mặt đá. Tương truyền, đó là dấu tích của các vị tiên dạo chơi nơi này.
Trên lưng chừng núi Cô Tô, cạnh Sân Tiên có một dấu bàn chân phải lún sâu phiến đá, dấu chân dài trên 3 tấc. Theo người dân ở đây, dấu chân trái có kích cỡ tương tự được tìm thấy trên một phiến đá dưới lòng thác Thanh Long trên núi Cấm. Hai bước chân khổng lồ cách nhau hàng chục km, quả là một điều không thể giải thích được.
Một dấu chân khác được cho là chân tiên nữ, có kích cỡ nhỏ nhắn hơn, in rõ hình 5 ngón chân và gót chân lún sâu vào phiến đá được tìm thấy trên núi Ba Thê.
Chưa hết, trên lưng chừng dãy Thất Sơn bỗng dưng có nhiều hòn đá to xếp chồng lên nhau, nhô ra khỏi triền núi, đứng xa trông giống như mỏ con két, nên núi này được người dân đặt tên là “Anh Vũ Sơn” hay là núi Ông Két. Trên đỉnh, có giếng tiên ăn sâu vào trong núi, luôn đầy nước trong mát.
Vùng Thất Sơn huyền bí cònbao di tích lịch sử, văn hóa, kỳ hoa dị thảo chưa được khám phá, luôn hấp dẫn du khách.
Do đó, nhiều năm qua, tỉnh An Gian, đặc biệt là vùng Thất Sơn luôn dẫn đầu khu vực ĐBSCL về số lượng du khách. Trong năm 2013 có gần 6 triệu lượt du khách đến với tỉnh An Giang, đóng góp doanh thu cho tỉnh hàng ngàn tỷ đồng.
Ông Phạm Thế Triều, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao - Du lịch tỉnh An Giang cho biết, tỉnh vừa hoàn thành dự thảo quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, với mục tiêu thu hút từ 8-10 triệu lượt du khách mỗi năm. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, tỉnh sẽ đẩy mạnh xúc tiến mời gọi đầu tư, khai thác du lịch, nhất là du lịch khám phá - tâm linh, du lịch mùa nước nổi.