Thất nghiệp và nỗi buồn thời covid

Thất nghiệp và nỗi buồn thời covid

Hơn 3.000 công nhân của Công ty PouYuen (TP.HCM) chính thức… thất nghiệp, bắt đầu từ ngày 5/8 tới, sau quyết định vừa được công ty này đưa ra. Như vậy, lại có thêm một nỗi buồn thời Covid-19.

Nỗi buồn tương tự cũng xảy ra vào tháng trước, khi Huê Phong, một công ty sản xuất giày dép có tiếng ở TP.HCM phải tuyên bố cắt giảm 2.000 công nhân. Nhưng đây không phải là nỗi buồn cá biệt vì rất, rất nhiều công ty đã buộc phải cho công nhân nghỉ việc như vậy do ảnh hưởng bởi Covid-19.

Với riêng PouYuen, do đại dịch Covid-19, từ đầu tháng 2/2020 đến nay, Công ty đã bị cắt nhiều đơn hàng. Dù rất cố gắng duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nhưng tới giờ phút này, do không có đơn hàng mới, nên PouYuen buộc phải ra một quyết định, mà theo lãnh đạo Công ty, là “bất khả kháng”.

Điểm may mắn là, tỷ lệ công nhân mất việc của PouYuen không quá lớn, chỉ 3.000 trên tổng số 62.000 công nhân. Thêm nữa, PouYuen cũng có chế độ hỗ trợ rất tốt cho những người buộc phải thôi việc.

Đó là ngoài các khoản trợ cấp theo quy định của Bảo hiểm Xã hội, PouYuen còn trợ cấp cho mỗi người mất việc từ 3 đến 300 triệu đồng (tùy thời gian làm việc); mức trung bình là 60 -70 triệu đồng/người.

Mặc dù vậy, mất việc vẫn là mất việc. Đằng sau quyết định chấm dứt hợp đồng của PouYuen là số phận của không chỉ hàng ngàn người, mà còn là cuộc sống của cả gia đình họ.

Và không chỉ là con số 3.000 lao động trên. Theo con số được Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội công bố, trong 5 tháng đầu năm có khoảng 5 triệu lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Mất việc khiến số người lao động làm đơn xin nhận bảo hiểm thất nghiệp tăng nhanh: 5 tháng, có trên 430.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 28% so với cùng kỳ 2019.

Đáng buồn hơn, chỉ riêng tháng 5/2020, đã có 160.000 người nộp hồ sơ, tăng 55% so với tháng trước đó và tăng 45% so với cùng kỳ năm trước.

Người nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp nhiều đến nỗi, đã xảy ra tình trạng quá tải ở TP.HCM. Nhân viên công vụ phải làm ngoài giờ, làm cả ngày cuối tuần để xử lý hồ sơ khi bình quân mỗi ngày, mỗi điểm tiếp nhận nhận gần 1.400 hồ sơ mới, cao điểm lên tới 2.000 hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp.

Không riêng tại Việt Nam, do ảnh hưởng bởi Covid-19, tình trạng thất nghiệp cũng tăng cao chưa từng có ở Mỹ, ở châu Âu, ở Trung Quốc… Sự gia tăng số người thất nghiệp đã cho thấy, kinh tế - xã hội khó khăn đến mức nào, doanh nghiệp lâm cảnh khốn khó ra sao.

Nỗi buồn của người thất nghiệp, nhưng cũng là nỗi buồn của doanh nghiệp, nỗi lo của nền kinh tế. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống 4,1% thay vì con số 4,9% đưa ra cách đây chưa lâu. Điều này chứng tỏ tính khó dự báo, tính bất định của nền kinh tế lớn như thế nào.

Điều đó cũng cho thấy, doanh nghiệp còn gặp vô vàn khó khăn. Bởi thế, điều mà doanh nghiệp ngóng chờ chính là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sớm đi vào cuộc sống và sớm phát huy hiệu quả. Song nhiều doanh nghiệp vẫn than phiền là họ chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết, chưa nhận được hướng dẫn thực thi giải pháp hỗ trợ. Chẳng hạn như dù Chính phủ đã đồng ý giảm thuế trước bạ cho xe ô tô sản xuất trong nước, nhưng đến nay, cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng vẫn đợi văn bản hướng dẫn.

Một thông tin đáng mừng là trước khi Kỳ họp thứ chín, Quốc hội Khóa XIV bế mạc, các đại biểu Quốc hội đã thông qua nghị quyết giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 với những doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Thế nhưng trên thực tế, có thể không nhiều doanh nghiệp được hưởng sự hỗ trợ này do không có doanh thu, không có lợi nhuận.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, kéo theo đó sẽ là nhiều lao động bị mất việc. Do vậy, hơn lúc nào hết, các cơ quan chức năng phải làm thế nào để đưa những chiếc “phao cứu sinh” mà Chính phủ tung ra đến với doanh nghiệp càng sớm càng tốt!

Tin bài liên quan