“Thắt lưng buộc bụng” không giúp được Châu Âu

“Thắt lưng buộc bụng” không giúp được Châu Âu

Khi khủng hoảng nợ công nổ ra, các nước sử dụng đồng euro đã buộc chặt bản thân họ vào một thoả thuận tăng trưởng và bình ổn, điều gây ra suy thoái hơn là kích thích tăng trưởng. Bởi việc hạn chế thâm hụt khi đang có cú sốc lại chính là nhiên liệu cho suy thoái, với minh chứng rõ nhất là những gì đang xảy ra tại Hy Lạp.

Cam kết chính trị

 

Phần lớn các nhà kinh tế đều cho rằng khi các nước Châu Âu phát hành đồng tiền chung euro, đó là một nhiệm vụ chưa hoàn tất. Khu vực đồng euro đưa ra rất nhiều cơ chế điều chỉnh, nhưng vẫn chưa đặt mọi thứ vào đúng vị trí cần có. Châu Âu vẫn chưa có một cơ chế tài chính chung và vẫn thiếu một khung hoạt động, cho phép tạo ra đồng tiền tệ chung hiệu quả.

 

Thỏa thuận được các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra để giải cứu Hy Lạp hồi tháng 7 khá hợp lý. Nó thừa nhận Hy Lạp cần sự giúp đỡ để tăng trưởng. Song Châu Âu lại chần chừ trong việc cấp tiền và tiến trình phê chuẩn gói giải cứu rất chậm chạp. Lẽ ra, thỏa thuận này đã có khởi đầu tốt nếu được triển khai nhanh chóng. Đáng tiếc, điều đó không diễn ra.

 

Điều cần làm hiện nay là phải mở rộng kênh bình ổn tài chính Châu Âu (EFSF). Về dài hạn, Châu Âu cần phát hành trái phiếu đồng euro. Họ phải thừa nhận “thắt lưng buộc bụng” không phải là cách đúng đắn để giúp Châu Âu thoát khủng hoảng nợ công.  Vấn đề lớn tại khu vực đồng euro hiện nay chính là suy nghĩ cần hạn chế thâm hụt tài chính, mà thực chất đó là một phân tích sai lầm. Làn sóng biểu tình đang lan khắp Hy Lạp nhằm phản đối các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” theo yêu cầu của Liên minh Châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế, vốn được cho là tước mất mọi cơ hội tăng trưởng của nước này.

 

Dù Châu Âu đã có cam kết từ các nhà lãnh đạo, nhưng tiến trình chính trị đôi khi lại không tương đồng với kinh tế. Có một lý do hợp lý để dự đoán một năm sau nữa, khu vực đồng euro sẽ bị thu nhỏ hơn so với mức nó hiện có. Phần lớn các chuyên gia kinh tế đồng thuận rằng, cách tốt nhất hiện nay cho khối kinh tế Châu Âu là hãy “trả tự do” cho các quốc gia Bắc Âu. Đó là sự điều chỉnh dễ dàng nhất. Nhưng điều đó có lẽ không xảy ra; bởi, quan điểm đang hướng đến lại là một vài quốc gia yếu kém nên rời khỏi khu vực đồng tiền chung. Và điều đó sẽ dẫn đến những tổn thương rất lớn với thị trường tài chính toàn cầu, chẳng hạn như phong tỏa thị trường tín dụng, lặp lại sự kiện ngày 15.9.2008 khi Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ.

 

Tiềm năng tăng trưởng

 

Nếu Châu Âu khăng khăng thúc đẩy các gói “thắt lưng buộc bụng” và không có những hỗ trợ cần thiết để giúp các quốc gia đang có khó khăn nghiêm trọng về kinh tế, như Hy Lạp, thì chắc chắn rằng khu vực đồng euro sẽ tan rã. Hàng loạt những quy định mà Đức đề ra khi đồng euro mới được lưu hành vào thập niên 1990 là hạn chế vay mượn chính phủ trong khu vực đồng euro dưới 3% GDP. Song hiệp ước bình ổn ban đầu đã bị bãi bỏ, khi chính Đức lại phá vỡ quy tắc trên mà không hề bị trừng phạt vào năm 2002-2005. Gần đây, Đức lại là quốc gia kêu gọi thiết lập hệ thống quy tắc thậm chí khắc nghiệt hơn để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu.

 

NHTƯ Châu Âu (ECB) là một thể chế linh hoạt cần thiết để đối phó với khủng hoảng. Nó sẽ thực sự hiệu quả, bởi ECB có thể can thiệp để chặn các lỗ hổng và sẵn sàng làm điều đó. Vấn đề hiện nay lại là một vài người ở Đức và một số nước khác cho rằng ECB không nên mua trái phiếu của Italia và Tây Ban Nha, và rằng ngân hàng này không nên can thiệp. Nhưng nếu ECB không làm điều đó, triển vọng của khu vực đồng euro sẽ rất, rất ảm đạm.

 

Điều dễ thấy là Hy Lạp sẽ không vỡ nợ, nếu họ nhận được đủ sự trợ giúp để tăng trưởng. Quốc gia này có rất nhiều tiềm năng, vì vậy nếu Châu Âu chịu chi đủ tiền, Hy Lạp sẽ tăng trưởng và có khả năng tự quản lý khoản nợ của mình. Nhưng cho đến nay, tôi vẫn chưa thấy bất cứ dấu hiệu trợ giúp tăng trưởng này ngoài các trợ giúp nhỏ giọt chỉ đủ đáp ứng sự thiếu hụt ngân sách. Và tôi không mấy lạc quan về việc Hy Lạp tránh được nguy cơ vỡ nợ.